Virus herpes là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến. Trên thực tế, người ta ước tính rằng 20% - 25% phụ nữ mang thai là người mang virus herpes. Bệnh có thể gây nguy hiểm cho thai nhi trong một số tình huống nhất định khiến thai phụ phải sinh mổ.
1. Virus herpes là gì?
Virus herpes simplex, còn được gọi là HSV, là một bệnh nhiễm trùng gây ra mụn rộp. Mụn rộp có thể xuất hiện ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, phổ biến nhất là trên bộ phận sinh dục hoặc miệng. Có hai loại virus herpes simplex:
HSV-1 chủ yếu gây ra mụn rộp ở miệng, và thường là nguyên nhân gây ra mụn rộp và mụn nước xung quanh miệng và trên mặt.
HSV-2 chủ yếu gây ra mụn rộp sinh dục và thường là nguyên nhân gây bùng phát mụn rộp sinh dục.
2. Nguyên nhân gây ra virus herpes
Virus herpes là một loại virus truyền nhiễm có thể truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp. Trẻ em thường sẽ nhiễm HSV-1 khi tiếp xúc sớm với người lớn bị nhiễm trùng và mang theo virus suốt cuộc đời.
HSV-1 có thể lây truyền qua nhau do dùng chung đồ ăn, chung son môi hoặc hôn nhau. Virus lây lan nhanh hơn trong một đợt bùng phát. Cũng có trường hợp bị lây nhiễm mụn rộp sinh dục từ HSV-1 nếu quan hệ tình dục bằng miệng bị mụn rộp trong thời gian đó.
HSV-2 lây nhiễm qua các hình thức quan hệ tình dục với một người có HSV-2. Nhiễm trùng HSV-2 lây lan khi tiếp xúc với vết mụn rộp. Ngược lại, hầu hết trường hợp bị nhiễm HSV-1 từ người bị nhiễm trùng không có triệu chứng hoặc không có vết loét.
3. Quá trình lây truyền virus herpes
Bất kỳ ai cũng có thể mắc HSV, bất kể tuổi tác. Một người có thể mắc bệnh mụn rộp khi da bị vỡ hoặc miệng, dương vật, âm đạo hoặc hậu môn tiếp xúc với virus.
Virus có thể lây nhiễm ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng và có thể lây truyền qua nước bọt và sự phát tán virus từ mô có vẻ khỏe mạnh.
Hầu hết những người bị mụn rộp sinh dục không biết mình mắc bệnh. Trong các trường hợp lây nhiễm HSV qua đường tình dục, có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn khi quan hệ tình dục không được bảo vệ bằng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác.
Các yếu tố nguy cơ khác đối với HSV-2 bao gồm có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục ở độ tuổi trẻ hơn, là nữ, bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác, có một hệ thống miễn dịch suy yếu.
Nếu phụ nữ mang thai bùng phát mụn rộp sinh dục khi sinh con, điều này có thể khiến em bé tiếp xúc với cả hai loại HSV và có thể khiến trẻ có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng.
Một khi ai đó đã bị nhiễm bệnh, không có cách nào chữa khỏi. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không có dấu hiệu nhiễm trùng. Nhiều phụ nữ có thể chỉ biết mình bị nhiễm bệnh khi mang thai do sự bùng phát của các tổn thương hoặc thông qua xét nghiệm kháng thể. Đối với những người bị nhiễm trùng hoặc bùng phát tích cực, các triệu chứng thường không liên tục.
Nhiều phụ nữ đã tiếp xúc với virus herpes simplex và phát triển các kháng thể đối với virus này mà không hề bị bùng phát triệu chứng. Trong thời kỳ mang thai, hệ thống miễn dịch trở nên kém hiệu quả hơn, có thể khiến những phụ nữ này lần đầu tiên bùng phát bệnh. Phụ nữ mang thai bị nhiễm herpes trước đây sẽ có nguy cơ trung bình tái phát khoảng 3 lần trong thai kỳ.
Các yếu tố có thể kích hoạt sự tái phát của các triệu chứng, bao gồm căng thẳng về thể chất và cảm xúc, mệt mỏi, thay đổi nội tiết tố và tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá lạnh. Những thay đổi về nội tiết tố, miễn dịch và các thay đổi thể chất khác xảy ra trong thời kỳ mang thai, cũng như tổng số lượng thai nhi lớn lên, cũng được cho là góp phần làm tăng tần suất nhiễm herpes hoạt động.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là tác động tiềm ẩn của mụn rộp đối với thai kỳ, vì trong một số trường hợp, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
4. Nguy cơ lây truyền virus herpes sang thai nhi
Nguy cơ người mẹ bị bệnh herpes sẽ truyền virus cho con của họ khi sinh con thường là thấp nếu bà mẹ không trải qua một đợt bùng phát vào thời điểm sinh nở.
Nguy cơ cụ thể của việc truyền virus herpes cho em bé phụ thuộc vào một số yếu tố:
- Sự tiếp xúc của trẻ sơ sinh với các tổn thương herpes trong khi sinh
- Người mẹ có kháng thể với virus herpes simplex hay không
- Trẻ sơ sinh có đủ thời gian để có được những kháng thể này trước khi sinh hay không
Để minh họa nguy cơ mắc bệnh của trẻ sơ sinh thay đổi như thế nào dựa trên các yếu tố trên, hãy xem xét ví dụ sau:
Một người trải qua đợt bùng phát mụn rộp sinh dục đầu tiên trong ba tháng cuối của thai kỳ và người chưa phát triển kháng thể chống lại virus khi bắt đầu chuyển dạ có 33% khả năng truyền virus sang con của họ khi sinh qua đường âm đạo.
Nhưng một phụ nữ trải qua đợt bùng phát mụn rộp sinh dục tái phát chỉ có 3% khả năng truyền virus sang con của họ. Nguy cơ giảm trong trường hợp này chủ yếu vì người mẹ đã có kháng thể chống lại virus herpes.
5. Ảnh hưởng virus herpes đến trẻ sơ sinh
Việc truyền virus herpes sang trẻ sơ sinh có thể gây ra những tác động lớn. Mức độ nhiễm trùng herpes có thể từ phát ban trên da, ảnh hưởng đến mắt và miệng, nhiễm trùng não hoặc nhiễm trùng khắp cơ thể.
Trong những trường hợp ít phổ biến hơn, virus có thể được truyền sang thai nhi trong tử cung. Điều này có thể gây nhiễm trùng não, gan, mắt, phổi và các cơ quan quan trọng khác, hoặc thậm chí tử vong. Có một số suy đoán rằng nhiễm herpes ban đầu khi mang thai có thể làm tăng nhẹ khả năng sảy thai và sinh non, nhưng thực tế chưa có nghiên cứu rõ ràng nào.
Các dấu hiệu nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh bao gồm sốt nhẹ, phát ban hoặc mụn nước, bú kém, co giật và hôn mê. Các triệu chứng có thể bắt đầu từ 2 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc và bệnh có thể xấu đi nhanh chóng.
6. Phòng ngừa nhiễm virus herpes cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ nào chưa từng bị mụn rộp nên thận trọng khi quan hệ tình dục với người bị mụn rộp, nhất là phụ nữ mang thai càng nên đề phòng trong thai kỳ. Thực hiện nguyên tắc tránh giao hợp và quan hệ tình dục bằng miệng với bạn tình bị hoặc nghi ngờ mắc bệnh mụn rộp sinh dục.
Nếu chồng/ bạn tình bị mụn rộp sinh dục, hãy kiêng quan hệ tình dục trong thời gian bệnh đang bùng phát. Giữa các đợt bùng phát bệnh, hãy sử dụng bao cao su khi bạn có quan hệ tình dục, ngay cả khi chồng/ bạn tình của bạn không có triệu chứng. (HSV có thể lây lan khi không có triệu chứng.)
Một số người có thể bị bùng phát thường xuyên. Những người khác sẽ chỉ trải qua một đợt bùng phát sau khi họ nhiễm virus, và sau đó virus có thể không hoạt động. Ngay cả khi virus không hoạt động, một số kích thích nhất định có thể gây bùng phát như căng thẳng, thời kỳ kinh nguyệt, sốt hoặc bị mắc bệnh khác...
Người ta tin rằng các đợt bùng phát có thể trở nên ít dữ dội hơn theo thời gian vì cơ thể bắt đầu tạo ra các kháng thể. Nếu một người khỏe mạnh thường nhiễm virus, đa số không có biến chứng.
Nếu thai phụ bị mụn rộp sinh dục sẽ nghĩ ngay đến nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con mình. Nhưng thực tế rủi ro là cực kỳ nhỏ. Tuy nhiên, thai phụ nên thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ thai nhi bị lây nhiễm virus herpes.
Các bước sau đây có thể giúp giảm thiểu rủi ro:
- Nên đến bác sĩ sản khoa để được tư vấn về tình trạng bị mụn rộp sinh dục của mình.
- Vào thời điểm chuyển dạ, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của đợt bùng phát như ngứa, ngứa ran hoặc đau nên thông báo với bác sĩ.
- Trong thời điểm sinh nở nếu virus herpes bùng phát thì cách an toàn nhất là mổ lấy thai để ngăn em bé tiếp xúc với virus trong ống sinh. Nếu thai phụ không bùng phát bệnh trong thai kỳ có thể sinh thường qua đường âm đạo.
- Sau khi sinh, hãy theo dõi trẻ chặt chẽ trong khoảng ba tuần. Các triệu chứng của bệnh mụn rộp ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm phát ban trên da, sốt, cáu kỉnh hoặc chán ăn. Mặc dù đây có thể là triệu chứng của một số bệnh nhẹ, nhưng đừng đợi xem liệu trẻ có thuyên giảm hay không mà hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa ngay lập tức.