Anh - EU: Chặng đường nước rút tới Brexit

29-06-2020 08:25 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đã 4 năm trôi qua kể từ khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nhưng chặng đường rời khỏi Liên minh của quốc gia này vẫn chưa hết chông gai.

Tồn tại nhiều bất đồng

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bủa vây, tiến trình Brexit (Anh rời khỏi EU) gặp thêm khó khăn, trở ngại. Hồi tháng 3, các cuộc đàm phán về Brexit liên tiếp bị hủy vì dịch bệnh. Mới đây, đàm phán Brexit mới được nối trở lại bằng các hình thức trực tuyến. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Các vấn đề gây tranh cãi nhất trên bàn đàm phán tập trung vào vấn đề viện trợ nhà nước, quyền lao động, luật môi trường và sân chơi bình đẳng...

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cáo buộc Anh đi ngược lại một số nội dung trong tuyên bố chính trị hồi tháng 1/2020, trong khi Anh chỉ trích đại diện đàm phán của EU - ông Barnier “hành động như thể là trọng tài” chứ không phải là “cầu thủ tham gia trận đấu”. Anh phản đối các yêu cầu của EU như việc muốn giữ nguyên các quyền đánh cá trong vùng biển của Anh thời hậu Brexit hay đề xuất của EU rằng tòa án tối cao EU sẽ có vai trò chính trong việc phán quyết những tranh chấp xảy ra giữa hai bên.

Vào tuần này, vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Anh và EU sẽ diễn ra kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Quyết tâm thì đã có, nhưng để hiện thực hóa nó bằng một thỏa thuận cụ thể dường như đang trở thành một “nhiệm vụ bất khả thi” đối với cả hai bên. Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost cho rằng, hai bên cần tập trung để xem liệu có thể đạt được những tiến bộ một cách nhanh chóng và đặc biệt hay không.  Chính phủ Anh sẽ không đồng ý với những đề xuất như cho EU quyền hạn mới là có thể đáp trả bằng công cụ thuế nếu như Anh thay đổi luật pháp của mình vì lợi ích quốc gia. “Chúng ta không thể tự để ngỏ cho những rủi ro kinh tế không nhìn thấy trước được”, ông David Frost viết trên twitter.

EU sẽ có vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID xảy ra.

EU sẽ có vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID xảy ra.

Anh sẵn sàng cắt đứt quan hệ với EU mà không cần thỏa thuận thương mại

Anh đã chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 1 năm, trong thời gian chuyển tiếp, Anh vẫn là thành viên trong thị trường đơn nhất và liên minh thuế quan của EU. Theo kế hoạch, một thỏa thuận khung phải đạt được trước ngày 31/10 để kịp phê chuẩn trước cuối năm nay nhằm tránh việc Anh rời khỏi EU và liên minh hải quan vào ngày 31/12/2020 mà không có thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, với bất đồng vẫn chồng chất như hiện nay, mục tiêu tìm kiếm được sự “tiến bộ” trong đàm phán vào ngày 1/7 tới khó có thể trở thành hiện thực.

EU cho rằng sẽ không thể có thỏa thuận thương mại với Anh nếu Thủ tướng Anh B. Johnson không chấp nhận hiệp định tự do thương mại dựa trên nguyên tắc “sân chơi bình đẳng”. Thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel mô tả một viễn cảnh rằng, Anh sẽ có mối quan hệ kinh tế yếu hơn với EU do Brexit. Đáp lại, Thủ tướng Anh B. Johnson cho rằng, Anh sẵn sàng cắt đứt quan hệ với EU và “thiết lập quan hệ theo các điều kiện như Australia nếu thỏa thuận không thể đạt được”. “Các điều kiện như Australia” ở đây chính là việc  Australia không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU. Hiện nay, tất cả các giao dịch thương mại giữa EU và Australia đều tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngoại trừ một số thỏa thuận đặc biệt đối với một số hàng hóa nhất định.

Một trong những điểm đáng chú ý trong các cuộc đàm phán gần đây là hai bên đều thống nhất sẽ không gia hạn thời kỳ chuyển đổi hậu Brexit mà giữ nguyên theo dự kiến là sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020. Điều này có nghĩa là các công ty của Anh chỉ còn vài tháng để chuẩn bị cho những điều kiện hoạt động thương mại nghiêm ngặt hơn với EU. Trong khi đó, nếu EU không đưa ra được quy định “sân chơi bình đẳng” - một trong những nội dung còn vướng mắc với Anh thì khả năng các công ty của EU có nguy cơ rơi vào tình trạng cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp Anh.

Brexit đang ở chặng đua nước rút cuối cùng, dù các bên khẳng định sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng nguy cơ Brexit không thỏa thuận đang lớn dần.


Nguyên Minh
Ý kiến của bạn