Điều này đã chứng minh rằng Anh Đức đang được coi là người hùng thầm lặng của đội tuyển Việt Nam chẳng hề sai chút nào.
Anh Đức thầm lặng góp công cho chiến thắng của ĐT.
13 năm sau cái ngày Anh Đức và các đồng đội cúi đầu rời SEA Games 2005 tại Bacolod, tiền đạo này đã có khúc “vĩ thanh” trên sân Panaad với bàn thắng mở tỷ số vào lưới ĐT Philippines. Đấy không phải là bàn thắng kiểu “siêu phẩm” hay “kinh điển”, bởi cú đánh đầu của Anh Đức được thực hiện ở tư thế rướn người. Tuy nhiên, đấy là một bàn thắng vô cùng quan trọng vì đã giúp ĐT Việt Nam mở “nút thắt” của trận đấu. Nhắc đến những cú rướn thì phải nhắc đến pha “rướn lịch sử” của Anh Đức đưa bóng đập xà ngang, trước khi Văn Toàn băng vào đá bồi ở phút 108, giúp Olympic Việt Nam đánh bại Olympic Syria để lọt vào bán kết ASIAD 2018. Ở tuổi 33, Anh Đức từng bị chê “nên về dưỡng lão”. Nhưng cho đến thời điểm này, những cú rướn như tuổi thanh xuân của Đức “Eto’o” lại đang là thứ vũ khí lợi hại của HLV Park Hang Seo. Trên con đường trở lại ĐT Việt Nam, người ta luôn nhắc đến HLV Mai Đức Chung như một người bố của Anh Đức vì chính ông là người thuyết phục tiền đạo này bỏ ý định chia tay màu áo tuyển. Đúng vậy, Anh Đức từng thổ lộ rằng, anh nợ “bố Chung” lời cảm ơn. Cách tốt nhất chính là chơi thật tốt để không phụ niềm tin ấy. Thêm nữa, Anh Đức cũng xác định, ở tuổi 33, anh muốn làm cái gì đó trong màu áo ĐTQG sau từng ấy năm ẩn mình so với các đồng đội. Phải, ở thế hệ sinh năm 1985 cùng Anh Đức, có rất nhiều người đã thành danh và từng đoạt chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 như Quang Hải, Thanh Bình, Công Vinh, Việt Cường, Vũ Phong... Khi mà các đồng đội đã giải nghệ, thì Anh Đức vẫn “cày cuốc” ở mọi giải đấu như lời anh nói. Năm 2017, Anh Đức còn làm nên điều kỳ diệu khi giành danh hiệu Vua phá lưới V.League với 17 bàn thắng. Thành tích đáng tự hào này đã giúp Anh Đức lật đổ sự thống trị trong 15 mùa giải liên tiếp của các chân sút ngoại (không tính Samson, cầu thủ Nigeria nhập tịch, đoạt danh hiệu các mùa 2013 và 2014). Anh Đức đã là tượng đài, là huyền thoại của Bình Dương bởi anh là người con của đất Thủ góp mặt trong 4 chức vô địch V.League vào các năm 2007, 2008, 2014 và 2015. Ấy vậy mà ở ĐTQG, Anh Đức chưa bao giờ là ngôi sao hàng đầu. Thậm chí, anh chỉ là sự lựa chọn số 3 dù rằng có nhiều thời điểm đang đạt phong độ đỉnh cao. Điển hình nhất là năm 2015, cái năm mà Anh Đức giành Quả bóng Vàng Việt Nam, vẫn có những lời chê bai tiền đạo này không xứng đáng vì ở cấp độ ĐTQG, sự cống hiến gần như là con số 0.
Cho đến bây giờ, Anh Đức vẫn mang theo câu chuyện ấy trong hành trang gắn bó với ĐTQG để cố gắng và cũng là cách anh muốn cho nhiều người thấy giá trị của một Quả bóng vàng. Đồng thời, anh chứng minh việc vắng mặt ở những lần trước đây là có lý do chứ không phải như những lời thêu dệt thoái thác nhiệm vụ ở ĐTQG. Anh Đức đã là huyền thoại và anh sẽ trở thành “huyền thoại của mọi huyền thoại” của bóng đá Bình Dương nếu như ĐT Việt Nam có được một cái đẹp như 10 năm về trước trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Anh Đức có niềm tin, các đồng đội của anh có niềm tin và HLV Park Hang Seo có niềm tin. Những niềm tin ấy đang tạo thành một sức mạnh để đi xuyên qua mọi khó khăn và thử thách.