Anh: thử nghiệm liệu pháp miễn dịch điều trị bệnh nhân COVID-19

26-05-2020 08:31 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các nhà khoa học Anh bắt đầu thử nghiệm liệu pháp điều trị hy vọng có thể đảo ngược được tình trạng nguy kịch ở bệnh nhân COVID-19.

Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đều có số lượng tế bào miễn dịch T-cell rất thấp. Tế bào bạch cầu T-cell có tác dụng chống viêm nhiễm, nhiễm trùng cho cơ thể.

Thử nghiệm lâm sàng sẽ đánh giá xem liệu loại thuốc interleukin 7 (loại thuốc này được biết đến có công dụng kích thích sản sinh số lượng tế bào miễn dịch T-cell) có thể giúp bệnh nhân hồi phục trở lại hay không.

Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Viện Francis Crick, Trường Đại học King's College London và Bệnh viện Guy's and Thomas tiến hành. Các nhà khoa học đã kiểm tra lượng tế bào miễn dịch trong máu của 60 bệnh nhân COVID-19 và nhận ra có sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng tế bào T-cell.

GS. Adrian Hayday từ Viện Francis Crick lý giải về những gì xảy ra với các tế bào miễn dịch: "Các tế bào miễn dịch đang cố gắng bảo vệ chúng ta, nhưng virus dường như đang làm gì đó để kéo tấm màng ngăn bảo vệ này, do đó số lượng tế bào T-cell sụt giảm nghiêm trọng.

Thông thường ở một người trưởng thành khỏe mạnh, có từ 2.000-4.000 tế bào miễn dịch trong 0,001 ml máu. Ở các bệnh nhân COVID-19 được đội ngũ xét nghiệm máu, số lượng tế bào T-cell sụt giảm từ 10-20 lần, còn có từ 200-1.200 tế bào miễn dịch trong 0,001ml máu.

Mở đường cho liệu pháp điều trị mới

Các nhà khoa học cho biết kết quả nghiên cứu này sẽ mở đường cho "xét nghiệm chỉ điểm" kiểm tra lượng tế bào miễn dịch trong máu, từ đó đưa ra cảnh báo sớm bệnh nhân COVID-19 nào có thể chuyển   nặng.

Phát hiện này cũng đưa ra khả năng liệu pháp điều trị đặc dụng để đảo ngược lại tình trạng suy giảm miễn dịch.

Theo Manu Shankar-Hari, một tư vấn viên hồi sức tích cực tại Bệnh viện Guy's and Thomas, khoảng 70% bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt chỉ có từ 400-800 tế bào bạch cầu trong 0,001ml máu. "Khi họ bắt đầu hồi phục trở lại, lượng tế bào bạch huyết bắt đầu tăng dần lên".

Interleukin 7 đã bắt đầu được thử nghiệm trên một nhóm nhỏ bệnh nhân bị nhiễm trùng máu và được chứng minh là an toàn đồng thời tăng sản sinh ra các tế bào miễn dịch.

Trong một thử nghiệm mới , thuốc sẽ được sử dụng trên bệnh nhân COVID-19 nguy kịch có nồng độ tế bào bạch huyết cực thấp trong hơn 3 ngày.

Ông Shankar-Hari cho biết: "Chúng tôi hy vọng khi tăng lượng tế bào miễn dịch, bệnh nhân sẽ không còn bị nhiễm trùng nữa. Là một thầy thuốc hồi sức tích cực, tôi chăm sóc bệnh nhân nguy kịch và hiện nay, chúng tôi vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc dụng nào chống lại căn bệnh COVID-19. Vì vậy một liệu pháp điều trị mới như thế này đi kèm với thử nghiệm lâm sàng là cực kỳ đáng khích lệ đối với những người thầy thuốc trong phòng chăm sóc đặc biệt trên khắp Anh quốc".

Nghiên cứu cũng đã mở ra hiểu biết về cách thức cụ thể mà căn bệnh phản ứng với hệ miễn dịch, mà GS. Hayday cho rằng các nhà khoa học trên toàn thế giới nên xem xét. "Virus gây ra tình trạng nguy cấp trên toàn trái đất này rất khác biệt và chưa từng thấy. Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng xuyên thủng-cản trở hệ thống phòng vệ T-cell của hệ miễn dịch vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng đối với chúng ta. Chúng ta sẽ sớm phải bắt đầu tìm ra cơ chế tác động của virus lên hệ miễn dịch cơ thể.", GS. Hayday nói.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn