Cùng ngày, Hạ viện Anh thông qua đề xuất của Thủ tướng May đối với EU về việc hoãn Brexit tới ngày 30/6, với tỷ lệ 420 phiếu thuận và 110 phiếu chống. Động thái này được đánh giá sẽ gây áp lực hơn nữa cho Thủ tướng May, hiện đang công du Đức và Pháp trước thềm hội nghị của EU để kêu gọi sự ủng hộ cho bà thêm thời gian nhằm tìm kiếm một kế hoạch Brexit mới có thể nhận được đa số ủng hộ tại Anh.
Liên quan đến đề xuất hoãn Brexit của Anh, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã hối thúc các lãnh đạo EU cho phép Anh trì hoãn tiến trình này trong vòng 1 năm. Theo ông, dù Thủ tướng May chỉ đề xuất hoãn Brexit đến ngày 30/6, song những diễn biến gần đây trên chính trường Anh cho thấy "rất ít lí do để tin rằng" Hạ viện Anh sẽ thông qua thỏa thuận "li hôn".
Trong thư mời lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường về vấn đề Brexit, ông Tusk cho rằng cần phải thảo luận về một sự gia hạn khác, kéo dài hơn. Ông đề xuất kịch bản gia hạn "linh hoạt", cho phép Anh có rời khối này bất kì lúc nào trong vòng 1 năm ngay khi Hạ viện nước này thông qua thỏa thuận Brexit. Việc gia hạn "linh hoạt" này cũng cho phép nước Anh suy nghĩ lại về chiến lược Brexit của mình trong bối cảnh bế tắc tại Hạ viện hiện nay.
Tuy nhiên, ông Tusk cũng khẳng định bất kì sự gia hạn nào cùng cần phải có những điều kiện nghiêm ngặt, như không mở lại đàm phán thỏa thuận rút khỏi dài gần 600 trang mà đã được Thủ tướng May và các lãnh đạo EU kí kết hồi tháng 11/2018 cũng như cam kết từ London rằng vẫn sẽ "hợp tác chân thành" với EU trong quá trình gia hạn Brexit.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Mỹ cần phải chuẩn bị cho "khả năng rất thực" rằng Anh sẽ rời EU mà không có một thỏa thuận. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, ông Mnuchin cho biết Bộ Tài chính Mỹ đã phối hợp cùng Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) và các cơ quan hữu quan khác để chuẩn bị cho kịch bản này.