SKĐS - Một hình ảnh từ câu chuyện kinh điển trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng: những người khoác áo trắng đang say sưa tạo ra các tế bào máu trong một nhà máy hiện đại. Câu chuyện đó có thể sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Máu nhân tạo sản xuất từ tế bào gốc đã được thử nghiệm thành công trên cơ thể bệnh nhân đầu tiên. Đây là nỗ lực thành công thứ 3 của các nhà khoa học, sau sự thành công của xương và các chi cơ học nhân tạo.
Giáo sư Mac Turner, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu trên tờ Telegraph rằng nhóm của ông đã tạo ra được các tế bào hồng cầu phù hợp với quy trình tryền máu lâm sàng. Giáo sư Turner đã nghĩ ra kỹ thuật tạo tế bào máu từ tế bào gốc đa năng (gọi tắt là iPS). Loại tế bào này có thể lấy từ cơ thể người và dùng làm tế bào gốc để sản xuất ra tế bào máu cần thiết.
Môi trường sinh-hóa trong cơ thể người sẽ giúp các tế bào iPS tái tạo, sản sinh ra các tế bào máu của nhóm máu phổ biến nhất trên thế giới – nhóm máu O.
Ông Turner khẳng định: “Mặc dù đã từng có những nghiên cứu tương tự thế này được công bố, nhưng đây là lần đầu tiên sản xuất ra loại máu tương thích được với cơ thể con người và đạt tiêu chuẩn an toàn trong quy trình truyền máu”.
Kế hoạch đưa vào thử nghiệm sẽ được chính thức ký kết vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Thử nghiệm này tập trung vào 3 bệnh nhân bị bệnh thiếu máu di truyền (Thalassaemia). Quá trình các tế bào máu hình thành và phát triển thế nào sẽ được giám sát chặt chẽ. ông Turner tự tin nói: “Các tế bào máu này rất an toàn”. Kỹ thuật này hứa hẹn sẽ là nguồn cung cấp không hạn chế số lượng nhóm máu O nhân tạo tương thích được với mọi bệnh nhân với các căn bệnh khác nhau.
Mặc dù các ngân hàng máu ở Anh hiện nay dự trữ đầy đủ lượng máu cần thiết và đảm bảo an toàn, nhưng nhiều nơi trên thế giới vẫn gặp khó khăn với việc truyền máu do thiếu nguồn cung cấp. Việc cung gặp cầu là một vấn đề mang tính thử thách vì điều kiện phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một đơn vị máu chứa 1000 tỷ tế bào máu. Có 2 triệu đơn vị máu cần được truyền mỗi năm ở riêng Anh quốc, theo chia sẻ của giáo sư Turner.
Hiện nay, mỗi đơn vị máu được truyền tốn 120 bảng Anh. Nếu kĩ thuật sản xuất tế bào của ông Turner thành công, giá thành này sẽ giảm đi rất nhiều.
Bác sĩ Ted Bianco, Giám đốc Chuyển giao Kỹ thuật tại trung tâm Wellcome Trust nói: “Không nên đánh giá thấp khả năng đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm sang sản xuất đại trà để phục vụ mục đích khám chữa bệnh. Rõ ràng là giáo sư Turner và đồng nghiệp của ông đã tạo nên một địa chỉ tin cậy, nơi có thể thay thế việc hiến máu bằng một nguồn dữ trự mới để cứu sống nhiều người”.
Thúy Nga (Theo Telegraph)