Chỉ những ai chứng kiến những ngày tháng đẫm bao máu xương và nước mắt của người dân Việt Nam mới hiểu được giá trị của những hy sinh. Có một người nước ngoài đã góp phần không nhỏ làm cho triệu triệu người dân trên khắp thế giới thức tỉnh, hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có chính bản thân mình - ông là nhiếp ảnh gia Tim Page.
Quá khứ trở về trong từng khoảnh khắc
Tim Page là một cựu phóng viên chiến trường nổi tiếng của Anh, ông sang Việt Nam khi còn rất trẻ. Năm 18 tuổi, ông rời xa nước Anh, tay cầm máy ảnh bước vào những cuộc chiến tranh từ châu Âu sang châu Á. Những quốc gia mà Page lưu lại nhiều nhất là 3 nước Đông Dương gồm Lào, Campuchia và Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Tim Page chụp những năm ở chiến trường
Những ngày tháng 4 vừa qua, một cuộc triển lãm ảnh đã “gọi quá khứ quay về”, trong đó trưng bày rất nhiều các bức ảnh về cuộc chiến tranh Đông Dương tại Trung tâm nghệ thuật Selegie, Singapore đã thu hút rất đông những người quan tâm tới Việt Nam. Ở đây, 85 bức ảnh về cuộc chiến ở Đông Dương từ năm 1950 - 1975 là 85 “lời thì thầm từ quá khứ”, đưa người xem về lại với những đau thương, mất mát của chiến tranh. Trong đó có khá nhiều bức ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam của nhiếp ảnh gia Tim Page, chúng được tái hiện lại sinh động và đầy cảm xúc. Ông Tim Page cho biết: “Có rất ít người trẻ biết về cuộc chiến tranh này... Tôi hy vọng cuộc triển lãm này như một chất xúc tác giúp họ có thể hiểu hơn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
Cựu phóng viên chiến trường Tim Page ở thời điểm hiện tại
Trong 10 bức ảnh đưa tới triển lãm, Tim Page có bức ảnh của đội thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ xuống bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng, được người Mỹ gọi là bãi biển Đỏ, chụp vào ngày 8/3/1965. Bức ảnh ghi lại thời khắc lần đầu tiên lực lượng tác chiến mặt đất của Mỹ hiện diện ở Việt Nam. Hay bức ảnh, máy bay F-8 Intruder cất cánh từ tàu USS Midway của Mỹ năm 1966 cho thấy Mỹ đã huy động các phương tiện chiến đấu tối tân thế nào tới chiến trường Việt Nam. Một bức ảnh khiến người xem như thấu tận cùng những nỗi đau, mất mát của chiến tranh, đó là hình ảnh một người vợ mất chồng trong chiến tranh. Tim Page đã bắt trọn khoảnh khắc góa phụ và người chồng tử trận sơ tán tới Quảng Ngãi năm 1965... Tất cả đã làm nên những mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh lớn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Khi xem những bức ảnh của Page, một nhà bình luận nói: “Xem ảnh của Page, ta thấy bản thân con người của ông, trong cuộc chiến tranh Page muốn ghi lại hình ảnh về nỗi đau, sự hy sinh và những niềm khắc khoải. Các bức ảnh toát lên sự cảm thông, lòng trắc ẩn sâu sắc mà anh dành cho người dân Việt Nam, trên hết đó là một tinh thần thấm đẫm chất nhân văn”.
Bức ảnh thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ bãi biển Đà Nẵng ngày 8/3/1965.
Nổi tiếng thế giới nhờ đề tài về chiến tranh Việt Nam
Nhiếp ảnh gia Tim Page - năm nay 75 tuổi, hiện sinh sống tại Australia. Ông kể, những năm tháng thanh xuân nhất của mình ông đã dành cho các cuộc chiến ở Đông Dương. Ngày 6/2/1965, Page lên đường sang Việt Nam với hợp đồng làm việc cho hãng thông tấn UPI. Đón chào ông khi đó là một cuộc chiến khốc liệt tại miền Trung Việt Nam. Từ một chàng thanh niên chưa biết gì về nhiếp ảnh, Tim Page đã tự học nghề và tự tạo dựng danh tiếng cho mình từ các khu rừng và chiến trường máu lửa ở Việt Nam.
Ông Page kể, cuộc sống của phóng viên chiến trường cực kỳ khó khăn, vất vả và tôi đã nhận ra “chiến tranh quả là một trò chơi ngu ngốc”. Những bức ảnh của Page về chiến tranh Việt Nam đã trở thành biểu tượng và niềm cảm hứng cho các nhà làm phim khi đó, thậm chí nó còn góp phần giúp cho công chúng Mỹ nhận ra cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ đang tham gia, góp phần vào phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở nước ngoài.
Bức ảnh của Tim Page về một khóa phụ khóc chồng tử nạn sơ tán tới Quảng Ngãi.
Tim Page thành danh trong làng nhiếp ảnh thế giới chính nhờ đề tài về chiến tranh Việt Nam. Tim Page cho biết, ông không xa lạ gì với những lần cận kề cửa tử. Ông cho biết, mình bị thương “thập tử nhất sinh” ít nhất 4 lần và không biết bao nhiêu lần bị trúng mảnh đạn, chi chít trên người còn vô vàn các vết sẹo của những lần trúng đạn trong chiến tranh. Có những lúc ông tưởng như mình hết hy vọng, trở thành người tàn phế suốt đời khi bị đạn bắn trúng “bay” một phần não, nhưng thần may mắn vẫn mỉm cười, giúp ông đứng vững. Năm 1969 ông trở về quê hương để điều trị vết thương trong gần chục năm sau đó.
Khi hồi phục, Tim Page vẫn không từ bỏ đam mê chụp ảnh của mình, ông tiếp tục lên đường tới các cuộc chiến tranh khác ở Bosnia, Afghanistan và Đông Timor, ông chủ yếu làm cho các tờ báo như Time- Life, Paris Match, UPI và hãng thông tấn AP.
Vào năm 1980, Tim Page trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam thống nhất. Chuyến đi đã khiến Tim Page phải đối mặt với những dày vò tội lỗi, với nỗi ám ảnh tinh thần khi xưa. Cũng từ thời điểm đó, Page có một quyết tâm là sẽ thường xuyên có mặt ở Việt Nam để tổ chức các hội thảo, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia giải quyết hậu quả của bom mìn trong chiến tranh, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam. Năm 1991, Tim Page thành lập tổ chức Quỹ Truyền thông Đông Dương (IMMF), chuyên bán đấu giá bức ảnh của các phóng viên chiến trường năm xưa để quyên góp tiền đào tạo cho các nhiếp ảnh gia trẻ của Việt Nam.