Theo tờ The Telegraph, quyết định của Anh không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công Kursk xuất phát từ lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột.
Một nguồn tin từ London cho biết chính phủ Anh kiên định với lập trường không thay đổi về việc sử dụng tên lửa Storm Shadow, loại tên lửa có tầm bắn lên đến 550 km. Hiện tại, Anh chỉ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa này để tấn công Crimea và các khu vực khác mà Kiev tuyên bố chủ quyền, nhưng nghiêm cấm việc tấn công lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận.
Việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow không chỉ phụ thuộc vào quyết định của London, vì loại tên lửa này được sản xuất cùng với Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Ukraine có thể tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, nhưng chỉ những nơi mà Nga đã tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh, John Healey, tuyên bố Ukraine có thể sử dụng vũ khí mà Anh cung cấp để tự vệ và không ngăn cản Kiev tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, nhưng các hành động của Ukraine phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Tuy nhiên, thông tin này dường như mâu thuẫn với tuyên bố của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky vào tháng 7 rằng, ông đã nhận được sự cho phép từ Anh để tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa Storm Shadow.
Video Su-24 Ukraine phóng tên lửa Storm Shadow. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine)
Trong khi Ukraine bị hạn chế sử dụng tên lửa Storm Shadow, vào tháng 5, Mỹ đã cho phép sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, khả năng tấn công của Ukraine vẫn bị giới hạn trong phạm vi khoảng 100 km, khiến một số mục tiêu quan trọng nằm ngoài tầm với của Kiev.
Ngày 6/8, Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công lớn vào khu vực Kursk, đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất vào khu vực biên giới của Nga kể từ khi xung đột bắt đầu.
Moscow đã cáo buộc Kiev tấn công bừa bãi vào dân thường, gây ra nhiều thương vong. Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tấn công này đã bị đẩy lùi, với tổn thất của Ukraine ước tính lên tới 1.600 binh sĩ và 200 xe bọc thép.