Ảnh hưởng của điều trị ung thư đối với dinh dưỡng

SKĐS - Ăn không ngon miệng, ăn một lượng nhỏ đã no, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… là những vấn đề dinh dưỡng, tiêu hóa thường gặp ở người bệnh ung thư khi thực hiện trị liệu với các biện pháp hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, cấy ghép tế bào…

1. Xạ trị điều trị ung thư

Phương pháp xạ trị có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh trong khu vực điều trị. Mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ của phương pháp này phụ thuộc vào phần cơ thể được điều trị và tổng liều bức xạ.

Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xạ trị cho bất kỳ bộ phận nào của hệ thống tiêu hóa đều có tác dụng phụ gây ra các vấn đề về dinh dưỡng. Hầu hết các tác dụng phụ bắt đầu từ hai đến ba tuần sau khi bắt đầu xạ trị và biến mất vài tuần sau khi xạ trị kết thúc. Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ có thể tiếp tục trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi kết thúc điều trị. Các tác dụng phụ phổ biến thường gặp:

Đối với xạ trị não hoặc đầu và cổ: Ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, khô miệng hoặc nước bọt đặc, đau miệng và nướu răng, thay đổi khẩu vị thức ăn, khó nuốt, đau khi nuốt, không thể mở miệng hoàn toàn.

Đối với xạ trị vùng ngực: Ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, khó nuốt, đau khi nuốt, nghẹt thở hoặc khó thở do thay đổi ở thực quản trên.

Đối với xạ trị vùng bụng, xương chậu hoặc trực tràng: Buồn nôn, nôn mửa, tắc ruột, viêm đại tràng, tiêu chảy.

Xạ trị cũng có thể gây mệt mỏi, dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn.

Ảnh hưởng của điều trị ung thư đối với dinh dưỡng - Ảnh 2.

Chán ăn là biểu hiện thường gặp ở người bệnh ung thư.

2. Phẫu thuật

Với các trường hợp phẫu thuật, cơ thể cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để chữa lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi. Nếu người bệnh bị suy dinh dưỡng trước khi phẫu thuật có thể gây ra các vấn đề trong quá trình phục hồi, chẳng hạn như vết thương khó lành hoặc nhiễm trùng. Đối với những người bệnh này, chăm sóc dinh dưỡng có thể bắt đầu từ trước khi phẫu thuật.

Phẫu thuật đầu, cổ, thực quản, dạ dày hoặc ruột có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng. Nguyên nhân do hầu hết người bệnh được loại bỏ tất cả hoặc một phần của một số cơ quan có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn và tiêu hóa thức ăn của người bệnh.

Một số vấn đề về dinh dưỡng do phẫu thuật gây ra: Ăn mất ngon, khó nhai, khó nuốt, cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn...

3. Liệu pháp miễn dịch

Các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch rất khác nhau đối với từng người bệnh và loại thuốc trị liệu miễn dịch được sử dụng. Tuy nhiên, các vấn đề dinh dưỡng phổ biến khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch bao gồm mệt mỏi, sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.

4. Cấy ghép tế bào gốc

Người bệnh được ghép tế bào gốc có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt.

Hóa trị, xạ trị và các loại thuốc khác được sử dụng trước hoặc trong quá trình cấy ghép tế bào gốc có thể gây ra tác dụng phụ khiến bệnh nhân không thể ăn uống và tiêu hóa thức ăn như bình thường. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm loét miệng và cổ họng, tiêu chảy.

Người bệnh được ghép tế bào gốc có nguy cơ nhiễm trùng cao do hóa trị hoặc xạ trị được sử dụng trước khi cấy ghép làm giảm số lượng tế bào bạch cầu có tác dụng chống nhiễm trùng. Do đó, điều quan trọng với những người bệnh này là cần tránh các loại thực phẩm có thể gây nhiễm trùng.

Sau khi ghép tế bào gốc, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ (GVHD) cấp tính hoặc mạn tính. GVHD là hiện tượng các tế bào miễn dịch của người cho lẫn vào các đơn vị tế bào gốc trong qúa trình thu thập, nhận biết cơ thể người nhận là ngoại lai. Từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch không mong muốn và gây tổn thương ở các cơ quan khác nhau của cơ thể người nhận. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa hoặc gan và thay đổi khả năng ăn hoặc hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm của người bệnh.

photo-1681958360741

Liệu pháp tế bào gốc trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.

5. Hóa trị và liệu pháp hormone

Hóa trị ảnh hưởng đến các tế bào khắp cơ thể. Hóa trị sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, bằng cách giết chết tế bào hoặc ngăn chặn chúng phân chia. Các tế bào khỏe mạnh bình thường phát triển và phân chia nhanh chóng cũng có thể bị giết chết, trong đó có cả các tế bào trong miệng và đường tiêu hóa.

Liệu pháp hormone bổ sung, ngăn chặn hoặc loại bỏ nội tiết tố. Nó có thể được sử dụng để làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của một số bệnh ung thư nhưng có một số loại liệu pháp hormone có thể gây tăng cân.

Hóa trị và liệu pháp hormone gây ra các vấn đề dinh dưỡng khác nhau. Tác dụng phụ của hóa trị liệu có thể gây ra các vấn đề về ăn uống và tiêu hóa. Khi sử dụng nhiều hơn một loại thuốc hóa trị, mỗi loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau hoặc khi các loại thuốc gây ra cùng một tác dụng phụ, tác dụng phụ có thể nghiêm trọng hơn.

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, khô miệng, vết loét trong miệng hoặc cổ họng, thay đổi khẩu vị thức ăn, khó nuốt, cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn, táo bón, tiêu chảy.

Người bệnh được điều trị bằng hormone có thể cần thay đổi chế độ ăn uống để ngăn ngừa tăng cân.

photo-1681958364307

Khi điều trị ung thư bằng liệu pháp hormone, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn để tránh tăng cân.

Mời bạn xem tiếp video:

8 thói quen xấu là “thủ phạm” gây nên bệnh sỏi thận


Lê Việt Thi
Ý kiến của bạn