Anh: Xe đạp lại lên ngôi

15-05-2015 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mở cửa hàng bán xe đạp đang trở thành ngành kinh doanh phát triển tại các thành phố lớn của Anh. Ðiểm đặc biệt là những chiếc xe trị giá hàng chục triệu đồng tiền Việt...

Mở cửa hàng bán xe đạp đang trở thành ngành kinh doanh phát triển tại các thành phố lớn của Anh. Ðiểm đặc biệt là những chiếc xe trị giá hàng chục triệu đồng tiền Việt và được chuộng nhất là xe đạp sản xuất ngay tại London chứ không phải hàng nhập rẻ tiền từ Trung Quốc. Không chỉ là phong trào vì môi trường hay tập thể thao, xe đạp là một ngành kinh doanh lớn ở London.

Số lượng người đi xe đạp gia tăng tại Anh.

Nếu so sánh hình ảnh của nước Anh so với 10 năm trước thì khác biệt chính là ngành kinh doanh xe đạp. Ngay cả cửa hàng lớn của hãng xe hơi Đức nổi tiếng BMW ở trung tâm London bây giờ cũng bày bán xe đạp môtô. Không chỉ là cửa hàng bán xe đạp mà một loạt các cơ sở dịch vụ có liên quan đến xe đạp được mở ra ở các khu dân cư giàu có của London như là quán cà phê cho người đi xe đạp, hay xưởng sửa xe hơi giờ có thêm khu sửa xe đạp. Mạng lưới cửa hàng bán phụ tùng xe ôtô Hartford nhờ mở thêm gian bán quần áo cho người đi xe đạp mà doanh số tăng kỷ lục trong vòng vài năm trở lại đây.Nếu quan sát kỹ thì đây không chỉ là sự thay đổi về văn hóa và cuộc sống mà là kết quả của một ngành kinh tế đang phát triển trong hoàn cảnh đặc thù của nước Anh. Có ai nghĩ được rằng ở ngay trung tâm London là khu Brompton - xưởng sản xuất xe đạp với hàng trăm nhân viên, mà doanh số nay lên đến gần 30 triệu bảng một năm so với chưa đầy 2 triệu cách đây 10 năm. Mỗi chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Brompton giá trên dưới 1.000 bảng, tức là trên 30 triệu đồng tiền Việt.

Số lượng người đi xe đạp gia tăng khiến chính quyền phải chi ngân sách để làm các tuyến đường mới dành riêng cho xe đạp để giảm bớt tai nạn do va chạm với xe hơi và xe tải. Ga xe lửa phải xây dựng thêm khu để xe đạp cho hành khách. Những chiếc xe đạp mini đắt tiền là hình ảnh gắn liền với dân công chức mà bây giờ người ta bắt đầu tổ chức cuộc đua xe đạp dành riêng cho loại xe này và người tham gia bắt buộc phải mặc áo vest. Cả một ngành công nghiệp mới ăn theo sự thay đổi này, từ miếng kẹp ống quần cho khỏi bị cuốn vào xích, cho đến áo khoác phát quang và đèn chớp để cảnh báo lúc trời tối, hay là mũ bảo hiểm hợp thời trang và cặp xách hay ba-lô và quần áo đúng mốt đúng mùa.

Ở Anh, nhóm khách hàng quan trọng nhất trong thị trường xe đạp là những người đi làm ở công sở. Việc đi lại hàng ngày của họ trở thành câu thành ngữ phổ biến là “2 bus 1 train”, tức là 2 chuyến xe buýt và 1 chặng xe lửa. Buổi sáng thức dậy họ đi xe buýt từ nhà đến trạm xe lửa, đi vào trung tâm, rồi ra khỏi bến xe lửa thì đón thêm một xe buýt nữa để đến nơi làm việc. Tương tự vậy trên đường về nhà. Nếu dùng xe đạp thay xe buýt thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền vé từ 4 chuyến xe, chưa kể là không phải chịu cảm giác bực mình khi chờ đợi, hay chen chúc đứng trên xe và đạp xe cũng là tập thể dục, khỏi tốn tiền đi tập gym. Tác phong này đã có ở Đức từ lâu và các chuyến xe lửa thường có toa riêng để chở xe đạp.

Nhưng ở Anh thì người ta cấm mang xe đạp lên tàu lửa trong giờ cao điểm, cho nên hãng Brompton đã sản xuất riêng các loại xe đạp mini có thể gấp lại thành một hộp nhỏ để xách tay, vì vậy rất được ưa chuộng, có thể để gọn trên xe lửa hay khi về đến nhà vốn diện tích cũng rất hạn hẹp. Các loại xe đạp gấp do Việt Nam hay Trung Quốc sản xuất không được thiết kế sát với nhu cầu và sở thích của người Anh nên thường chỉ được dùng làm đồ chơi cho trẻ em.

Nhóm khách hàng thứ hai là những người mua xe đạp địa hình hoặc xe đạp đua để tập thể thao vào cuối tuần. Sau chiến thắng của tay đua người Anh ở giải Tour de France thì rất nhiều người Anh sắm xe và quần áo cua-rơ để ra đường tập, cả người đứng tuổi lẫn giới trẻ ở tuổi vị thành niên. Thông qua các hiệp hội địa phương hay là các trang mạng liên kết, người ta thường hẹn nhau đi theo các lộ trình đẹp để vừa tập thể thao vừa ngắm cảnh đẹp. Những tuyến đường đó có sẵn từ trước và nay được chính quyền các nơi lắp thêm biển chỉ đường.

Khách du lịch không có sẵn xe đạp thì có thể thuê xe, giống như phong trào đang có mặt ở hầu hết các thành phố lớn của châu Âu. Bên cạnh đó cũng phải kể đến một hình ảnh rất đặc thù của nước Anh, đó là những chiếc xe Honda Wave hay Future lắp hộp ở phía sau để chở đồ ăn từ các nhà hàng Take Away đến tận nhà giao cho khách. Dân sửa chữa cũng thích dùng môtô để di chuyển cho cơ động trong giờ tắc đường và dễ tìm chỗ đậu xe. Văn hóa sử dụng phương tiện cơ khí là truyền thống có sẵn trong xã hội Anh nên ngành xe đạp nhanh chóng tận dụng được những lợi thế đó để trở thành một nguồn lợi kinh tế lớn.

Người Anh nghĩ rằng chính họ mới là người đầu tiên thiết kế ra chiếc xe đạp bằng gỗ như hiện đang trưng bày ở bảo tàng Glasgow và coi cuộc đua vòng quanh nước Pháp như là một chuyến du lịch qua màn ảnh truyền hình. Trước mắt thì những chiếc xe đạp Brompton nổi tiếng của Anh rất khó xuất khẩu cho nơi nào khác vì giá cao và thiết kế rất đặc trưng cho điều kiện giao thông và văn hóa của người Anh.

Hiện ngay trước cửa Bảo tàng Anh quốc đang có một cửa hàng chuyên sản xuất loại xe đạp Farthing là những chiếc xe bánh trước to cao bằng đầu người còn bánh sau thì nhỏ xíu, mỗi khi đạp phải bám cột điện hay tường nhà để trèo lên, mà nay quay trở lại thành thú vui thời thượng cho dân có tiền muốn sống như trong những cảnh phim thời xưa.

 (Theo Le Monde)

Lê Sơn

 

 


Ý kiến của bạn