Ngày chiến thắng đại dịch sẽ đến...
Câu chuyện về nỗi nhớ nhà, dốc tâm sức cho người bệnh của điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện TW Thái Nguyên) là một trong hàng chục nghìn câu chuyện hy sinh nơi tuyến đầu của y bác sĩ.
Có lẽ đây là chuyến công tác đầu tiên chị cùng các đồng nghiệp biết ngày đi mà chưa rõ ngày về… Nhìn bóng vợ theo đoàn xe xa dần, anh Phạm Văn Cường, chồng chị Diễm xúc động nói: Tôi và hai con rất tự hào khi có người vợ, người mẹ là những chiến sỹ áo trắng tình nguyện tham gia chi viện cho TP.HCM chống dịch COVID-19 lần này. Chỉ mong vợ luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cùng đội ngũ y, bác sỹ trong cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
BSCKII Vũ Quang Huy, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện TW Thái Nguyên, anh cũng rất tự hào về người đồng nghiệp trẻ. Anh cho biết: Ngay sau khi Khoa nhận được Quyết định của Bộ Y tế về việc điều động nhân lực y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại TP.HCM, không chần chừ, điều dưỡng Diễm đã xung phong và viết đơn tình nguyện tham gia. Chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều vì điều dưỡng Diễm hai con còn nhỏ, bố mẹ già yếu, chồng lại đi làm ca kíp. Việc điều phối thời gian chăm sóc gia đình, con cái rất khó khăn. Nhưng trước thái độ kiên quyết và tinh thần hăng hái lên đường của Diễm, Khoa rất ghi nhận và đồng ý để đồng chí Diễm tham gia đoàn chi viện.
Tạm xa gia đình, dấu nỗi nhớ giọng nói, nụ cười con thơ vào lòng, chị Diễm cùng các đồng nghiệp bắt đầu chuỗi ngày sống và làm việc tại TP. THCM với nhiệm vụ chính là tham gia điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp.
Trong những cuộc điện thoại gọi về vội vã, chị Diễm cho biết: Tại đây, chúng tôi làm việc theo ca, trung bình 8 tiếng/ca và thực hiện 3 không: Không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh để đảm bảo luôn có lực lượng y tế làm việc 24/24 giờ và áp dụng tối đa mọi biện pháp phòng dịch.
Bệnh nhân như người thân
Bên cạnh công tác chuyên môn, Diễm cùng các đồng nghiệp của mình thay nhau chăm sóc, giúp đỡ người bệnh như những người thân của mình. Trong điều kiện thời tiết nóng bức lại mặc thêm bộ bảo hộ kín mít nên sau mỗi ca làm việc, đôi bàn tay ai cũng nhăn nheo, tê cứng. Trên người không còn chỗ nào khô ráo, khuôn mặt hằn lên vết tì của khẩu trang, của mũ và toàn thân rã rời.
Diễm bảo rằng: "Những hôm ca đêm, mỗi khi quá mệt mỏi, chúng tôi tranh thủ nghỉ mệt trong chớp nhoáng. Khó khăn, vất vả là thế nhưng vì những người bệnh đang nằm bất động trên giường và những người thân đang đợi ở quê nhà, chúng tôi sẽ phải cố gắng và cố gắng thật nhiều hơn nữa....
Em vừa tan ca làm. Hôm nay tại Khoa đã có 40 bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện. Mọi người ở đây vui lắm. Chỉ mong mỗi ngày số người khỏi bệnh tăng lên, số ca mắc mới giảm đi thì nhân viên y tế chúng em chiến thắng dịch bệnh để trở về"- đó là mong muốn "cháy bỏng" của Diễm mỗi khi gọi về nhà.
Đáp lại là giọng ấm áp của chồng con: "Anh và con ở nhà vẫn khỏe, anh vẫn cố gắng sắp xếp công việc, thay em chăm sóc con tốt nên em yên tâm công tác nhé.... Mẹ ơi, mẹ có khỏe không? Mẹ sắp về nhà chưa, con và em Tôm mong mẹ về lắm…".
Công việc mỗi ngày cứ thế trôi đi. Những cuộc điện thoại về cho gia đình sau mỗi ca trực là giây phút chị Diễm mong chờ nhất. Bao mệt nhọc, vất vả được xua tan, khoảng cách Bắc - Nam như ngắn lại để lời hứa "hết dịch sẽ về" không còn xa....
Trong một khu vực điều trị bênh nhân COVID-19 nặng