Anh: Con thuyền Brexit mất phương hướng

14-03-2019 10:37 | Quốc tế

SKĐS - Hành trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh trở nên ngày càng trắc trở, khó đoán định khi “người thuyền trưởng” lèo lái con thuyền nước Anh không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Anh.

Anh chưa tìm thấy lựa chọn cho mình

Đây có lẽ là thời điểm “sóng to gió lớn” nhất đối với Chính phủ Anh khi lại một lần nữa, các nghị sĩ Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit với số phiếu áp đảo. Đây là thỏa thuận mà  Anh đã đàm phán lại với EU nhưng theo nguồn tin từ Chính phủ, Thủ tướng May đã không có được những thay đổi cần thiết nhằm giành được sự ủng hộ của Quốc hội vì các nhà đàm phán EU đã không nhượng bộ.

Lần thứ 2, các nghị sĩ Quốc hội Anh nói “không” với các đề xuất của Thủ tướng Theresa May đưa ra để đưa nước Anh rời khỏi EU. Những người phản đối Thỏa thuận Brexit cho rằng các nhượng bộ từ phía châu Âu vẫn không làm thay đổi nguy cơ khiến Anh bị ràng buộc vô thời hạn vào EU thông qua kế hoạch dự phòng về biên giới Ireland.

Trước khi cuộc bỏ phiếu hôm 12/3 diễn ra, Thủ tướng May đã cảnh báo, nếu dự thảo lần này không được thông qua, “nước Anh có thể không bao giờ rời khỏi EU”.  Nói là một chuyện nhưng mọi sự đã diễn ra không như ý của “chủ nhân ngôi nhà Số 10 Downing”,  trong khi thời điểm nước Anh phải rời khỏi EU (ngày 29/3) đang ngày càng ngắn dần, thì các nghị sĩ Anh không tìm  được tiếng nói chung.  Họ muốn có một thỏa thuận để tránh một “cú sốc” cho nước Anh, tuy nhiên lại không đồng tình với bản thỏa thuận do Thủ tướng May  đàm phán có được.

nước AnhAnh chưa tìm được đường đi cho Brexit

Ngày 13/3, lại một cuộc bỏ phiếu nữa diễn ra tại Hạ viện Anh, xem xét khả năng Anh có thể rời đi mà không có thỏa thuận hay không. Nếu các nghị sĩ đồng ý phương án ra đi “tay trắng”, kịch bản đổ vỡ sẽ xảy ra, nước Anh sẽ rời khỏi EU đúng vào ngày 29/3 mà không có thỏa thuận. Một sự hỗn loạn sẽ diễn ra trên diện rộng từ  gián đoạn nguồn cung, thị trường, đến  khan hiếm lương thực, thuốc men. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là các nghị sĩ bỏ phiếu chống, một cuộc bỏ phiếu khác sẽ diễn ra trong ngày 14/3  về việc trì hoãn thực thi tiến trình Brexit vào ngày 29/3.

Nếu các nghị sĩ Anh đi đến thống nhất trì hoãn Brexit, Chính phủ của Thủ tướng May sẽ phải đề xuất với EU về gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon. Nếu điều này xảy ra, nước Anh sẽ rơi vào tình trạng “rối như tơ vò” bởi tiến trình Brexit sẽ kéo dài và vô cùng phức tạp. Ở kịch bản này, có tới 7 khả năng, trong đó có khả năng đàm phán lại với EU, trưng cầu dân ý lại, hay cả khả năng không có tiến trình Brexit nào hoặc bầu cử trước hạn.

Nước Anh đang đứng trước nhiều lựa chọn tuy nhiên bối cảnh hiện nay khiến cho  tương lai của Anh  trở nên vô định hơn bao giờ hết.

nước AnhThủ tướng T.May đối mặt với nhiều sức ép từ Quốc hội.

Sức ép lên Thủ tướng nước Anh

Trước những diễn biến phức tạp trên chính trường nước Anh, và những kết quả “không mong đợi”, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đang đối mặt với sức ép rất lớn, đó là sức ép từ chức. Cựu Bộ trưởng Giáo dục Nicky Morgan cho rằng thất bại tại cuộc bỏ phiếu này  thì "sẽ rất khó để Thủ tướng tiếp tục ở lại văn phòng dài lâu".   Lãnh đạo Công đảng đối lập  Jeremy Corbyne còn cho rằng,  Thủ tướng May nên kêu gọi mở một cuộc tổng tuyển cử.

Hai lần Hạ viện đã bác bỏ đề xuất của Chính phủ đương nhiệm tại  Anh là một việc chưa từng có tiền lệ với Thủ tướng Anh, tuy nhiên điều này đã xảy ra và dễ được chấp nhận trong bối cảnh nước Anh hiện nay. Điều này đã gây sức ép lên bản thân Thủ tướng trong khi đó ở EU, bà cũng chịu nhiều áp lực không nhỏ.

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cho biết khối này đã làm tất cả những gì có thể để giúp thỏa thuận được thông qua, và “thật khó để xem chúng ta có thể làm gì hơn”. Kể cả Anh muốn trì hoãn Brexit thì  cũng cần phải được sự đồng ý  của 27 thành viên còn lại của EU. Vấn đề các nhà lãnh đạo EU lo ngại là Anh muốn kéo dài thời gian thêm bao lâu và  liệu có thêm thời gian có thay đổi được tình hình hiện nay hay chỉ là những tranh cãi “không hồi kết”. Cho đến khi EU biết được Anh thực sự muốn gì và nếu đàm phán sẽ có hiệu quả đến đâu , EU mới tính đến các bước tiếp theo .


Hải Yến
Ý kiến của bạn