Anh: Biến chủng Delta khiến kế hoạch mở cửa trở lại bị trì hoãn

16-06-2021 18:02 | Quốc tế

SKĐS - Các quan chức y tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng biến chủng Delta đe dọa sẽ đảo ngược tiến trình đạt được ở các quốc gia, như Mỹ và Anh. Biến chủng này đã làm tình hình dịch bệnh COVID-19 trở nên tồi tệ hơn ở các nước, như Ấn Độ. Anh đã phải trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại của mình.

Đại dịch đang khiến các nước trên thế giới đứng trước một “cuộc chạy đua” giữa các biến thể, trong đó biến thể xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ mang tên Delta hay B.1.617.2. Đây là chủng đáng lo ngại nhất trong các biến thể mới xuất hiện.

Các quan chức y tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng biến chủng Delta đe dọa sẽ đảo ngược tiến trình đạt được ở các quốc gia, như Mỹ và Anh. Biến chủng này đã làm tình hình dịch bệnh COVID-19 trở nên  tồi tệ hơn ở các nước, như Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Delta có khả năng lây truyền trong các hộ gia đình cao hơn ít nhất 60% so với chủng Alpha, biến thể xuất hiện lần đầu ở Anh.

Tại Mỹ, biến thể Delta hiện chiếm khoảng 6% tổng số trường hợp, theo Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm. Những con số này có khả năng tăng cao hơn. Điều đáng mừng là vắc xin ngừa COVID-19 có khả năng ngăn ngừa bệnh do biến thể Delta gây ra.

Tiêm vắc xin- cách tốt nhất để chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh

Mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson ra quyết định hoãn kế hoạch gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 tại Anh thêm 4 tuần trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm tăng mạnh tại nhiều vùng ở Anh.

Trước đó, theo kế hoạch từ tháng 2, Anh sẽ bỏ hầu hết các hạn chế COVID-19 còn lại từ ngày 21/6, đồng nghĩa với việc các quán rượu, nhà hàng, câu lạc bộ đêm và các địa điểm tiếp khách khác có thể mở cửa trở lại hoàn toàn.

Theo quyết định mới nhất, kế hoạch gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch tại Anh sẽ được hoãn đến ngày 19/7.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Johnson cho biết: “Tôi nghĩ sẽ là hợp lý nếu chờ đợi thêm một thời gian ngắn nữa”.  “Mọi thứ vẫn ổn, theo những bằng chứng mà tôi thấy hiện giờ. Tôi tin rằng chúng ta sẽ không cần nhiều hơn 4 tuần”, Thủ tướng Boris Johnson nói.

Theo dữ liệu mới từ Bộ Y tế Anh, nước ngày đã ghi nhận hơn 42.000 ca nhiễm biến thể Delta, tăng 240% so với tuần trước. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh tại Anh đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1. 

Người dân xếp hàng tới các trung tâm tiêm chủng

Hiện tại, hơn 70 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm tại Anh và khoảng 80% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Tuy nhiên, theo  báo cáo công bố vào cuối tháng 5 của Bộ Y tế Anh, vắc xin COVID-19 của Pfizer và AstraZeneca chỉ cho hiệu quả phòng ngừa 33% đối với biến chủng Delta sau mũi tiêm đầu tiên. Dữ liệu mới công bố ngày 14/6 cho thấy hiệu quả tăng lên đáng kể với biến thể này sau khi tiêm mũi thứ hai. 

Thủ tướng Boris Johnson cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến số ca nhiễm tăng khoảng 64% mỗi tuần và tại một số vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, số ca nhiễm tăng gấp đôi mỗi tuần. Số người trung bình phải nhập viện tại Anh cũng đã tăng 50% trong tuần qua. Tại vùng Đông Bắc, con số này lên tới 61% và con số này sẽ ngày càng tăng trong những ngày tới”.

Theo ông Boris Johnson, quyết định trì hoãn kế hoạch gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch tại Anh là “một lựa chọn khó khăn” nhưng ông tin nó sẽ cứu sống hàng nghìn người. Thủ tướng Anh Boris Johnson tin  rằng việc trì hoãn 4 tuần sẽ giúp các cơ sở y tế của nước này có thêm thời gian quý giá để chuẩn bị, đồng thời đẩy mạnh được chiến dịch tiêm chủng, trong đó đặc biệt quan trọng là việc tiêm mũi hai cho các công dân trên 40 tuổi và mũi đầu tiên cho một bộ phận giới trẻ hiện chưa chấp nhận tiêm chủng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Anh đã tiêm chủng đầy đủ cho 44,6% dân số (so với tỷ lệ 43,4% tại Mỹ). Tuy nhiên, sự lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ đã khiến số ca nhiễm mới tiếp tục tăng.

Thứ trưởng Y tế Edward Argar cho biết, đang có mối lo ngại ngày càng tăng về các ca nhiễm biến thể Delta và các ca phải nhập viện  bắt đầu tăng trở lại. Theo ông, biến thể mới này có khả năng lây nhiễm cao hơn 40% so với biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện tại Anh.

Hầu hết những ca nghiêm trọng là những người chưa được tiêm vắc xin hoặc mới chỉ tiêm một mũi, ông Edward Argar cho biết. Ông nói với tốc độ tiêm chủng hiện nay, trong vòng 4 tuần, hệ thống y tế sẽ có thể theo dõi và tiêm thêm được gần 10 triệu mũi tiêm thứ hai nữa, nhằm tăng mức độ bảo vệ cho người dân trước COVID-19.

Tính đến nay, biến thể Delta được xác định lần đầu ở Ấn Độ, đã được phát hiện ở 74 quốc gia và tiếp tục lây lan nhanh chóng.

Delta được cho là biến thể lây nhiễm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch cho đến nay. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy, Delta có thể gây suy giảm thính lực, rối loạn dạ dày, đông máu gây hoại tử, những triệu chứng không thường thấy trước đây.

Để đối phó với sự lan rộng của biến thể Delta đang hoành hành tại  Anh, các quốc gia châu Âu khác đã áp dụng các hạn chế đi lại bổ sung đối với du khách đến từ quốc gia này.

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn