Bác sĩ Đoàn Thúy Ba tên thật là Đoàn Hồng Hoa, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1947, bà thoát ly gia đình đi kháng chiến, lúc đầu công tác ở Huyện ủy Mỏ Cày, sau được cử đi học lớp y tá do Sở Y tế Nam Bộ mở, rồi về công tác ở quân y viện trung đoàn 99.
Khi sinh đứa con đầu lòng được 2 tháng, bà được tin chồng khi đó là đại đội trưởng Vệ quốc đoàn hy sinh trong một trận chống càn. Năm 1953, sau khi gửi con về thành phố, nhờ gia đình bên chồng nuôi, bà đã theo đơn vị chiến đấu, rồi được cử đi học lớp đào tạo cán bộ y sĩ của Sở Y tế Nam Bộ do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khi đó làm hiệu trưởng.
Sau hiệp định Genève tháng 7/1954, bà tập kết ra Bắc và được đi học ở Trường Cán bộ Y tế Hà Nội. Ra trường, bà về công tác ở đoàn chuyên gia Liên Xô, điều tra về bệnh hoa liễu ở miền Bắc suốt một thời gian, rồi chuyển về BV. Việt - Tiệp ở Hải Phòng, tại đây bà đã làm việc tích cực, 3 năm liền được bầu là Chiến sĩ thi đua và được thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng TTND Đoàn Thúy Ba trong buổi họp mặt các thầy thuốc trong tất niên 2018
Nữ bác sĩ đầu tiên vượt Trường Sơn
Trước tình hình chiến trường miền Nam đang khốc liệt, BS. Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ đã có kế hoạch bổ túc và bồi dưỡng cấp tốc cho cán bộ để đưa về miền Nam đáp ứng những yêu cầu của chiến trường và các vùng nông thôn rộng lớn. Y sĩ Đoàn Thúy Ba từ BV. Việt - Tiệp đã được điều về làm việc ở BV. hữu nghị Việt - Xô tại Hà Nội. Tại đây bà được bồi dưỡng cấp tốc một số mặt chuyên môn cần thiết cho công tác y tế ở chiến trường, sau đó dự thi khóa bác sĩ đặc biệt và nhận bằng bác sĩ năm 1962. Đây cũng là thời điểm bước ngoặt của cuộc đời hoạt động cách mạng của bà: “Vượt Trường Sơn để vào chiến trường miền Nam”.
Kể lại cảm xúc của mình trước khi nhận nhiệm vụ, BS. Đoàn Thúy Ba như sống lại với ký ức hào hùng. “Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch cho gọi tôi và hỏi có muốn về Nam bộ công tác không và tôi lập tức đồng ý, mặc cho Bộ trưởng đã cảnh báo rằng phải đi dài ngày và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn gian khổ thậm chí sẽ hy sinh”.
Nhận bằng bác sĩ ngày 2/9/1962, vị nữ bác sĩ dáng người mảnh mai lập tức lên Sơn Tây để theo học chính trị và tập đeo ba lô, đi bộ chuẩn bị đi chiến trường bằng đường bộ dọc Trường Sơn.
BS. Đoàn Thúy Ba (bìa phải) và các đồng nghiệp khi bà đang công tác tại BV. Hoàng Lê Kha (Tây Ninh)
“Khóa học kéo dài 3 tháng, chúng tôi được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để đối mặt với khó khăn trước mắt nhưng ai cũng sẵn sàng cho cuộc Nam tiến bởi chiến trường miền Nam và các đồng đội, đồng chí đang cần mình”.
“Hình ảnh bà con miền Nam oằn mình dưới mưa bom lửa đạn và các chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm xung phong ở tuyến đầu chống giặc đã khiến chúng tôi hành quân mà quên đi bao con dốc cao, những đoạn rừng thăm thẳm với đá với gai, với những con suối con sông hiểm trở, dưới làn đạn bom của quân thù và cả những cơn nóng lạnh bất chợt do sốt rét. Vậy rồi sau 6 tháng trời, tôi và các đồng đội cũng đã có mặt tại miền Nam thương yêu”, BS. Thúy Ba kể.
Tại Trung ương Cục miền Nam, BS. Thúy Ba được giao nhiệm vụ phục vụ cho các cán bộ làm việc tại Trung ương Cục, trong thời gian này, bà cũng đã theo đoàn cán bộ của Trung ương Cục xuống đồng bằng để củng cố tổ chức chống giặc, mở các lớp huấn luyện về y tế, khám sức khỏe, chữa bệnh cho dân, vận động vệ sinh phòng bệnh.
Được trở về với quê hương Bến Tre, được sống trong vòng tay yêu thương của đồng hương sau gần 20 năm xa cách, cô gái xứ dừa nhỏ nhắn ngày nào tham gia kháng chiến khi chưa tròn đôi mươi giờ đã là bác sĩ, cô say sưa kể cho mọi người nghe về chuyến vượt Trường Sơn lịch sử, nhắc lại những kỷ niệm những tháng ngày làm việc tại bệnh viện, trong đó có cả nỗi nhớ miền Nam canh cánh trong lòng. Hình ảnh của bà, những việc của bà làm khi ấy đã trở thành tấm gương để thanh niên noi theo.
Giữa năm 1965, BS. Thúy Ba nhận được tin cha mình bị Mỹ sát hại, gạt nước mắt của nỗi niềm riêng, bà trở về khu căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh và được nhận nhiệm vụ mới: phụ trách BV. Hoàng Lê Kha, thời ấy bệnh viện này chuyên phục vụ cán bộ trung cao cấp.
TTND Đoàn Thúy Ba trong tình yêu thương của lãnh đạo Bộ Y tế trong một lần họp mặt cán bộ y tế đã nghỉ hưu
Chiến tranh ngày càng ác liệt, bệnh viện phải luôn dời địa điểm, phải sẵn sàng ứng phó mỗi khi biết tin địch tổ chức càn quét. Không chỉ điều trị, việc đào hầm trú ẩn cho cán bộ và bệnh nhân, đào giếng lấy nước, làm lán ở, thiết lập giả chiến cho các phòng điện quang, xét nghiệm, phòng mổ… Ước tính, trong thời gian này, BV. Hoàng Lê Kha đã nhận điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân và cán bộ với tỷ lệ tử vong rất thấp. Hay tin chiến trường miền Nam có một bệnh viện như thế, các nhà báo nước ngoài đã tìm đến thăm và thực hiện phóng sự trong sự ngưỡng mộ về bệnh viện đặc biệt của vùng giải phóng.
Trở thành người thầy thuốc của nhân dân
Sau hiệp định Paris (1973), bà được đưa ra Bắc chữa bệnh và được Bộ Y tế cử đi bổ túc chuyên môn ở BV. Bạch Mai. Sau ngày miền Nam giải phóng, bà về lại TP.HCM công tác ở BV. Vì Dân (nay là BV. Thống Nhất) một thời gian, được Bộ Y tế cử đi tu nghiệp ở Hà Lan. Về nước, bà được phân công làm Phó Giám đốc BV. Chợ Rẫy. Trong thời gian này, bà đã có những sáng tạo trong công tác quản lý giúp nâng cao đời sống công nhân viên, góp phần làm cho bệnh viện sạch đẹp hơn, bệnh nhân cũng được chăm sóc tốt hơn.
Tháng 12/1985, BS. Đoàn Thúy Ba được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Y tế, khi ấy, vẫn với tinh thần cống hiến hết mình cho công việc, bà thay mặt lãnh đạo Bộ tham gia Ban Chỉ đạo 3 chương trình kinh tế lớn của Nhà nước: Dầu khí, Thủy điện, Lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Đoàn Thúy Ba đã trực tiếp tham mưu với lãnh đạo cho ra đời những Trung tâm y tế, tổ y tế để theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho công nhân dầu khí; xây dựng đào tạo và bồi dưỡng bác sĩ chuyên ngành dầu khí và tổ chức mạng lưới cấp cứu, cứu hộ từ ngoài biển vào đất liền, với số cán bộ trên 100 người gồm có 65 bác sĩ Việt Nam và 10 bác sĩ Nga... Với thủy điện Trị An thuộc vùng Chiến khu D, BS. Thúy Ba đã chỉ đạo giám sát dịch tễ chặt chẽ, yêu cầu công nhân ngủ màn, uống thuốc phòng đủ liều và kiên quyết yêu cầu công trường phải vét sạch lòng hồ, bốc hết mồ mả và các thùng chất độc hóa học C.S do Mỹ để lại, đồng thời làm sạch lòng hồ để nước có thể sử dụng được cho sinh hoạt.
Với y tế của ngành cao su, bà thường xuyên cùng với các chuyên gia sốt rét đi đến các nông trường, tổ đội cao su ở vùng sâu vùng xa để kiểm tra và chỉ đạo các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ sốt rét, dịch hạch và chấn chỉnh các mặt yếu kém; ủng hộ việc xây dựng Bảo hiểm Y tế ngành Cao su. Với sự thấu hiểu đời sống của những người lao động cao su, thấu hiểu nỗi trăn trở của đội ngũ thầy thuốc ngành cao su và những đóng góp của mình trong xây dựng và phát triển Y tế Cao su, BS. Thúy Ba được nhiều cán bộ lãnh đạo Y tế ngành cao su và công nhân cao su gọi tên với sự kính trọng bằng cái tên thân mật là “Cô Ba”. Năm 1998, “Cô Ba” được Tổng Công ty Cao su Việt Nam ghi công, trao tặng Huy hiệu Cao su Việt Nam vì đã có thành tích đóng góp cho ngành cao su.
Cũng trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng với ban chỉ đạo chương trình, BS. Đoàn Thúy Ba đã nhanh chóng xây dựng các cụm dân cư, thành lập các trạm y tế, bệnh viện phục vụ nhân dân mở rộng khai thác các vùng hoang hóa để tăng sản lượng lúa theo nghị quyết của Chính phủ. Bà đã đề xuất xây dựng Trung tâm Nuôi trồng và Phát triển Dược liệu với 2.000 hecta cây tràm gió. Bà cũng là người đề xuất và bảo vệ chương trình Kết hợp quân dân y trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đem lại nhiều hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt có tác dụng khi xảy ra thiên tai thảm họa và bảo vệ an ninh quốc phòng ở vùng biên giới và hải đảo.
TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống - đến thăm và chúc sức khỏe Anh hùng Lao động Đoàn Thúy Ba đầu xuân Kỷ Hợi 2019
Với những cống hiến không mệt mỏi, bà được Nhà nước phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 1997 và danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2000.
Không chỉ xung kích, tận tình trong công việc khi còn đương chức, ở những ngày đã nghỉ hưu, TTND - Anh hùng Lao động Đoàn Thúy Ba vẫn miệt mài là cố vấn cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Bà trở thành hội viên của Câu lạc bộ Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam và trở thành tấm gương cho bao thế hệ thầy thuốc trẻ noi theo.
Tết Kỷ Hợi 2019, ở tuổi xưa nay hiếm, BS. Đoàn Thúy Ba tuy sức khỏe kém dần nhưng bà vẫn giữ thói quen đọc sách, báo mỗi ngày. Tại buổi tất niên 2018, vị thầy thuốc của nhân dân gần đến tuổi 90 vẫn minh mẫn đến dự trong sự yêu kính của các bác sĩ trẻ. Bà vẫn sôi nổi, ánh mắt sáng lên sự nhiệt huyết kể chuyện vượt Trường Sơn mỗi khi được nhắc đến.
“Cán bộ công nhân viên ngành y tế thành phố luôn trân trọng và ghi nhớ những đóng góp của TTND - Anh hùng lao động Đoàn Thúy Ba cũng như các cô chú bác sĩ từ những năm kháng chiến và cả trong thời kỳ xây dựng đất nước. Mong các cô chú luôn khỏe mạnh và có thêm nhiều dịp giao lưu với thế hệ trẻ, đặc biệt là những thầy thuốc trẻ, giúp họ thấy được những khó khăn thời đó như thế nào nhằm rèn luyện bản thân trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.