Áo dài của chị em ta

30-05-2016 18:39 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Vừa rồi, Tổng thống Mỹ B. Obama thăm Việt Nam. Trong những món quà ông mang từ Việt Nam về có ba chiếc áo dài được may đo do một nhà tạo mốt tặng cho vợ và hai con gái Tổng thống.

Vừa rồi, Tổng thống Mỹ B. Obama thăm Việt Nam. Trong những món quà ông mang từ Việt Nam về có ba chiếc áo dài được may đo do một nhà tạo mốt tặng cho vợ và hai con gái Tổng thống. Áo dài phụ nữ Việt Nam quả là rất tuyệt. Nhân sự kiện này, ta cũng có thể ngắm lại cái áo dài của chị em ta.

Cứ ngẫm nghĩ kỹ, mới hay, ông cha mình tài thật. Vừa sâu sắc, vừa từng trải đến lọc lõi. Các cụ bảo: “Người đẹp vì lụa”. Tuy nhiên thế, cũng không nên vì vẻ đẹp của lụa mà để quần áo che khuất con người, biến con người thành những cái mắc áo, hay những cây cọc di động, chỉ để nhằm đeo vắt những bộ cánh diêm dúa. Không ít buổi biểu diễn thời trang, trông mà phát khiếp, vì chẳng rõ người đâu, chỉ thấy những bộ quần áo te tua, đi phơ phất như ma. Quần áo nhằm tôn vinh con người, che đi những khiếm khuyết và phô ra những vẻ đẹp kiều diễm. Nhà tạo mốt là những người căn cứ vào từng vóc dáng cụ thể mà sáng tạo ra những bộ quần áo phù hợp với chính người đó và chỉ người đó mà thôi. Người ấy mặc thì lộng lẫy. Tất cả những vẻ đẹp của cơ thể đều được tôn vinh và cộng hưởng. Cũng tấm áo ấy, khoác lên những cơ thể khác thành lạc lõng. Và rồi chính con người khoác nhầm tấm áo ấy, đã tự biến mình thành cây cọc vô cảm. Bởi thế, làm sao lại có mốt đại trà. Những bộ mốt lại bày bán la liệt trong những cửa hàng quần áo may sẵn, ai mua cũng được, ai mặc cũng được. Thế thì sao còn là mốt nữa. Nó đã thành cơm bình dân, nói theo ngôn ngữ thông dụng thì đó là cơm bụi. Tương tự thế, những “bộ cánh” ấy, ta cũng có thể gọi là váy bụi, áo bụi, quần bụi. Nói thế này, các nhà tạo mốt có thể phật ý: “Mốt cũng có thể đại trà được chứ. Vì nhiều người có hình thể giống nhau, vóc dáng giống nhau”. Vâng đúng thế. Vóc dáng người Việt ta, có thể nhiều người giống nhau, nhưng nước da đâu có giống nhau và gương mặt thì lại càng khác. Chả lẽ áo quần, màu sắc vải vóc có thể độc lập, riêng rẽ, không cần phải phù hợp, hài hòa với màu da và gương mặt chăng?

Trang phục của người Việt ta rất đẹp. Có lẽ hoàn hảo nhất chính là chiếc áo dài phụ nữ. Hình như chính cơ thể chị em đã tôn chiếc áo lên. Và rồi chính chiếc áo cũng tôn vẻ đẹp của chị em. Đó là sự cộng hưởng đã đạt đến độ mỹ mãn. Mới hay cha ông mình tài quá, tài và lẳng nữa. Chẳng có gì tôn vinh cái “tòa thiên nhiên” của chị em bằng chiếc áo dài. Chiếc áo ôm lấy người, bó sát như dính bết vào người. Mọi đường cong, nét uốn, cả cái vẻ rừng rực của cơ thể đều phơi ra hết. Phơi ra mà vẫn kín đáo. Kín mà lại hở. Thế mới “giết” người ta. Không chỉ đàn ông mê. Đàn bà cũng say đắm. Bà Blaga Đimitrova, nữ thi hào Bungari nổi tiếng thế giới, ngắm chị em ta trong những bộ trang phục, phải thốt lên: “Bây giờ thì tôi tin, các thiên thần là có thực”. Không chỉ thích tấm áo dài, bà còn yêu cả tấm quần lụa. Chị em đi xe máy, đi xe đạp, hay chỉ đơn giản thả bộ trên hè phố, dải quần lụa bay lất phất về phía sau, trông cứ như đôi cánh mỏng, bà Blaga ngỡ ngàng: “Hình như người phụ nữ Việt Nam không đi, mà họ đã bay bằng chân và bay trên mặt đất”. Bà Blaga đã mang theo về nước mấy bộ áo dài Việt Nam. Bây giờ vợ con Tổng thống Mỹ B. Obama cũng muốn có chiếc áo của thiên thần này, âu cũng dễ hiểu.

Nhìn chung, người Việt ta ăn mặc rất đẹp, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ được trời phú cho sức trẻ, vẻ đẹp của họ lại được tôn vinh nhờ những bộ trang phục hợp kiểu cách và vóc dáng. Nhưng cũng không ít bạn a dua, chạy theo người mà không nhìn vào vóc dáng thực của mình. Những bộ mốt dù rất đẹp nhưng chỉ hợp với người này mà lạc lõng với người kia. Cũng bộ đó, bạn mặc thì đẹp, mình mặc lại lố lăng, kệch cỡm. Hãy cứ xem các ca sĩ ta lên sân khấu là rõ nhất. Cũng vì a dua chạy theo mốt bề ngoài của ca sĩ này hay ca sĩ khác, nhất là những ca sĩ nước ngoài mà nhiều bạn đã đánh mất đi vẻ đẹp trời cho của mình. Đấy là điều rất đỗi đáng tiếc. Có bạn hiện lên te tua như bù nhìn canh dưa. Có bạn xùm xòe như mụ phù thủy. Có bạn trông chẳng khác gì con bươm bướm ma. Lại có bạn hầm hố như tên khủng bố. Trước những bộ trang phục như thế, ngay cả những người dễ tính nhất cũng cảm thấy khó chịu vì sự phản cảm. Người đơn giản thì nghĩ: “Có lẽ mấy cô cậu này đã hết thời rồi. Chất giọng đã xuống xề, nên phải dùng những thứ lạ mắt ngoại hình thu hút khán giả thay cho giọng hát đã xuống cấp”. Có người sâu sắc hơn: “Các ca sĩ, nhìn chung chỉ được mỗi cái cổ họng. May mà giời cho được tí giọng hát, chứ văn hóa, thẩm mỹ quá thấp kém, nên họ rất lố lăng mà họ không tự biết”. Thế đấy. Đằng nào thì cũng thiệt. Các cụ bảo: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Có một nhà thơ cũng đã đúc kết như một chiêm nghiệm: “Hình áo thế nào thì hình người thế ấy”. Chỉ cần xem cách ăn mặc là người ta có thể biết được bụng dạ, tính tình, trình độ, thẩm mỹ và cả đạo đức của con người. Vậy thì quần áo không còn là chuyện trang phục đơn thuần nữa.


Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Ý kiến của bạn
Tags: