Hà Nội

Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty: Càng làm việc, càng khỏe ra

14-09-2017 17:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Việc nữ Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty, nữ tướng “khủng” của ngành dệt may mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thực phẩm sạch, liên doanh với Nhật Bản, trở thành sự kiện gây xôn xao dư luận, nhất là trong ngành dệt may trong năm 2016.

Dự án triển khai trên 12 héc-ta đất ở Lương Tài, Bắc Ninh, dự kiến đầu năm 2018 sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật.

Làm thực phẩm sạch với người Nhật

Việc người Nhật chọn chị Ninh Thị Ty làm đối tác cung ứng nguồn thực phẩm sạch cho họ là có lý do xác đáng. Người Nhật vốn kỹ tính, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm họ sử dụng, nên họ từng khảo sát nhiều nơi, gặp nhiều người và cuối cùng chọn nữ tướng ngành may làm đối tác của mình. Qua hơn ba chục năm gắn bó với ngành dệt may, chị Ninh Thị Ty đã tạo nên một doanh nghiệp (DN) May Hồ Gươm danh tiếng với 5 ngàn lao động, chuyên xuất khẩu hàng may mặc đi châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn... Sau này, với bản lĩnh và sự sáng tạo, quyết đoán trong điều hành, chị được giao nhiệm vụ vực dậy doanh nghiệp May Chiến Thắng đang làm ăn thua lỗ. May Chiến Thắng kể từ khi đó như được phù phép, trỗi dậy vượt qua vực thẳm, không những bù lỗ, mà còn mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho một ngàn người lao động và đã có lãi. Chính vì những thành tích xuất sắc đó mà chị Ty được Nhà nước phong Anh hùng Lao động.

Những đối tác nước ngoài, khi đã hợp tác với chị là gắn bó không rời, trở thành bạn của chị. Và họ thường giới thiệu cho chị những cơ hội kinh doanh (KD) mới. Việc mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm sạch cũng nhờ một trong số những bạn KD nước ngoài như thế. Dự án này sẽ trồng cây tía tô, cung cấp lá tía tô tươi cho người Nhật dùng kèm món cá ngừ, cá hồi sống. Lá tía tô thu hoạch buổi sáng, buổi chiều đóng gói ra sân bay, 5 giờ sáng hôm sau đã có mặt ở Nhật phục vụ bữa ăn của người Nhật. Chất lượng lá tía tô Việt xuất khẩu sang Nhật phải đảm bảo cao cấp nhất, sạch và chuẩn nhất. Vì lẽ đó, mọi khâu từ xử lý đất đai, chọn giống tới quá trình nuôi trồng đều phải đảm bảo nghiêm ngặt nhất chế độ an toàn và chất lượng.

Nhìn vào những thành công mà chị Ninh Thị Ty đạt được cho đến ngày hôm nay, có người bảo chị gặp thời, may mắn, con gái chị gần gũi mẹ nhất thì lại cho rằng mẹ đã hy sinh rất nhiều. Riêng chị luôn nghĩ, cuộc đời chị chính là cơ hội vàng cho chị. Cách nghĩ ấy đã khiến chị luôn thoải mái, lạc quan và tiến tới không ngừng, cho dù khó khăn hiện tại tưởng như không thể nào giải quyết nổi.

anh hùng Lao động Ninh Thị Ty.

Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty.


Hạnh phúc lạ kỳ

Nhìn dáng người gọn gàng, cân đối, đi lại nhanh nhẹn, cách làm việc năng động, quyết đoán và luôn truyền cảm hứng cho những người xung quanh, không ai nghĩ chị đã ở tuổi lục tuần. Câu cửa miệng của những người cùng lứa với chị khi gặp thường là, bí quyết gì mà trẻ, khỏe lâu thế. Chị chỉ có một bí quyết này thôi, đó là làm việc, làm việc và làm việc. Với chị Ninh Thị Ty, càng làm việc, càng trẻ khỏe ra. Nhiều người khác ở tuổi chị, chỉ nghĩ đến nghỉ ngơi và du lịch đây đó, hoặc trông cháu và khép lại cuộc đời, nhưng chị lại chọn cách khác. Chị làm việc và liên tục sáng tạo, liên tục mở rộng KD, đầu tư dự án mới để tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân. Với chị, được làm việc là hạnh phúc.

Ai cũng nghĩ, một bà chủ lớn như chị thì phải ăn cao lương mỹ vị, nhưng thực tế chị ăn khá ít và đơn giản. Chị có câu nói khá ấn tượng “ăn ít thôi thì sống lâu hơn”. Chị cũng không sợ hãi thực phẩm độc hại mà phải kén chọn mua thực phẩm sạch giá cao như nhiều người giàu bây giờ. Chỉ có một thói quen khác trong sinh hoạt mà chị học của người Đức, đó là chị luôn ăn trái cây trước khi ăn bữa chính chừng 60 phút để hệ thống tiêu hóa làm việc thuận lợi, cho cơ thể khỏe mạnh.

Khi hợp tác với Nhật Bản phát triển dự án trồng cây tía tô xuất khẩu tại Lương Tài, Bắc Ninh, chị Ninh Thị Ty đã sang Israel học cách làm nông nghiệp của họ. Trong chuyến đi, chị không chỉ học được cách làm nông nghiệp thông minh nhất thế giới, mà còn học được nhiều bài học ấn tượng, trong đó chị đặc biệt tâm đắc câu nói của người Israel, rằng người hạnh phúc nhất là người chết trong lúc đang được làm việc. Bài học thật ý nghĩa, nói lên lý do thành công vượt trội của người Israel trong khó khăn. Người Israel yêu công việc mình làm và nói họ “được làm việc”, còn người Việt thì đa phần chịu đựng việc mình làm và nói “phải làm việc”. Hai thái độ khác nhau đó cho ra kết quả hoàn toàn khác nhau.

Ấn tượng thứ hai đó là việc người Israel, dù có vườn hay không thì họ luôn trồng cam, chanh để phục vụ nhu cầu của chính mình. Cam, chanh rất tốt cho sức khỏe, nhưng điều khác biệt ở người Israel là họ không vứt đi thứ gì từ trái cam, chanh. Từ vỏ và cùi cam, chanh, họ có thể chế ra hàng chục loại mứt rất ngon. Lá chanh thì được dùng làm gia vị nấu ăn hàng ngày.

Vị nữ thủ lĩnh của hai DN may, một DN bất động sản và một dự án sản xuất thực phẩm sạch xuất khẩu này cũng không phải lo lắng về vấn đề bệnh tật. Với chị, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chị giữ thói quen tập bài vẩy tay theo liệu pháp Dịch cân kinh mỗi sáng chừng 15 phút, ăn uống điều độ và làm việc không ngừng. Sự duy trì chế độ ăn uống, tập luyện và làm việc cân bằng đó khiến mọi bệnh tật đều chào thua trước chị.

Làm kinh doanh phải có tầm nhìn

Từng trải qua nhiều năm KD, các giai đoạn thăng trầm và những đổi thay lớn của thị trường, đối mặt với những thách thức từ thị trường bao cấp cho tới thị trường tự do cạnh tranh ở Tây Âu và Mỹ, chị Ty rút ra kinh nghiệm rằng, trong KD, vốn cũng quan trọng, nhưng tầm nhìn còn quan trọng hơn. Khi thế giới đã bội thực với công nghiệp nặng và âu lo quá mức về sự mất an toàn trong môi trường, thực phẩm, việc mở rộng sản xuất sang ngành thực phẩm chất lượng cao là một việc thể hiện tầm nhìn của chị.

Bản chất chị cũng là người thích chăn nuôi trồng trọt. Tại bất cứ nhà máy may nào thuộc các công ty may do chị đứng đầu, đều có khuôn viên trồng rau xanh, nuôi lợn gà để cải thiện một phần bữa ăn cho cán bộ, công nhân viên. Làm nông nghiệp với công nghệ cao, sẽ là cách làm giàu bền vững nhất trong tương lai. Để chuẩn bị thực hiện dự án trồng tía tô xuất khẩu Nhật, chị sang Israel học tập cách làm nông nghiệp của họ. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chị thấy bạn Israel, người mời chị sang với lời hứa sẽ tiếp đãi chị như một nữ hoàng, sở hữu trang trại 200 héc-ta trồng cây bơ mà thông thường chỉ cần 4 công nhân làm việc, còn lại là máy móc và tự động hóa. Tất nhiên khi thu hoạch bạn cũng thuê thêm sinh viên và người nước ngoài. Nước ở Israel rất hiếm, nên trang trại của người bạn phải xin nước thải của một quận trong vùng, xử lý sạch và tái sử dụng đủ tưới cho trang trại quanh năm. Điều kỳ diệu của khoa học nông nghiệp Israel là họ tạo nên giống bơ nhiều tầng, một năm cho thu hoạch tới 9 tháng, khi tầng dưới cho quả thu hoạch thì tầng trên ra hoa, cứ liên tục đảo chiều như vậy, cho năng suất rất cao. Do khoa học tiến bộ như vậy nên Israel là đất nước duy nhất trên thế giới không cần nhập khẩu thực phẩm, họ chỉ ăn những gì do chính họ sản xuất ra.

Do đó, so với Israel thì Việt Nam thuận lợi hơn nhiều để làm nông nghiệp và giàu có lên từ nông nghiệp. Nhưng tại sao nước ta không làm được điều đó thì truyền thông cần nhiều bút mực để bàn và quốc gia cần nhiều nghiên cứu khác. Còn với Ninh Thị Ty, chị đã bắt tay vào hành động.


Kiều Mai
Ý kiến của bạn