Hà Nội

Anh hùng Phạm Tuân và giấc mơ “bay” của người Việt

18-04-2016 09:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cách đây 36 năm, anh hùng Phạm Tuân trở thành người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ cùng với nhà du hành vũ trụ người Nga Viktor Gorbatko. Chuyến bay thám hiểm vũ trụ kéo dài một tuần (từ 23-31/7/1980) trên con tàu Soyuz 37 và trên quỹ đạo trái đất, họ đã cùng nhau thực hiện nhiều thí nghiệm thú vị và diệu kỳ mà chúng ta có thể chưa từng nghe tới. Là một nhà du hành vũ trụ trong chương trình Interkosmos, Phạm Tuân đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng của nhà nước Xô Viết.

Theo trang tin về vũ trụ của nước Nga (12apr.su), chuyến bay lịch sử ghi dấu tình anh em giữa hai nước Xô-Việt. Tổ bay quốc tế mới Interkosmos đã được lên kế hoạch cho mùa hè và mùa thu 1980. Vào đầu hè, trung tâm đã hoàn thành đào tạo phi hành đoàn quốc tế trong đó có cả thành viên Việt Nam và Cu Ba. Hai nhà du hành vũ trụ chính trên sứ mệnh Soyuz-37 chính là Anh hùng Liên Xô đại tá Gorbatko và Anh hùng LLVT đại tá Phạm Tuân.

Pham-Tuan-va-Viktor-Gorbatko

Gorbatko và Phạm Tuân. (Nguồn ảnh: megabook.ru)

Và thời khắc lịch sử ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ vũ trụ thế giới bắt đầu. 21h33 phút ngày 23/7 theo giờ Mát-xcơ-va, tên lửa đưa tàu vũ trụ Soyuz 37 khởi hành, không lâu sau đó, nó đi vào quỹ đạo vệ tinh của trái đất. Ngày 24/7, con tàu kết nối với trạm vũ trụ Salyut-6. Phạm Tuân và Gorbatko đã mang những món quà từ trái đất lên cho các phi hành gia đang làm việc tại trạm trong đó có sách báo, các loại cây và hoa để làm thí nghiệm và làm đẹp thêm cuộc sống trên vũ trụ. Ngoài ra, Phạm Tuân còn mang theo lá cờ Tổ quốc và di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 25/7, cuối giờ một trong các phiên, các phi hành gia còn kịp xem bản tin truyền hình về Thế Vận hội Olympic tổ chức ở Mát-xcơ-va. Trong suốt một tuần trong không gian, họ đã nghiên cứu về tác dụng của trọng lượng lên quá trình tăng trưởng, tìm hiểu việc trồng thực vật trong vũ trụ, quá trình quang hợp của bèo hoa dâu mang từ VN nhằm góp phần hiểu thêm hệ sinh thái đơn giản. Họ còn làm các thí nghiệm y học: phản ứng của hệ tim mạch trong chuyến bay không gian, một tập hợp của thí nghiệm “lưu thông”. Ngoài ra, các phi hành gia còn “viễn thám” chụp ảnh bề mặt Trái đất bằng máy ảnh định dạng lớn địa hình KATE-140, máy quang phổ Spectrum-15, máy đa phổ MKF-6M của Liên Xô, trong vòng 5 phút có thể chụp bao phủ hơn 1 triệu dặm vuông. Chương trình thử nghiệm “Các sinh quyển” cho 40 phút (chỉ số B là Việt Nam) là các thí nghiệm Xô-Việt chung về viễn thám Trái đất do Viện Nghiên cứu Vũ trụ Liên Xô và Trung tâm nghiên cứu vũ trụ VN triển khai.

4-nha-du-hanh-vu-tru-Pham-Tuan

Trên tổ hợp tàu du hành vũ trụ không gian, Leonid Popov, Phạm Tuân, V.Ryumin và Gorbatko. Leonid Popov và Ryumin là hai phi hành gia “đóng đinh” tại trạm vũ trụ Salyut. (Nguồn ảnh: 2apr.su)


Nhân 55 năm ngày Yury Gagarin, người đầu tiên trên hành tinh bay vào vũ trụ (12/4) đồng thời là Ngày Vũ trụ Thế giới, Trung tướng Phạm Tuân hồi tưởng lại khoảnh khắc kỳ diệu đó trên con đường mà Gagarin đã mở ra cho nhân loại: “Bay vào vũ trụ là điều thật mới mẻ. Trong quá trình tập luyện chỉ là trên máy, còn khi thực sự bay rồi cảm giác thật lạ lẫm làm sao. Từ cảm giác ngồi trên con tàu, rồi quả tên lửa đẩy mình lên. Mình chưa bao giờ bay với tốc độ 300 nghìn cây số 1 giây. Giờ bay với tốc độ tên lửa và nhìn ra khoảng không mênh mông. Cả ngày và đêm chỉ có 90 phút thôi trong khi trên mặt đất 1 ngày là 24 giờ. Cảm giác lâng lâng thật khó tả... Rồi chúng ta được bay qua tất cả các nước trên thế giới. Cảm giác đó rất tuyệt vời mà không bao giờ có thể quên được, khi ta đắm mình trong vũ trụ bao la…”

Nói về tiềm năng chinh phục vũ trụ của người Việt trong tương lai, anh hùng Phạm Tuân chia sẻ: “Thật sự mà nói, tập luyện cho việc bay vào vũ trụ không phải là quá phức tạp. Từ chỗ là phi công tiếp sức đồng đội đã từng bay trên bầu trời, chinh phục bầu trời rồi, chúng ta có thể chuyển sang học tập nghiên cứu con tàu vũ trụ. Không phải chỉ có chú mà nhiều người khác cũng có thể bay được…”

Người Việt Nam có ý chí và bản lĩnh, nên ước mơ chinh phục vũ trụ, chinh phục bầu trời có thể nằm trong tầm tay. Nếu có bước đi phù hợp, dựa vào sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác bay vào vũ trụ, làm các thí nghiệm để quay trở về phục vụ Tổ quốc. Đó cũng là mục tiêu của chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ (tới năm 2020) mà Việt Nam đang hướng tới trong đó có công nghệ vệ tinh, ứng dụng công nghệ vũ trụ, công nghệ tên lửa đẩy, vật liệu vũ trụ, y-sinh học vũ trụ,…


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn