Anti vắc xin là một trong những thách thức của y tế toàn cầu

08-12-2019 09:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngoài các vấn đề về dịch bệnh đang là mối lo ngại cho nền y tế công cộng toàn cầu hiện nay phong trào anti vắc xin cũng là một hiểm họa mới thế giới phải đối mặt.

Ngày 6-12-2019 Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ 20 với chủ đề: “Nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng: Thách thức của y tế công cộng trong thời đại toàn cầu hóa”.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định: Do vấn đề giao thương và hội nhập quốc tế đang toàn cầu hóa nên giữa các nước hiện nay là biên giới mềm, dẫn đến việc dịch bệnh cũng lây lan nhanh.

Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng  vẫn còn tăng cao, các bệnh không lây nhiễm cũng tăng nhanh; vấn đề kháng kháng sinh, bệnh HIV/AIDS cũng là  những thách thức lớn. Chính vì vậy, Viện Pasteur TP.HCM nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để có hệ thống xét nghiệm nhà xưởng hiện đại hơn, thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, chương trình quốc gia; xây dựng phát triển nguồn nhân lực cho viện; tổ chức những hội nghị để trao đổi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức  cũng như mời các chuyên gia nước ngoài cùng tham gia các công trình nghiên cứu giúp cho giúp  ngành y tế Việt Nam có những công cụ mới, hướng đi mới và hoàn toàn có thể kiểm soát được những thách thức của ngành y tế trong thời đại toàn cầu hóa...

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại Hội nghị “Nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng: Thách thức của y tế công cộng trong thời đại toàn cầu hóa”

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết hiện thế giới đang đối đầu với nhiều thách thức về sức khỏe như: ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu; bệnh không lây, đại dịch cúm, môi trường sống khó khăn và dễ bị tổn thương; tình trạng kháng kháng sinh; các dịch bệnh như Ebola, sốt xuất huyết, HIV vẫn còn tăng cao; nỗi e ngại về phong trào anti vắc xin....nên rất cần sự chung tay của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân.

Tại hội nghị, nhiều công trình nghiên cứu đã được báo cáo như: Tồn lưu kháng thể sau 18 tháng tiêm vắc xin Ivacflu-A/H5N1 và một số yếu tố dịch tễ liên quan; tỷ lệ đồng nhiễm viêm gan B, viêm gan C, giang mai, mụn cóc hậu môn sinh dục và lậu ở nam quan hệ tình dục đồng giới mới biết nhiễm HIV; đặc điểm dịch tễ học và vi rút học các trường hợp có hội chứng liệt mềm cấp ở khu vực phía Nam năm 2010-2018; thực trạng hệ số sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng tại 20 tỉnh thành phía Nam năm 2018....


Thủy Tiên
Ý kiến của bạn