Anh triển khai vaccine phòng bệnh lậu đầu tiên trên thế giới

21-05-2025 17:27 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 21/5, theo The Guardian, Chính phủ Anh thông báo sẽ triển khai vaccine phòng bệnh lậu, chương trình đầu tiên trên thế giới, để ứng phó với sự gia tăng các ca bệnh lây qua đường tình dục.

Động thái này được xem là cột mốc quan trọng trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, khi số ca mắc bệnh lậu tại Anh trong năm 2023 đã vượt mốc 85.000, cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1918.

Anh triển khai vaccine phòng bệnh lậu đầu tiên trên thế giới- Ảnh 1.

Hình minh họa về loại vi khuẩn gây bệnh lậu Neisseria gonorrhoeae. (Nguồn: Alamy)

Đồng thời, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lây lan các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị.

Loại vaccine được sử dụng trong chương trình này là 4CMenB, một loại vaccine hiện đã có sẵn và đang được dùng để phòng bệnh viêm màng não mô cầu B, dạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng có thể gây viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Tại Anh, vaccine này nằm trong chương trình tiêm chủng thường quy dành cho trẻ sơ sinh với các mũi tiêm được thực hiện lúc 8 tuần tuổi, 16 tuần tuổi và khi trẻ được một năm.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh lậu sẽ bắt đầu từ ngày 1/8, tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe tình dục do chính quyền địa phương ủy quyền. Những người đủ điều kiện sẽ được xác định và liên hệ trong vài tuần tới. Bên cạnh đó, khi đến tiêm vaccine, người dân cũng có thể được tiêm đồng thời các loại vaccine khác như vaccine phòng bệnh mpox, HPV, viêm gan A và B.

Loại vaccine này hoạt động nhờ chứa protein từ vi khuẩn Neisseria meningitidis, tác nhân gây viêm màng não mô cầu, có quan hệ di truyền chặt chẽ với vi khuẩn gây bệnh lậu Neisseria gonorrhoeae.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Liên hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch (JCVI), vaccine 4CMenB có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lậu từ 32,7%–42%. Dù không hoàn toàn loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng hiệu quả này được đánh giá là đáng kể trong bối cảnh bệnh lậu không tạo ra miễn dịch tự nhiên lâu dài và người bệnh có nguy cơ tái nhiễm cao.

Việc triển khai vaccine diễn ra trong bối cảnh đáng lo ngại khi các ca bệnh lậu kháng thuốc ceftriaxone, loại kháng sinh điều trị đầu tay, đang gia tăng tại Anh. Một số trường hợp được xác định là "kháng thuốc diện rộng" (XDR), nghĩa là không đáp ứng với cả phương pháp điều trị chính và phụ.

Từ tháng 1/2024–3/2025, Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) ghi nhận 17 ca bệnh lậu kháng ceftriaxone, trong đó có 9 ca được xếp vào dạng XDR, gần gấp đôi so với giai đoạn 2022–2023.

Bệnh lậu hiện là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến thứ hai tại Anh. Các triệu chứng thường gặp bao gồm dịch tiết màu xanh lá hoặc vàng, đau khi đi tiểu, đau hoặc khó chịu ở hậu môn. Ở phụ nữ, bệnh có thể gây đau bụng dưới hoặc chảy máu giữa kỳ kinh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng nếu không được phát hiện kịp thời.

Chương trình tiêm chủng mới này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước tiến quan trọng trong nỗ lực kiểm soát bệnh lậu. Các nhà chức trách y tế cho rằng, việc ưu tiên tiêm phòng cho nhóm có nguy cơ cao sẽ góp phần làm chậm tốc độ lây lan của bệnh và giảm số ca mắc mới trong tương lai gần.

Theo ước tính, chương trình có thể giúp giảm tới 40% số ca nhiễm bệnh lậu mới, con số đầy hứa hẹn trong bối cảnh tình trạng kháng thuốc đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với y tế toàn cầu.

Nga phát triển vaccine đột phá chống dị ứng mèoNga phát triển vaccine đột phá chống dị ứng mèo

SKĐS - Một nhóm nhà khoa học Nga đã phát triển thành công loại vaccine mới nhằm ngăn ngừa dị ứng với mèo - căn bệnh phổ biến đang ảnh hưởng tới khoảng 20% dân số toàn cầu.


Xuân Minh
(Theo The Guardian)
Ý kiến của bạn