Động lực giản dị
Là con nhà lao động, cha mẹ đều là nông dân nên cô bé Trịnh Thị Toan hay lam hay làm từ tấm bé, nhổ cỏ, cấy lúa, gặt, gánh rạ, xay lúa, ẵm em, thổi cơm, rửa bát quét nhà... trăm thứ việc đến tay cô bé sau giờ học. Nhưng nhà nghèo vẫn hoàn nghèo, cơm ăn chưa bao giờ đẫy dạ, cô bé Toan thầm ước mình có thể làm một việc nào đó khác ngoài nghề nông để giúp đỡ bố mẹ bớt nghèo, nồi cơm được đầy hơn. Do đó, vào năm 1969, khi biết Nhà máy Dệt 8/3 tại Hà Nội tuyển công nhân, dù mới 16 tuổi và mới học hết lớp 7, Trịnh Thị Toan đã đệ đơn xin tuyển vào nhà máy. Trúng tuyển, được đào tạo qua 9 tháng làm thợ ngành sợi, cô gái trẻ Trịnh Thị Toan đã chính thức trở thành công nhân sợi của Nhà máy Dệt 8/3 và cuộc sống của cô thay đổi hoàn toàn với liên tiếp những nỗ lực, những nấc thang mới và cả những thành tích đáng nể.
Anh hùng Lao động Trịnh Thị Toan.
Khi bắt tay vào công việc, Toan chỉ có một động lực thật giản dị, đó là làm tối đa năng lực của mình, sao cho đạt hiệu quả cao nhất, có được lương tháng đầy đủ để hỗ trợ gia đình và lo cho cuộc sống của mình. Đã là con nhà lao động thì cuộc sống đơn giản là làm việc, làm việc và làm việc thật cần mẫn, thật chăm chỉ. Xuất phát từ tư tưởng đó, cô công nhân sợi trẻ Trịnh Thị Toan luôn đi làm sớm nhất, về muộn nhất, sẵn sàng nhận làm việc thêm giờ, nhận đổi ca đêm cho những đồng nghiệp bận việc nhà như sinh nở, con ốm, bệnh tật hoặc tứ thân phụ mẫu lâm bệnh, qua đời... Xưởng sợi hầu như chẳng bao giờ vắng bóng Toan. Nơi đây trở thành ngôi nhà thân thương, ấm êm, đáng tin cậy của cô.
Nếu như ai đó thấy đứng máy suốt ngày là vất vả hoặc đi làm ca đêm là khó khăn thì với Toan, đó là công việc hấp dẫn và nhẹ nhàng hơn nhiều so với làm ruộng. Việc đi lại hàng chục ki-lô-mét/ngày trong xưởng với ai đó là nặng nhọc thì Toan thấy sung sướng hơn nhiều so với đi chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng khi nắng gắt, lúc mưa dầm, gió rét buốt xương... Vả lại, đây là công việc tốt nhất mà Toan có thể làm, được thu nhập khá giúp bố mẹ già ở quê. Vì thế, Toan luôn yêu thích công việc của mình ở nhà máy. Vì tình yêu đó mà cô luôn làm việc thật chu đáo, sáng tạo.
Con người của năng suất
Nhờ tập trung làm việc mỗi ngày với hiệu quả cao nhất mà ngay từ năm đầu tiên vào làm việc, nữ công nhân Trịnh Thị Toan đã về trước kế hoạch 4 tháng. Quá ngạc nhiên trước năng suất vượt trội của nữ công nhân trẻ này, Ban Lãnh đạo nhà máy đã xuống tận xưởng sợi gặp Toan và động viên, khích lệ cô. Toan càng phấn khởi, làm việc hăng say hơn và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho đồng nghiệp. Tiếng lành đồn xa, tin về cô công nhân với năng suất phi thường đã vượt qua xưởng sợi, lan ra ngoài nhà máy nên nhiều năm cô được cử đi thi tay nghề thợ giỏi của ngành và luôn xuất sắc đoạt giải cao (Giải Nhất, Nhì toàn miền Bắc), mang vinh dự về cho Nhà máy Dệt và là niềm tự hào của bố mẹ cô. Tại xưởng, Toan luôn đứng nhiều máy gấp 3 lần người khác. Thậm chí, năm 1975, chị lấy chồng, có mang con đầu lòng nhưng vẫn đi ca đêm, vẫn đứng máy và đạt năng suất cao hơn tất cả các đồng nghiệp khác, vẫn đoạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Không những làm việc vượt năng suất, chị Toan còn tranh thủ thời gian sau giờ làm để học văn hóa, chị học tiếp lớp 7 được tổ chức tại khu Nhà trẻ của nhà máy. Sau đó, khi học lên cấp III, chị phải đi học xa hơn, trường học cách xưởng tới 7 cây số nhưng cứ sau giờ tan ca là chị đi bộ tới lớp học. Đằng đẵng đi bộ gần 2 năm, sau đó tích cóp đủ tiền, chị sắm được chiếc xe đạp để đi học đỡ vất vả hơn. Học hết bậc trung học, chị Toan thi đậu vào Trường đại học Kinh tế kỹ thuật Dệt May và tiếp tục vừa học vừa làm. Mọi đồng nghiệp trong nhà máy đều coi chị như tấm gương để noi theo.
Sau này, khi chị Toan được phong danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1995) và chị chuyển công tác làm Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam (năm 2004), với sự đồng cảm, thấu hiểu cuộc sống thực tế của nữ công nhân ngành sợi, chị đã có những sáng kiến, phương pháp để Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam chăm lo, hỗ trợ cho nữ công nhân tốt hơn, hiệu quả hơn. Chị cũng chính là người góp phần quan trọng xây dựng mô hình Công đoàn ngành Dệt May, xây trụ sở của công đoàn ngành. Chị là một trong những vị Chủ tịch gần gũi với nữ công nhân lao động nhất, được đông đảo người lao động quý mến, kính trọng.
Bà Toan dâng hương lễ tổ nghề Dệt May tại khuôn viên Nhà máy Dệt 8/3.
Sức khỏe phi thường
Người phụ nữ này có lẽ được trời phú cho một sức khỏe phi thường, năng lượng làm việc dường như chẳng bao giờ vơi cạn. Khi tôi hỏi bà, rằng trong lúc vừa làm việc 3 ca, vừa đi học, lại trong thời kỳ sinh nở, bà có bao giờ kiệt sức thì vị nữ Anh hùng Lao động này cười mà rằng, bà chẳng bao giờ mệt, cũng không bị ốm đau. Bí quyết duy nhất của bà, đó là sự hưng phấn khi làm việc. Làm việc có hiệu quả thì rất sung sướng, khi được lãnh đạo động viên thì càng hưng phấn hơn, làm việc quên mệt mỏi. Chắc chắn rằng, tinh thần cũng vô cùng quan trọng trong lao động và sáng tạo, bà Toan có được sức làm việc, hiệu suất làm việc cao, bền bỉ như vậy một phần là do tình yêu với công việc, sự hạnh phúc khi được làm việc. Đó cũng là một bài học đáng giá mà bà dành cho các thế hệ sau của Nhà máy Dệt 8/3. Đó trở thành “đặc điểm nhận diện”, là nhân hiệu mỗi khi người trong ngành nhắc đến tên Trịnh Thị Toan - một con người lao động cần mẫn, chăm chỉ, nhiệt tình, năng suất vượt trội và luôn làm việc trong niềm hưng phấn không bao giờ vơi cạn.
“Thời còn nuôi con nhỏ, tôi cũng như các chị em khác trong xưởng sợi không được bồi dưỡng bằng chế độ ăn đặc biệt như các “mẹ bỉm sữa” bây giờ, thậm chí, giữa ca, tôi được chia một nửa cái bánh mỳ thì còn không dám ăn, gói lại cất vào túi để dành mang về nhà biếu mẹ chồng ăn. Tôi phải nịnh bà để bà trông con nhỏ cho tôi đi làm ca. Nhịn đói một lúc thì hết cơn đói, vẫn làm việc bình thường và chẳng ốm đau bệnh tật gì hết”, bà Toan chia sẻ.
“Trong những ngày giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, tôi cùng nhiều chị em khác trong xưởng sợi không đi sơ tán mà ở lại bám máy, bám xưởng, bảo vệ nhà máy và tiếp tục sản xuất. Vừa làm, vừa chiến đấu, súng treo đầu máy sợi. Khi máy bay địch đến thì cầm súng chiến đấu, xong lại vào xưởng làm việc tiếp. Sáng mùng một Tết năm 1972, tôi vẫn đi làm như ngày thường. Vậy mà chúng tôi chẳng thấy khổ hay vất vả, sợ hãi gì cả. Chiến tranh thì vẫn cứ sống và làm việc, thêm việc xung kích, tự vệ vậy thôi. Mọi việc rồi cứ qua đi, chẳng có gì quá ghê gớm...”, bà Toan bồi hồi nhớ lại những ngày đặc biệt khi vừa làm việc, vừa chiến đấu của mình.
Tuổi cao thì thường đi kèm với sức yếu, bệnh tật, nhưng dường như với riêng bà Trịnh Thị Toan, người phụ nữ vượt thời gian với năng suất cao trong lao động thì nay cũng vượt thời gian với sức khỏe, sức trẻ của mình. Cho đến giờ, hầu như chưa có bệnh tật nào chạm được tới bà. Bà cũng không dùng loại dược phẩm đặc biệt nào, cũng không có bài tập thần bí nào ngoài bài tập thể dục thông thường mà bà học được từ thời còn ngồi ghế nhà trường. Với bà, sống và làm việc đầy hưng phấn chính là bí quyết vượt thời gian.
Hiện nay đã nghỉ hưu, ở nhà trông các cháu cho con đi làm, với bà, đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Ngoài việc trông cháu, chăm sóc nhà cửa thì bà vẫn tham gia công tác phụ nữ tại địa phương. Với bà, đó là cách vừa để vui với chị em, góp sức chung cho công việc xã hội và cập nhật kiến thức mới không ngừng.