Hà Nội

Anh phá kỷ lục ngày nóng nhất; hơn 100 triệu người Mỹ sẽ phải hứng chịu nhiệt độ 43 độ C

20-07-2022 14:18 | Quốc tế
google news

SKĐS - Lần đầu tiên nắng nóng ở Anh quốc đã lên tới 40 độ C, nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận ở xứ sở sương mù. Trong khi đó, hơn 100 triệu người Mỹ được dự báo hứng chịu cái nóng đổ lửa lên tới 43 độ C, miền nam Trung Quốc dự báo nắng nóng lên tới 42 độ C.

Chuyên gia khí tượng nói về thời tiết dị thườngChuyên gia khí tượng nói về thời tiết dị thường

SKĐS - Năm 2022 được coi là năm thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều thiên tai dị thường, điều này là do mưa cực đoan, hệ lụy từ chu kỳ La Nina kéo dài.

Các đợt nắng nóng trên khắp các châu lục đã phá vỡ kỷ lục, đe dọa sức khỏe cộng đồng và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các nhà khoa học nhận định đó là dấu hiệu của tác động của khủng hoảng khí hậu đối với thời tiết hàng ngày.

Người Mỹ đã quen với việc bật điều hòa bất cứ lúc nào nhiệt độ lên tới 27 độ C. Nhưng ở Anh, nhiệt độ cao kỷ lục trong tuần này đã khiến cuộc sống trong đại dịch trở nên bức bối.

Anh nhiệt độ cao kỷ lục 40 độ C, Mỹ cảnh báo nắng nóng thiêu đốt lên tới 43 độ C

Nhiệt độ ở Vương quốc Anh lần đầu tiên chạm ngưỡng 40 độ C vào ngày 19/7, khiến đây là ngày nóng nhất được ghi nhận ở nước này.

Tại Mỹ, 1/3 dân số (tương đương trên 100 triệu người dân) đã được cảnh báo thời tiết liên quan đến nắng nóng vào ngày 19/7 và 20/7 theo giờ địa phương, với nhiệt độ dự kiến sẽ tăng lên 43 độ C ở các bang nằm ở phía bắc của vùng Great Plains.

Anh phá kỷ lục ngày nóng nhất, hơn 100 triệu người Mỹ sẽ phải hứng chịu nhiệt độ 43 độ C - Ảnh 2.

Đài phun nước trở thành nơi để giải nhiệt dưới cái nắng nóng 40 độ C kỷ lục chưa từng thấy ở Anh quốc

Nhìn vào nguyên nhân gây ra nền nhiệt khắc nghiệt này ở Mỹ và Châu Âu, có những nhân tố khác nhau đang diễn ra.

Ở châu Âu, một đỉnh áp suất cao cường độ mạnh đã dẫn tới nhiệt độ tăng lên khắp lục địa trong vài ngày qua. Vào ngày 19/7, một vùng áp suất thấp di chuyển ngoài khơi bờ biển, thổi luồng gió nóng gây ra nhiệt độ cao khắc nghiệt vào phía bắc của Vương quốc Anh.

Tại Mỹ, một vòm áp suất cao mạnh đã hình thành trên Vùng đồng bằng phía Nam và Thung lũng Mississippi. Nền nhiệt không suy giảm khi mặt trời lặn qua bầu trời không một bóng mây.

Sợi dây kết nối giữa các sóng nhiệt này là do ảnh hưởng của phát thải khí nhà kính và nhiệt độ cơ bản ngày càng ấm lên của hành tinh.

Ông Stephen Belcher - nhà khoa học trưởng của Cơ quan dự báo thời tiết Vương quốc Anh (MET) đã tỏ ra rất sốc và không tin nổi vào mắt mình khi thông báo về nhiệt độ kinh hoàng mà Anh quốc đã trải qua vào ngày hôm qua.

Theo ông, đúng ra mức nền nhiệt như vậy là không tưởng. Nhưng sự biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính đã gây ra điều đó. Nếu thế giới tiếp tục phát thải khí nhà kính ở mức hiện nay, những đợt nắng nóng như vậy có khả năng xảy ra 3 năm một lần.

Đối với người dân ở những xứ nóng như Trung Mỹ, Australia, Trung Đông hay miền bắc Ấn Độ thì có lẽ người dân đã quá quen thuộc với nền nhiệt 40 độ C. Tuy nhiên, với quốc đảo sương mù như Anh quốc, nền nhiệt 40 độ C là chưa từng thấy và với cái nắng nóng thiêu đốt này, người dân buộc phải làm việc ở nhà, sinh viên phải học từ xa.

Nắng nóng khiến đường ray biến dạng, đường băng sân bay tan chảy, quạt bán hết sạch ở Anh quốc

Các nhà chức trách tại Anh yêu cầu người dân không nên đi tàu hỏa, bởi sẽ gặp nguy hiểm do các đường ray nóng có thể giãn nở và uốn cong vì sức nóng. Nói cách khác, đừng rời khỏi nhà.

Tại Anh quốc, nơi người dân quen chống chọi với cái lạnh hơn là cái nóng, các ngôi nhà cũng được thiết kế để giữ nhiệt. Quạt bàn đang được bán hết trên toàn quốc, nhưng không đủ để giải nhiệt cho người dân.

Hannah Cloke - nhà nghiên cứu về các hiểm họa tự nhiên tại Đại học Reading cho biết: “Kỷ lục nhiệt độ của Anh quốc qua mọi thời đại không chỉ bị phá vỡ mà còn bị xóa sổ hoàn toàn. Anh quốc chưa bao giờ chạm ngưỡng nhiệt độ 39 độ C, nhưng nhiệt độ ngày hôm qua đã nhảy vọt lên 40 độ C.

Anh quốc đã bất ngờ trước những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Nước này vốn mới chuẩn bị để đối phó với các cơn lũ trước đây. Giờ đây, toàn bộ Anh quốc oằn mình dưới cái nóng.

Nhiều đám cháy bùng lên ở London vào hôm qua khiến sở cứu hỏa của thủ đô phải tuyên bố đây là "sự cố lớn" và đã vượt quá khả năng của cơ quan này. 4 người đã chết đuối khi người dân đổ xô đến các bãi biển, sông và hồ chỉ để tắm mát. Ngay cả đường băng tại một sân bay ở ngoại ô London bị nóng chảy nên phải đóng cửa.

Phát thải khí nhà kính và đốt nhiên liệu hóa thạch - Thủ phạm gây ra các đợt nắng nóng trên toàn cầu?

Ở miền nam châu Âu, khu vực vốn đã quen với nắng nóng khắc nghiệt, ít nhất 1.100 người đã chết trong đợt nắng nóng mới nhất. Trong khi đó, các nhân viên cứu hỏa Pháp đang choáng ngợp với những ngọn lửa quét qua các khu rừng. 21 quốc gia châu Âu đã ra cảnh báo liên quan đến nắng nóng.

Người Mỹ có thể quen với cái nóng hơn, nhưng ở Mỹ các đợt nắng nóng cũng ngày càng kéo dài và thường xuyên hơn, đồng nghĩa với việc người dân phải dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn hoặc bất cứ nơi nào có điều hòa nhiệt độ. Không dưới 100 triệu người Mỹ đã được cảnh báo về nền nhiệt cao vào ngày hôm qua.

Cảnh báo nền nhiệt cao từ Đồng bằng phía nam đến Thung lũng sông Mississippi và Tennessee, rải rác qua vùng Tây Nam nước Mỹ. Vùng Đông Bắc nước Mỹ đưa ra lời khuyên về chăm sóc sức khỏe ngày nắng nóng tới người dân vào ngày hôm nay.

Mức nhiệt nguy hiểm nhất được dự báo xung quanh các khu vực của bang Texas, Oklahoma và Arkansas. Đặc biệt cảnh báo nhiệt độ cực cao cho các thành phố Dallas, Oklahoma, Tulsa và Little Rock. Nhiệt độ tại các bang thuộc vùng Great Plains này dự kiến sẽ tăng cao tới 43 độ C trong vài ngày tới.

Theo các nhà khoa học nghiên cứu về ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu đối với thời tiết cực đoan, gần như đợt nắng nóng nào trên thế giới đều là do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người gây nên.

Chuyên gia về biến đổi khí hậu Friederike Otto (Đại học Hoàng gia London) cho biết, để ngăn chặn sóng nhiệt trở nên tồi tệ hơn, thì con người phát thải ra càng ít khí gây hiệu ứng nhà kính càng tốt. Theo ông, việc tái thiết kế lại thành phố, nhà cửa, trường học và bệnh viện trở nên xanh hơn, ít phát thải hơn sẽ giúp chúng ta ít bị tổn thương hơn. Chính việc đốt nhiên liệu hóa thạch trước đây và hiện nay mới dẫn tới mức nhiệt kỷ lục 40 độ C ở Anh quốc.

Ở Trung Quốc, những đợt nóng nhất và ẩm nhất (theo tiếng địa phương còn gọi là sanfu) thường rơi vào 3 đợt (mỗi đợt kéo dài khoảng 10 ngày) trong tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên, hiện tượng sanfu (nắng nóng cao điểm) được dự báo sẽ kéo dài tới 40 ngày. Cảnh báo nắng nóng gay gắt trong tuần này (dù có mưa rào mùa hè), nhưng nhiệt độ có thể lên tới 42 độ C ở miền nam Trung Quốc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ tại một số địa phương


Nguyễn Vân
(theo CNN)
Ý kiến của bạn