Anh hùng lao động Đoàn Thúy Ba: Người thầy thuốc của dân

19-10-2008 08:07 | Thời sự
google news

BS Thúy Ba sinh ra tại một vùng quê thuộc huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, ngay từ khi còn nhỏ tuổi, đã sớm giác ngộ, tham gia phục vụ kháng chiến. Hòa bình lập lại, bà đã gửi đứa con 3 tuổi cho Bà nội nuôi để ra Bắc tập kết, tin rằng chỉ sau 2 năm sẽ trở về.

BS. Thúy Ba sinh ra tại một vùng quê thuộc huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre ngay từ khi còn nhỏ tuổi, đã sớm giác ngộ, tham gia phục vụ kháng chiến. Hòa bình lập lại, bà đã gửi đứa con 3 tuổi cho bà nội nuôi để ra Bắc tập kết, tin rằng chỉ sau 2 năm sẽ trở về. Tại miền Bắc, bà đi học, trở thành y sĩ, về công tác tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải phòng, Bà đã làm việc tích cực, 3 năm liền được bầu là Chiến sĩ thi đua và được thưởng Huân chương lao động Hạng Ba

Người phụ nữ y tế đầu tiên trở về Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.

 BS. Đoàn Thúy Ba đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ Hạng nhất, Huân chương Giải phóng Hạng ba, Huân chương Lao động Hạng nhất và Hạng ba.
Đất nước còn bị chia cắt, miền Nam ruột thịt chưa sạch bóng quân thù, y sĩ Thúy Ba luôn mong ngóng được trở về quê hương góp sức cùng nhân dân giải phóng đất nước.

Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã sớm đặt kế hoạch bổ túc và bồi dưỡng cấp tốc cho cán bộ để đưa về miền Nam đáp ứng những yêu cầu của chiến trường và các vùng nông thôn rộng lớn. Y sĩ Thúy Ba quê ở miền Nam, đang công tác tại Bệnh viện Việt Tiệp được gọi tập trung theo lớp chuyên tu đặc biệt để đào tạo thành bác sĩ.

Bác sĩ Đoàn Thúy Ba kể: "Một hôm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho gọi tôi. Ông hỏi tôi có muốn về Nam Bộ công tác không? Tôi đồng ý ngay. Anh cho biết đường đi sẽ dài ngày, nhiều khó khăn gian khổ đang đợi chờ, nhưng qua theo dõi việc học tập của tôi tại lớp bổ túc đặc biệt, anh thấy tôi có thể "xuống núi được". Tôi nhận bằng bác sĩ ngày Quốc khánh 2/9/1962, rồi đi thẳng lên Sơn Tây theo một lớp học kéo dài đúng 3 tháng để học chính trị và tập đeo ba lô, đi bộ chuẩn bị đi chiến trường bằng đường bộ theo đường Trường Sơn.

Ngày lên đường, BS. Phạm Ngọc Thạch đã tự lái ô tô, đưa tiễn chúng tôi đến trạm cuối cùng trên đất Bắc. Anh đã dành trọn một đêm để trò chuyện dặn dò, từ những chuyện nhỏ như lạc đường ở rừng thì nên hái quả cây có vị gì mà ăn cho khỏi bị nhiễm độc, tới việc chữa cho mình khi bị bù cạp cắn đau nhức. Sáng hôm sau trước khi từ biệt nhau, anh bắt chặt tay, ôm hôn từng cán bộ y tế mà tràn nước mắt. Bộ trưởng dặn rằng: "Các em vào trong ấy trước, thế nào anh cũng phải vào, nhất định anh sẽ gặp lại các em trong B".

Dốc cao, rừng thẳm, đói khát, bệnh sốt rét. Có đồng chí đã hy sinh trên đường hành quân dưới đạn bom địch hay do sốt rét ác tính... Sáu tháng băng rừng, lội suối, leo dốc, trèo đèo đoàn cán bộ dân y về tới Trung ương Cục miền Nam tháng 4 năm 1963. Việc đi tới nơi về tới chốn của BS. Thúy Ba đã động viên nhiều chị em phụ nữ các ngành khác như giáo dục, văn nghệ vững lòng tiếp bước về Nam tham gia chống Mỹ.

BS. Thúy Ba được giao nhiệm vụ phục vụ cho các cán bộ làm việc tại Trung ương Cục. Bà đã theo đoàn cán bộ của Trung ương Cục xuống đồng bằng để củng cố tổ chức chống giặc, mở các lớp huấn luyện về y tế, khám sức khỏe, chữa bệnh cho dân, vận động vệ sinh phòng bệnh. Đồng bào quê hương của "Đồng khởi" được gặp một phụ nữ đi tập kết trở về có trình độ chuyên môn cao; được nghe BS Thúy Ba kể chuyện về miền Bắc, về Bác Hồ và con đường học tập để trở thành bác sĩ.

Giữa năm 1965, BS. Thúy Ba trở về khu căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh, phụ trách Bệnh viện Hoàng Lệ Kha, bệnh viện phục vụ cán bộ trung cao cấp. Chiến tranh ngày càng ác liệt, bệnh viện phải luôn dời địa điểm, phải sẵn sàng ứng phó mỗi khi biết tin địch tổ chức càn quét. Mỗi lần đến điểm mới làm cứ, người lãnh đạo phải tổ chức đào hầm trú ẩn cho cán bộ và bệnh nhân, đào giếng lấy nước, làm lán ở, phải lo cho các phòng điện quang, xét nghiệm, phòng mổ hoạt động và cả đến việc tổ chức chu đáo khi có đồng chí mình bị hy sinh. BS. Thúy Ba cũng không quên việc phải quan tâm đến các đồng nghiệp trẻ từ miền Bắc vào chi viện cho bệnh viện, để họ an tâm công tác. Nhiều người nước ngoài như nhà báo Úc Burchett, nhà báo Pháp Madelène Riffaw, bác sĩ Pháp Grinville và nhà quay phim Roger Pie đến thăm với ấn tượng tốt về một bệnh viện vùng giải phóng.

Vượt khó khăn trong thời kỳ bao cấp

Năm 1973 sau Hiệp định Paris, BS. Đoàn Thúy Ba được ra Bắc an dưỡng và đi Liên Xô (trước đây) dưỡng bệnh. Trở về Hà Nội, được đến Khoa nội Bệnh viện Bạch Mai học thêm chuyên môn. Năm 1975, miền Nam được giải phóng, bà về công tác tại Bệnh viện Thống Nhất, được đi học về công tác quản lý tại Hà Lan.

 BS. Đoàn Thúy Ba (bên trái) và nhà báo Pháp Madelène Riffaw tại căn cứ Tây Ninh năm 1965.
 
BS. Đoàn Thúy Ba được bổ nhiệm là Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong thời kỳ bao cấp, kinh phí của Bệnh viện rất khó khăn, đời sống CBCNV thấp. Bà đã có những sáng tạo trong trong công tác quản lý Bệnh viện. Được lãnh đạo Bệnh viện nhất trí và lãnh đạo Thành phố cho phép, BS. Thúy Ba đã tổ chức phòng khám ngoài giờ, mở căng tin trong bệnh viện. Bệnh viện có tiền thuê người làm vệ sinh cho BV sạch sẽ hơn, bệnh viện có quần áo phát cho bệnh nhân, nhân viên có quần áo công tác sạch trắng, tươm tất, đời sống CBVC bước đầu được cải thiện. Từ năm 1984 Bà đã đề xuất thí điểm thu một phần viện phí đối với người có yêu cầu điều trị cao, các chuyên gia, bệnh nhân nước ngoài vì họ có khả năng chi trả .

Tháng 12/1985, BS. Thúy Ba được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Bà thay mặt lãnh đạo Bộ tham gia Ban Chỉ đạo 3 chương trình kinh tế lớn của Nhà nước: Dầu khí, Thủy điện, Lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Bà đã cố gắng tập hợp đội ngũ cán bộ các cơ quan chuyên môn của ngành như viện, trường, bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ chí Minh tham gia phục vụ các Chương trình trên.

Y tế dầu khí có những đặc thù riêng phục vụ sức khỏe cho CBCNV Xí nghiệp Vietsopetro. BS. Thúy Ba đã trực tiếp tham mưu với lãnh đạo cho ra đời những Trung tâm y tế, tổ y tế để theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho công nhân dầu khí. Bà đã xây dựng đào tạo và bồi dưỡng bác sĩ chuyên ngành Dầu khí và tổ chức mạng lưới cấp cứu, cứu hộ từ ngoài biển vào đất liền, với số cán bộ trên 100 người gồm có 65 bác sĩ VN và 10 bác sĩ Nga... Ghi nhận sự đóng góp của BS. Đoàn Thúy Ba với sự nghiệp dầu khí, Tổng Công ty dầu khí Việt Nam đã trao tặng cho bác sĩ Thúy Ba Huy chương "Vì sự nghiệp dầu khí Việt Nam".

Thủy điện Trị An thuộc vùng Chiến khu D, vùng rừng nguyên thủy nên muỗi a-nô-phen rất nhiều. Dân gian có câu: "Mã đà sơn cước anh hùng tận". Số công nhân bị mắc sốt rét rất cao, một số bị sốt rét ác tính, số tử vong cao. BS. Thúy Ba đã chỉ đạo giám sát dịch tễ chặt chẽ, yêu cầu công nhân ngủ màn, uống thuốc phòng đủ liều và kiên quyết yêu cầu công trường phải vét sạch lòng hồ, bốc hết mồ mả và các thùng chất độc hóa học C.S do Mỹ để lại, đồng thời làm sạch lòng hồ để nước có thể sử dụng được cho sinh hoạt.

Với kinh nghiệm phòng chống sốt rét và nạo vét lòng hồ thủy điện Trị An, bà đã yêu cầu phải áp dụng khi tiến hành xây dựng các công trình thủy điện Hàm Thuận, Yaly và Thác Mơ. Do đó tỷ lệ sốt rét ở các nơi này giảm.

BS. Thúy Ba là người trực tiếp phụ trách và theo dõi từng bước quá trình hình thành và phát triển Y tế ngành Cao su.

 BS. Nguyễn Văn Thủ (bên phải), BS. Đoàn Thúy Ba và 2 bác sĩ người Pháp tại căn cứ Tây Ninh năm 1968. Ảnh: TL
 
Khu vực trồng cao su thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng nên có nhiều bệnh nhân tử vong, BS. Thúy Ba chỉ đạo các Phân viện sốt rét của TP. Hồ Chí Minh và Quy Nhơn hỗ trợ và giám sát. Bà thường xuyên cùng với các chuyên gia sốt rét đi đến các nông trường, tổ đội cao su ở vùng sâu vùng xa để kiểm tra và chỉ đạo các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ sốt rét, dịch hạch và chấn chỉnh các mặt yếu kém. Thứ trưởng hết sức ủng hộ việc xây dựng Bảo hiểm Y tế ngành Cao su. Do đó tổ chức Y tế cao su thay đổi cả về chất và lượng. BS. Thúy Ba được nhiều cán bộ lãnh đạo Y tế ngành cao su và công nhân cao su gọi tên với sự kính trọng nhưng thân thương trìu mến: Cô Ba. Cô Ba thật thấu hiểu đoạn trường của những người lao động cao su, thấu hiểu nỗi trăn trở của đội ngũ thầy thuốc ngành Cao su. Cô Ba hết lòng giúp đỡ xây dựng và phát triển Y tế Cao su

Năm 1998, BS. Thúy Ba được Tổng Công ty cao su Việt Nam ghi công, trao tặng Huy hiệu Cao su Việt Nam vì đã có thành tích đóng góp cho ngành cao su.

Thay mặt Bộ Y tế, trong Ban chỉ đạo chương trình, BS. Thúy Ba đã nhanh chóng xây dựng các cụm dân cư, thành lập các trạm y tế, bệnh viện phục vụ nhân dân mở rộng khai thác các vùng hoang hóa để tăng sản lượng lúa theo nghị quyết của Chính phủ. Bà đã đề xuất xây dựng Trung tâm nuôi trồng và phát triển dược liệu với 2000 hecta cây tràm gió.

Bà là người đề xuất và bảo vệ chương trình 12; Kết hợp quân dân y trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chương trình đem lại nhiều hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt có tác dụng khi xảy ra thiên tai thảm họa và bảo vệ an ninh quốc phòng ở vùng biên giới và hải đảo.

Là người nhiều nghĩa tình với đồng đội, để tưởng nhớ đến hàng vạn đồng chí thuộc Ban quân dân y miền Nam trong 2 kỳ kháng chiến đã hy sinh, tiêu biểu là Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, bà đã đề xuất và đảm đương chức vụ Trưởng ban xây dựng Nhà bia tưởng niệm tại đồi 82 huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Bà có ý thức chủ động trong công việc, tận tụy trong công tác mặc dù tuổi đã cao. BS.Đoàn Thúy Ba có đạo đức cao cả và lối sống gương mẫu, luôn đoàn kết tốt với mọi người, thương yêu người bệnh.

Trần Giữu


Ý kiến của bạn