Nỗi oan vắc-xin phải trả bằng tính mạng trẻ nhỏ
Vừa qua, trên trang Huffington Post đã đăng tải lời kêu gọi của một bà mẹ người Canada rằng: “Hãy đừng antivacine” - bởi con của bà mẹ này suýt tử vong do ho gà. Theo đó, con gái của chị mới 6 tuần tuổi và chưa đến tuổi tiêm phòng loại vắc-xin này và đã bị lây từ một bé khác bị ho gà do không tiêm phòng. Sau một năm điều trị, phổi của bé vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và suốt một năm điều trị bệnh đó là khoảng thời gian đáng sợ trong gia đình người phụ nữ này. Do vậy, chị đã viết: Bạn làm gì với con mình là lựa chọn của bạn. Nhưng đừng nói rằng việc không tiêm vắc-xin cho con mình hoàn toàn không gây hại đến những đứa trẻ khác. Con tôi là minh chứng cho ảnh hưởng mà những trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa phải gánh chịu. Xin hãy tiêm vắc-xin cho con.
Tiêm phòng cho trẻ đúng lịch để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh của vắc xin
Còn tại Việt Nam, đã có những dịch bệnh bùng phát trở lại do nhiều trẻ không được tiêm vắc-xin. Đầu tiên phải kể đến dịch sởi bùng phát năm 2014 khiến hàng nghìn trẻ em mắc bệnh và gần 150 bé đã tử vong do các biến chứng, trong đó có tới 90% trẻ không được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Sau đại dịch này, phụ huynh mới nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng và đổ xô cho con đi tiêm vắc-xin sởi khiến các điểm tiêm chủng quá tải. Hai bệnh khác gần đây cũng bùng phát trở lại và cướp đi sinh mạng hàng chục trẻ em, do không được chích ngừa vắc-xin là ho gà và viêm gan B. Năm 2016 dịch ho gà trở lại khiến hàng trăm em bé Hà Nội phải nhập viện, nhiều em tử vong. Đặc biệt là bệnh Viêm não Nhật Bản đang khiến rất nhiều trẻ không được tiêm phòng phải điều trị tích cực tại các bệnh viện. Các bé này đang phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hoặc nếu được cứu sống thì cũng bị di chứng nặng nề.
Sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hơn 600 triệu liều văc-xin đã được chích miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhờ vậy giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, trước phong trào antivắc xin ngày càng lan rộng, thì những nỗ lực trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng ngừa bệnh cho cộng đồng có nguy cơ bị thất bại. Phong trào anti vắc-xin đã khiến ThS.Nguyễn Quốc Tuấn (Đại học Y Dược Cần Thơ) phải thốt lên: Hãy chỉ cho tôi cách chăm sóc bé để không bị nhiễm lao, nếu không cho bé tiêm ngừa lao. Hãy chỉ cho tôi cách phát hiện thật sớm một bé bị viêm não Nhật Bản (tức là điều trị hết bệnh đó chứ không phải là tới bệnh viện sớm). Bạn chỉ nghe nói bé bị biến chứng khi tiêm ngừa (nghe nói thôi chứ chưa chắc đã đúng) nhưng chúng tôi đã chứng kiến hàng chục hoặc hàng trăm ca các bé bị bệnh và đã tử vong do không được tiêm ngừa. Có những ý kiến cho rằng việc tiêm vắc-xin là để các hãng dược phẩm bán được vắc-xin và bác sĩ thu được tiền. Nhưng các hãng dược đều là đơn vị kinh doanh, nếu thế giới không có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn thì chắc họ không nghiên cứu để sản xuất. Tiêm chủng mở rộng là miễn phí, do đó các bác sĩ sẽ không nhận được tiền trong chương trình này và chúng tôi làm vì trách nhiệm của chúng tôi với cộng đồng.
Những quan niệm sai lầm về vắc-xin
Mới đây, trên trang Medscape - một trang uy tín hàng đầu đăng tải những báo cáo khoa học về y học - đã tải bài viết về quan niệm sai lầm về vắc-xin. Trong đó có sai lầm về niềm tin rằng không còn cần tiêm chủng với một số bệnh do hiểu lầm rằng các bệnh đó đã biến mất, chẳng hạn như bệnh sởi, bạch hầu và bệnh bại liệt. Tuy nhiên, điều đó không đúng, trong thực tế, bệnh truyền nhiễm duy nhất đã chính thức được khai trừ trên toàn cầu là bệnh đậu mùa.
Sai lầm thứ hai là quan điểm vắc-xin là nguyên nhân gây bệnh tự kỷ. Đây là lý do rất phổ biến khiến nhiều người chống lại tiêm chủng. Xuất phát từ năm 1998 sau khi một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet bởi Andrew Wakefield và cộng sự. Trong bài viết này, Wakefield cho thấy mối liên quan giữa vắc-xin bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR) và bệnh tự kỷ, dựa trên chỉ 8 trường hợp, dấy lên mối lo ngại đáng kể về tính an toàn của vắc-xin. Tuy nhiên, sau khi điều tra mở rộng, một số vấn đề then chốt liên quan đến nghiên cứu này đã được làm sáng tỏ, bao gồm cả sự thiếu nhất quán nghiêm trọng về phương pháp nghiên cứu và xung đột về lợi ích. Tác giả chính của nghiên cứu này cũng đã bị thu hồi giấy phép hành nghề y tại Anh bởi Hội đồng y tế chung (General Medical Council) do hành vi sai trái nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Ngay sau đó, một số nghiên cứu dịch tễ học được thiết kế khoa học và đầy đủ đã được thực hiện để đánh giá mối liên hệ giữa việc sử dụng vắc-xin và bệnh tự kỷ. Năm 2011, một phân tích gộp đánh giá các dữ liệu thu thập từ những nghiên cứu đoàn hệ trên 1.256.407 trẻ em về mối tương quan giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ. Kết quả là không có sự liên quan nào được tìm thấy giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ.
Một sai lầm nữa là quan niệm vắc-xin là nguyên nhân gây bệnh tự miễn. Gần đây, có quan niệm rằng hội chứng tự miễn dịch và hội chứng viêm do hệ miễn dịch gây ra bởi chất phụ trợ dùng trong vắc-xin. Tuy nhiên, đã có các nghiên cứu được tiến hành để kiểm tra tỷ lệ mắc các bệnh tự miễn trong nhóm bệnh nhân được tiêm phòng với nhóm không được tiêm phòng. Các kết quả đã không chỉ ra được vắc-xin có liên quan đến sự gia tăng các bệnh tự miễn dịch. Hầu hết các số liệu trong các nghiên cứu thể hiện sự liên quan giữa vắc-xin và tự miễn dịch đều thiếu tính thuyết phục.
Lời nhắn cho cộng đồng
Một số quan niệm và suy đoán sai lầm đang tồn tại xung quanh vấn đề tiêm chủng. Mặc dù không có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh, song những nỗi sợ hãi đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với sự thành công của chương trình tiêm chủng y tế cộng đồng. Một số lượng đáng kể người dân từ chối tiêm phòng cho bản thân hoặc con cái là minh chứng cho kết quả của thông tin sai lạc và sự sợ hãi đó. Trong khi các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu sâu hơn và cố gắng đạt được hiệu quả cao hơn với các loại vắc-xin trong tương lai và nghiên cứu về miễn dịch của vắc xin, thì điều đầu tiên cộng đồng cần làm là phối hợp với chuyên gia y tế để hỗ trợ tiêm chủng và giúp tăng cường sự tuân thủ với các chương trình tiêm chủng.