Hà Nội

Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng

30-04-2024 07:01 | Thời sự

SKĐS - Với thành tích 13 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới, 1 lần được phong tặng dũng sĩ diệt Mỹ, năm 27 tuổi, Trần Kim Cầu được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

"Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng"

Đến thăm ông Trần Kim Cầu vào một buổi sáng cuối tháng tư, trong căn nhà giản dị bên cạnh quốc lộ 7, tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở tuổi 80 nhưng ông  còn rất nhanh nhẹn, hoạt bát và đầy minh mẫn. Ký ức về những trận đánh mãnh liệt, hào hùng năm xưa vẫn hiện hữu rõ ràng trong tâm trí ông. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về chuyện "diệt tăng", ông Cầm vui lắm, cuộc trò chuyện trở nên đặc biệt vào ngày hôm đó.

Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 1.

Những ký ức về cuộc chiến tranh chống Mỹ đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong người cựu binh lão thành này.

Dáng người nhỏ thấp, giản dị, đậm chất nông dân, ông tạo cảm giác thân thiện và dễ gần cho những người mới gặp lần đầu. Qua câu chuyện, càng hiểu rõ hơn về tinh thần kiên cường và sức mạnh không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn của một người lính. "Đánh giặc, không ai nghĩ sẽ trở thành anh hùng. Đó là trách nhiệm cao cả của mỗi người dân khi Tổ quốc lâm nguy", ông Cầu bắt đầu câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của mình.

Với giọng nói hào sảng, không hoa mỹ, ông kể cho chúng tôi nghe về những thời điểm gian khổ nhưng oai hùng và rất đỗi tự hào.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, Trần Kim Cầu mất mẹ khi mới 2 tuổi và cha ông đi thêm bước nữa nên từ nhỏ thiếu đi sự quan tâm và hơi ấm từ gia đình. Nhà đông anh em, ông phải sống bên nhà chú để có thể có đủ cái ăn cái mặc, nên sự nghiệp học hành không được như bao bạn bè cùng trang lứa.

Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 2.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Kim Cầu bên kỷ vật chiến trường.

Năm 1962 vừa tròn 18 tuổi, ông được người thân xin việc làm công nhân tại nhà máy chè tại Phú Thọ. Chính tại đây, nhờ thông minh nhanh nhẹn, thật thà nên sau 5 năm làm công nhân ông Cầu được nhà máy cử đi học tại Trường Thống kê Vật tư.

Năm 1976, khi tình hình chiến tranh với Mỹ leo thang tại miền Bắc, Trần Kim Cầu quyết định viết đơn tình nguyện vào bộ đội, nhưng do chiều cao cân nặng đều hạn chế nên bị gạt đơn ra. Mãi đến lần thứ 3 lá đơn tình nguyện ra trận của ông mới được chấp nhận. Sau 3 tháng huấn luyện tại Sư đoàn 320, ở Hòa Bình, tháng 10/1967, Trần Kim Cầu được phân công vào Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 164, Sư đoàn 7 và tham gia vào các chiến trường ở miền Đông Nam bộ...

Nhấp chén nước chè nóng, phả hương vị thơm dịu, Thiếu tá Trần Kim Cầu tâm sự rằng: "Tung hoành trên các mặt trận của chiến trường Đông Nam bộ, tôi tham gia và chỉ huy không biết bao nhiêu trận đánh".

Ông Cầu nhớ lại, ngày đó bộ đội ta còn rất thiếu thốn, từ quân tư trang cho đến vũ khí chiến đấu. Những năm tháng ở chiến trường, nhiều lần đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết nhưng với ông trận đánh năm năm 1969 tại mặt trận Đông Nam bộ không thể nào quên. Đó là trận đánh đầu tiên ông cùng đồng đội được dùng súng chống tăng B40, B41.

Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 3.

Bộ sưu tập Huân, Huy chương của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Kim Cầu.

"Tôi nhớ mãi ngày hôm đó, đơn vị bàn chuyện cử một đồng chí gan dạ để giữ súng chống tăng, tiêu chí phải là Đảng viên và có sức khỏe tốt để đảm bảo chiến đấu liên tục. Tôi mạnh dạn lên gặp chỉ huy đơn vị xin đảm nhận nhiệm vụ", ông Cầu kể.

Tuy nhiên, ông nhận được câu trả lời của đội trưởng: "Tinh thần xung phong của đồng chí rất tốt, nhưng nhiệm vụ này cần người có sức khỏe. Đồng chí, người nhỏ bé thế kia, không đảm nhận được đâu". Bỏ qua lời đội trưởng, ông Cầu vẫn kiên trì thuyết phục, và cuối cùng nhận được cái gật đầu của cấp trên.

Trong lúc trò chuyện, thi thoảng nhắc đến chiến công, Thiếu tá Cầu lại cười sảng khoái. Nhưng cũng có những khoảnh khắc, ông trầm tư, suy ngẫm về quãng thời gian đã trải qua. Ông chia sẻ rằng, trong trận đánh đó cũng có nhiều tổn thất, đơn vị đã tiêu diệt được 50 xe tăng của địch, riêng ông đã phá hủy 3 chiếc. Sau trận chiến đấu, ông được trao tặng Huân chương Chiến công.

Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 4.

Thiếu tá Trần Kim Cầu hồi tưởng lại những ký ức chiến trận năm xưa.

Tôi ngước nhìn Thiếu tá Trần Kim Cầu và buột miệng hỏi: "Cháu trông sức vóc bác bé nhỏ, mà sao lại vác được súng diệt tăng và tiêu diệt được 13 xe tăng Mỹ?". Ông cười hồn nhiên rồi bảo: "Cũng chính từ hạn chế về chiều cao và cân nặng đã khiến cho người lính phải nghĩ ra những cách đánh mưu trí, dũng cảm, bí mật, bất ngờ phục kích địch để đánh".

"Tôi nghĩ chỉ huy nhận ra những đặc điểm riêng của tôi và quyết định bố trí tôi trong nhiệm vụ đặc biệt," Thiếu tá Cầu nói. Từ đó, mỗi khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt xe tăng địch, Trần Kim Cầu luôn được giao trách nhiệm ở vị trí hàng đầu. "Có lẽ vì tôi nhỏ bé nên tôi đã tránh được đường tên, mũi đạn của địch," ông Cầu nói với một nụ cười hóm hỉnh.

13 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới

Những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, ông Trần Kim Cầu được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới 13 lần và 1 lần được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Với tổng cộng 13 xe tăng và hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, bởi bàn tay của một xạ thủ tài ba. Ngoài ra, ông còn thu giữ được hàng chục khẩu súng chiến lợi phẩm. Ngày 20/9/1971, Trần Kim Cầu được Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam, ông Nguyễn Hữu Thọ, trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 5.

Thiếu tá Trần Kim Cầu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1971.

Ngày hòa bình lập lại, ông Cầu được cử ra miền Bắc để tiếp tục học tại Trường Quân chính. Năm 1976, ông có dịp về thăm quê và trong lần đó, ông được người thân mai mối và nên duyên với cô Hoàng Thị Tâm (sinh năm 1952, trú tại xã Thanh Bình), một nhân viên Bưu điện tại huyện Anh Sơn.

Sau đám cưới, ông tiếp tục công tác xa nhà, và cho đến năm 1980 mới trở về đoàn vụ cùng với vợ con, đảm nhiệm chức vụ Phó Chỉ huy trưởng động viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Anh Sơn. Tại xã Đỉnh Sơn, ông và bà đã xây dựng một cuộc sống mới, ông bà có 3 người con khôn lớn, trưởng thành.

"Tôi đã dành trọn trái tim cho Đảng, cho cách mạng và nhân dân. Tôi luôn khuyến khích các con, cháu phải biết phấn đấu trong cuộc sống và không được quên công ơn của những người lính đã dũng cảm hy sinh, để đem lại độc lập cho dân tộc ngày nay", anh hùng Trần Kim Cầu chia sẻ.

Anh hùng Trần Kim Cầu là người luôn trân trọng những kỷ niệm của thời quân ngũ, đặc biệt là những kỷ niệm với đồng đội. Mặc dù thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ, cuộc sống đời thường bận rộn, nhưng ông vẫn giữ được những kỷ vật của thời lính.

Từ giấy khám nghĩa vụ quân sự, giấy xuất viện cho đến các giấy chứng nhận dũng sĩ, giấy khen và các huy chương, tất cả đều được lưu giữ cẩn thận trong ngăn tủ. Bộ sưu tập kỷ vật của anh hùng chiến trận còn bao gồm một chiếc radio được cấp khi ông lên chức Đại đội trưởng.

Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 6.
Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 7.
Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 8.
Anh hùng 'diệt tăng': Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng- Ảnh 9.

Anh hùng Trần Kim Cầu giữ cuốn album với hàng chục bức ảnh đen trắng, phần lớn là ảnh cỡ nhỏ chụp cùng đồng chí, đồng đội trên mỗi bước đường hành quân.

Đặc biệt, anh hùng Trần Kim Cầu còn giữ một cuốn album nhỏ, với hàng chục bức ảnh đen trắng, chủ yếu là ảnh nhỏ chụp cùng với đồng chí, đồng đội trên mỗi bước đường trong quân ngũ. Cuốn album còn chứa những bức ảnh của các cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong khói lửa, cũng như những cô du kích miền Đông Nam bộ với khẩu súng AK và chiếc khăn rằn trên vai.

Trải qua hàng trăm trận đánh, Thiếu tá Cầu bị thương đến 8 lần, mỗi khi trời trở lạnh, những vết thương đó lại đỏ tấy lên đau nhói. Sau khi đất nước giải phóng (năm 1975), ông được điều về công tác tại Quân khu 4, sau đó làm Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Anh Sơn cho đến khi nghỉ hưu.

Trở về cuộc sống đời thường, Thiếu tá Cầu luôn quan tâm đến việc giữ gìn phẩm chất "Anh Bộ đội cụ Hồ". Trong gia đình, ông là người nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, nhưng lại rất hiền hòa với các cháu nhỏ và hàng xóm láng giềng. Các con ông đều nỗ lực học tập, phấn đấu và trưởng thành, đang công tác tại địa phương.

Câu chuyện về chiến trường và về những tình cảm đầy ý nghĩa giữa chúng tôi và Thiếu tá Trần Kim Cầu kéo dài mãi, đến quá trưa, mới vội vã chia tay. Trước khi chia tay, ông nắm chặt tay tôi và nói nhỏ: "Sống đến ngày hôm nay, tôi may mắn hơn nhiều so với đồng đội. Rất nhiều người đã hy sinh, phần lớn trong số họ đều còn rất trẻ tuổi. Tôi phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin của những đồng đội đã hi sinh và gửi gắm cho chúng ta".

Bộ trưởng Đào Hồng Lan dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và cán bộ Quân dân y miền NamBộ trưởng Đào Hồng Lan dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và cán bộ Quân dân y miền Nam

SKĐS - Ngày 25/1, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm trưởng đoàn đã tới dâng hương, dâng hoa tại Đồi 82 (huyện Tân Biên, Tây Ninh) và thăm khu Di tích Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam.

Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn