Hà Nội

Áo dài, đàn bầu bị “nhận vơ”: Không thể làm ngơ

27-11-2019 14:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dư luận xã hội và các nghệ sĩ nước ta gần đây rất bức xúc với việc áo dài, đàn bầu của Việt Nam bị nước khác “nhận vơ”.

Những sự việc này đang cho thấy, nếu chúng ta không có cách bảo vệ thì một số di sản của nước nhà sẽ bị... ăn cắp. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan liên quan cần định vị thương hiệu áo dài, đàn bầu là sản phẩm “made in Việt Nam” để ngăn kẻ khác nhòm ngó và nhận vơ.

“Ăn cắp” từ đàn bầu đến áo dài

Gần đây, thông tin loạt hình ảnh người mẫu mặc áo dài Việt Nam trong bộ sưu tập thời trang  tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân hè 2019 đã nhận được sự chú ý của dư luận. Bởi lẽ tại sự kiện thời trang kể trên, áo dài mà các người mẫu mặc trong sự kiện này cùng với chiếc nón lá được truyền thông nước này gọi là “phong cách Trung Quốc”. Thậm chí, phía nhãn hàng còn cung cấp tài liệu chứng minh từ phom dáng, sắc màu và hoạ tiết trong trang phục Trung Quốc giống đến 99% thiết kế Việt Nam. Vì vậy, nhiều người dân và các nhà thiết kế nước ta rất bức xúc, bởi từ lâu áo dài là trang phục truyền thống của người Việt, bỗng dưng bị nhà thiết kế nước ngoài “nhận vơ” là thành quả sáng tạo.

Các mẫu trang phục trình diễn áo dài được gọi là “phong cách Trung Quốc” gần đây khiến dư luận nước ta rất bức xúc.

Các mẫu trang phục trình diễn áo dài được gọi là “phong cách Trung Quốc” gần đây khiến dư luận nước ta rất bức xúc.

Theo PGS.TS. Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, áo dài do người Việt Nam sáng chế, người Việt Nam sử dụng nên trở thành thương hiệu của người Việt Nam. Khi nhà thiết kế Trung Quốc nói rằng đây là “phong cách Trung Quốc” và nếu đúng họ tự ý sao chép thì về mặt nhân cách, lòng tự trọng là hành động ăn cắp. Trong khi đó, nhà thiết kế áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam đánh giá, hành động trên là bằng chứng rõ nhất cho việc tà áo dài Việt Nam rất đẹp đã bị nhà thiết kế Trung Quốc sao chép, đạo ý tưởng. Thực tế cho thấy, áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam. Năm 2002, áo dài đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, riêng biệt hẳn với các nước khác trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nhà thiết kế trong nước cũng lên tiếng khẳng định, việc người mẫu mặc áo dài trong bộ sưu tập thời trang của sự kiện kể trên gọi với “phong cách Trung Quốc” là không thể chấp nhận, họ đang có hành vi xâm lấn văn hóa, từ đó “ăn cắp” trắng trợn các sáng tạo nghệ thuật độc nhất vô nhị chỉ có ở Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên một di sản văn hóa của nước ta bị nước ngoài nhận vơ. Năm 2016,  các nhà nghiên cứu và người dân trong nước cũng rất bức xúc khi Trung Quốc tuyên bố đàn bầu là nhạc cụ dân tộc của nước này. Tuy nhiên, theo các sử liệu, các chuyên gia và nhà nghiên cứu âm nhạc khẳng định, đàn bầu là loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã khẳng định, đàn bầu là nhạc cụ độc nhất vô nhị khu vực châu Á, ai cũng nói Việt Nam là đất nước của đàn bầu, chân lý không gì thay đổi được. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đàn bầu là nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, với cách xây dựng, cách làm đàn từ chất liệu rất dân tộc, xuất tích đàn bầu gắn liền với đời sống nông thôn nước ta. Những tác phẩm để đàn bầu thể hiện cũng là nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, điều này không thể phủ nhận được.

Cần khẳng định thương hiệu “made in Việt Nam”

Trước những sự việc kể trên, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan liên quan ở nước ta cần phải có biện pháp để định vị thương hiệu áo dài, đàn bầu do người Việt sáng tạo nên. Trên thực tế, từ 2013, Bộ VH-TT&DL đã giao Cục Mỹ thuật xây dựng đề án lễ phục Việt Nam để tìm kiếm bộ lễ phục nhà nước, sử dụng chung vào những dịp lễ trọng của quốc gia. Dự án này đã được làm rất công phu nhưng kết quả không như mong đợi. Bởi chỉ mẫu lễ phục nữ được các nhà thiết kế chọn là áo dài,  còn bộ lễ phục cho nam giới (áo dài khăn đóng, đến complê cải tiến...) đều không nhận được sự ủng hộ từ người dân với các chuyên gia. Vì thế, năm 2014, Đề án lễ phục Việt Nam này đã phải dừng lại bởi chưa tìm được bộ lễ phục cho nam giới và một số lý do khác. Tuy nhiên, với việc áo dài được lựa chọn tại đề án lễ phục nhà nước đã phản ánh giá trị và thương hiệu của áo dài đối với người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay.

Trong khi đó, liên quan đến đàn bầu, tại Hội thảo khoa học “Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam - Truyền thống, kế thừa và phát triển” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định, từ trong các sinh hoạt âm nhạc dân gian, các lễ nghi phong tục, các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây trong mấy chục năm gần đây đều có sự tham gia trình diễn của đàn bầu. Dù có thời cuộc có đổi thay nhưng đàn bầu là nhạc cụ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam là không thể thay đổi.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định, đàn bầu được coi là “hồn cốt” của dân tộc, được nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích, nghiên cứu. Nhưng đến nay, đàn bầu vẫn chưa được công nhận là Di sản văn hoá cấp Quốc gia. Chính vì vậy, PGS. TS. Lê Anh Tuấn đánh giá đây là vấn đề cấp bách. Nhằm khẳng định vị thế của cây đàn bầu trong nền văn hóa Việt Nam và thế giới, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình xin công nhận đàn bầu là Di sản văn hóa Quốc gia trong thời gian tới.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn