Anh Phương ơi!

09-10-2008 16:23 | Thời sự
google news

Chiều ngày 3/10, một cán bộ báo Sức khỏe & Đời sống báo cho tôi tin sét đánh: GS. Đỗ Nguyên Phương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã đột ngột qua đời tại nhà riêng vào trưa cùng ngày. Tôi thật sự bàng hoàng, không tin vào tai mình,

Chiều ngày 3/10, một cán bộ báo Sức khỏe & Đời sống báo cho tôi tin sét đánh: GS. Đỗ Nguyên Phương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã đột ngột qua đời tại nhà riêng vào trưa cùng ngày. Tôi thật sự bàng hoàng, không tin vào tai mình, cứ hỏi lại mấy lần nữa cho rõ thực hư, rồi vội báo tin cho gia đình tôi và một số bạn bè... Từ giây phút bàng hoàng đó, trong tâm trí của chúng tôi, những hình ảnh về anh cứ lần lượt hiện ra...

Ngay sau khi nhận trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Y tế, anh đã đến thăm Viện Quân y 108 - đơn vị tuyến cao nhất ngành y của quân đội, nơi chăm sóc sức khỏe cán bộ trung - cao của quân đội, và chăm sóc sức khỏe các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ta... Trên hành lang, anh thổ lộ “Họ tên mình là Đỗ Nguyễn Phương, vì lấy họ của cụ ông và cụ bà ghép vào đấy"... Rồi trong quá trình làm việc, anh thường dùng tên là Đỗ Nguyên Phương. Anh nói với tôi “Tên đệm Nguyên hay Nguyễn cũng được, không sao cả”.

 Đồng chí Đỗ Nguyên Phương và đoàn công tác Bộ Y tế thăm ATK Tân Trào - Tuyên Quang năm 1997. Ảnh: TL
 
Anh nói, mình đã xa công tác chuyên môn của ngành khá lâu, nay trở lại, cũng thấy lo, vì thế, muốn làm được công việc thì phải bám sát cơ sở, và lắng nghe ý kiến đồng nghiệp, bạn bè, nguyện vọng của nhân dân... mới mong làm được điều gì đó cho ngành, cho sức khỏe nhân dân... Nơi anh đến "kiểm tra" tiếp theo là Bệnh viện Bạch Mai - một bệnh viện đa khoa lớn nhất. Một điều thật bất ngờ là sau khi thăm bệnh viện về, anh quay sang hỏi tôi, là anh muốn ghé qua thăm gia đình tôi. Tôi ngại quá, bèn trả lời, rằng nhà tôi ở xa lắm, xin để dịp khác (thật ra, khi đó, chỗ tôi ở chỉ cách Bệnh viện Bạch Mai chừng vài phút ôtô...). Anh cười, và nói là tiện ôtô, xa cũng đến được. Đón anh đến thăm, cùng anh Lê Văn Đôn, sau này là Chánh văn phòng... thật sự quá bất ngờ, vì chưa chuẩn bị được gì cả... Anh hỏi thăm và động viên từng người trong gia đình, và đã nhắc văn phòng quan tâm hơn nữa đến nơi ăn chốn ở của cán bộ công chức của Bộ, để họ "an cư, lạc nghiệp". Chuyến thăm thật ngắn ngủi, nhưng để lại cho chúng tôi những tình cảm sâu xa và ghi nhớ mãi...

Sự quan tâm của anh đối với báo Sức khỏe & Đời sống cũng là mối quan tâm sớm nhất. Không lâu khi nhận nhiệm vụ, anh bảo văn phòng sớm thu xếp lịch cho anh đến làm việc với tòa báo... Và, anh cùng lãnh đạo văn phòng dành trọn một buổi chiều gặp mặt và lắng nghe ý kiến của lãnh đạo và anh chị em công tác tại tòa báo, để sau đó, tìm cách tháo gỡ khó khăn... Chúng tôi được biết, mỗi khi đi công tác các tỉnh phía Nam, anh luôn mời BS. Trần Sĩ Tuấn, khi đó làm Trưởng đại diện của báo Sức khỏe & Đời sống phía Nam hoặc phóng viên trong đó cùng đi. Cơ quan đại diện của báo cũng được anh dành thời gian đến thăm, động viên nhiều lần... Một lần giao ban chiều thứ hai hằng tuần, khi biết tin có người mạo danh là "thương binh" đã lọt vào bệnh viện, bắt nhân viên y tế chăm sóc vô lối, anh rất bực mình, quay sang đề nghị Tổng biên tập, cùng văn phòng, cần có bài để phê phán hiện tượng này. Chúng tôi đã viết bài "Chí Phèo du hành" được đông đảo cán bộ y tế thích thú, và khi gặp chúng tôi, anh cười, bảo: "Đúng, báo đã phê phán rất "văn nghệ", nhẹ nhàng mà sâu sắc". Lần khác, xảy ra chuyện ba mẹ con sản phụ Đ.T.T. bị tử vong do tắc mạch ối (một biến chứng sản khoa rất nặng, bất khả kháng), nhưng gia đình đã manh động, bắt giữ cán bộ của bệnh viện, gây rối và làm ách tắc giao thông một khu vực... Anh gọi chúng tôi và giao nhiệm vụ, là phải khẩn trương tổ chức Hội đồng chuyên môn cấp cao để chẩn đoán hồi cứu, đồng thời, phải nêu thật rõ và đúng sự việc, cái gì chúng ta thiếu sót như không kịp thời tiên lượng và thông báo mối nguy kịch của sản phụ, thì phải công khai nêu lên, cái gì gia đình sai phạm, phải phân tích cho rõ, trên tinh thần là luôn tôn trọng sự thật. Báo Sức khỏe & Đời sống đã đăng tải liền 10 bài, nêu lên sự việc một cách khoa học, có hệ thống, tỉ mỉ, cụ thể, có tình, có lý, kể cả đăng nguyên văn thư của gia đình và bài phúc đáp của Tổng biên tập. Kết cục, đại diện gia đình đã trực tiếp đến toà báo để cảm thông với ngành y tế, và vấn đề đã được khép lại trong hòa khí... Mỗi lần như vậy, anh Phương luôn nhắc đến báo Sức khỏe & Đời sống trong các cuộc họp của lãnh đạo Bộ, với sự động viên khích lệ kịp thời.

Anh có sự chu đáo với đồng nghiệp, thể hiện trong việc tổ chức các cuộc gặp mặt các cán bộ y tế là đại biểu Quốc hội mỗi khi các vị đến Hà Nội họp Quốc hội định kỳ. Có thể nói, những cuộc gặp mặt đó mang đậm đà tình đồng chí, cùng nhau bàn thảo những vấn đề mà nhân dân và ngành y tế quan tâm...

 GS.TS. Đỗ Nguyên Phương thăm Bệnh viện mắt TW năm 1996.
 
Chúng tôi cũng được cùng đi công tác ở một số địa phương, như Tuyên Quang, Tây Ninh... với anh. Ở đâu, anh cũng dành thời gian thăm hỏi, động viên cán bộ trong ngành, cũng như tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo các tỉnh đối với công tác y tế... Khi biết tin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang bị bệnh hiểm nghèo, anh đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên. Sau đó, Bộ trưởng đến thăm các cơ sở y tế của tỉnh, rồi cùng mọi người thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trên đường biên giới... làm cho anh chị em thật sự cảm động.

Điều mà ngành y tế cũng như xã hội ghi nhận ở sự đóng góp của anh là tiếp tục có sự quan tâm đến việc "xã hội hóa công tác y tế". Nhờ đó mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có nhiều văn bản quan trọng thể hiện sự quan tâm ngày một cao hơn đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mặt khác, Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương cùng tập thể lãnh đạo Bộ, và toàn ngành đã xây dựng các tiêu chuẩn y đức, nhằm phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu" tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Hai nhiệm kỳ liên tục, Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương cùng toàn ngành không ngừng phát triển khoa học kỹ thuật và các mặt hoạt động khác của y và dược, của quân y và dân y, ở mọi tuyến từ Trung ương đến cơ sở, trên lĩnh vực y học hiện đại và y học cổ truyền dân tộc. Đóng góp ấy, những thành tựu đó đã nâng vị thế của ngành y tế đối với xã hội chúng ta và nâng tầm cao của ngành y tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Dấu ấn Người chiến sĩ - bác sĩ ngoại khoa Đỗ Nguyên Phương trên chiến trường B năm xưa không bao giờ phai mờ trong tâm trí của hàng vạn đồng bào, đồng chí trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng khốc liệt và rất đỗi hào hùng.

Hôm nay, những người bạn, đồng nghiệp, đồng chí, các thế hệ tiếp bước của anh đau đớn đến thắt lòng, xót xa tiếc thương và quý trọng anh về tất cả những kỷ niệm tốt đẹp, rực rỡ nhất mà anh đã để lại trong từng chuyến đi trên mọi miền của Tổ quốc, trong từng nghĩ suy và mỗi việc làm của mình.

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Nguyên Phương mãi mãi ghi đậm hình ảnh của MỘT NGƯỜI RẤT MỰC CHÂN TÌNH VÀ giàu LÒNG NHÂN ÁI trong tâm khảm nhiều người!

BS. Lâm Đức Hùng
(Nguyên Phó chánh Văn phòng Bộ Y tế)

Ý kiến của bạn