Hà Nội

Anh Ba Đợi - Bản anh hùng ca về âm nhạc tài tử

25-05-2018 14:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Long An, vở cải lương Thầy Ba Đợi mừng 100 năm sân khấu Cải lương Việt Nam sẽ được công diễn tại Hà Nội vào ngày 27-28/5.

Trước khi xem vở cải lương hoành tráng tại sân khấu Nhà hát Bến Thành tối 28/4/2018 vừa qua, tôi đã tiếp cận kịch bản Anh Ba Đợi của nhà thơ Nguyến Thế Kỷ. Kịch bản văn học bằng thơ 8 cảnh, khá dài nhưng có sức lôi cuốn, nên tôi đã đọc một mạch. Càng đọc tôi càng khâm phục về ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ phương Nam của tác giả, dù ông là người xứ Nghệ, thứ đến là nghệ thuật cấu trúc kịch bản, sự sắp xếp màn lớp và xây dựng hệ thống nhân vật đều hợp lý, chỉ còn một chút băn khoăn là thời lượng quá dài và đôi chỗ còn hơi kịch nói. Vì vậy mà tôi hồi hộp chờ đợi sự giải mã của người chuyển thể Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng và người sáng tạo thứ hai là đạo diễn Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo.

Đêm diễn bắt đầu sau lời giới thiệu rất trang nghiêm của NSND Hoàng Mai, âm nhạc cải lương tấu lên, dẫn dắt người xem dõi theo cuộc đời Anh Ba Đợi, từ cảnh nghĩa trang, nơi mộ phần của ông Ba Đợi trông thật đìu hiu buồn thảm như mộ Đạm Tiên, được diễn tả qua tiếng đàn và lời kể của người giữ mộ đã thấy xót thương cho một người tài hoa, nhưng bạc mệnh như nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Anh Ba Đợi) giàu lòng yêu nước và yêu âm nhạc dân tộc, vì vậy mà bị giặc Pháp truy lùng.

Một cảnh trong vở Anh Ba Đợi.

Một cảnh trong vở Anh Ba Đợi.

Lớp một như “khai từ” rồi chuyển sang đại cảnh kết hợp ánh sáng led tả cảnh vua Hàm Nghi đi đày trên con tàu buôn ở bến cảng Sài Gòn. Ở lớp này, nghệ sĩ Nguyễn Thành diễn vai Vua Hàm Nghi khá hay, kể cả vai Người dân yêu nước dám lên án chủ nghĩa thực dân Pháp nên bị tên lãnh binh nổ súng sát hại, xung đột kịch lên tới đỉnh điểm. Tiếp theo là cảnh nghĩa địa, ông Tư làm nghề đào huyệt và giữ mộ hai người dân tới. Họ nói chuyện với ông Tư về cảnh nghèo khổ. Đoạn này chưa có kịch nhưng các diễn viên đã cố gắng thể hiện bằng những câu hát cải lương để dẫn dắt vào những lớp gây cấn như Ba Đợi bị truy lùng, may nhờ có Ái Hoa, con gái Tổng đốc Đại Phong cho nấp vào xe ái nữ con quan được phủ kín. Xung đột kịch phát triển cao từ đây. Ái Hoa cứu được người nhạc sĩ tài ba và giàu lòng yêu nước, rồi đem giấu trong tư dinh của viên Tổng đốc trung thành với mẫu quốc. Ba Đợi đóng vai thầy đàn mang tên là Danh Nam, rồi mở lớp dạy nhạc ngay trong dinh Tổng đốc Đại Phong. Tình yêu giữa Ba Đợi và Ái Hoa bắt đầu nảy nở, tài tử giai nhân đang mặn nồng thì bị bại lộ, khi Tổng đốc Nguyễn Phúc Châu ở tỉnh khác cùng con trai là Công Tử Hiến, gã thanh niên xấu tính ghé thăm Tổng đốc Phong. Công tử Hiến cậy thế cha cứ ngang tàng đòi cưới Ái Hoa, nếu không thuận lời thì sẽ bắt thầy đàn Danh Nam (Ba Đợi)… Lớp tuồng này có tính hấp dẫn cao, bởi nhiều yếu tố gây cấn, xung đột tư tưởng được các nghệ sĩ thể hiện sinh động, hấp dẫn và cao điểm của kịch tính là Ái Hoa đòi tự vẫn nếu phải làm vợ công tử Hiến ngông cuồng nhưng cuối cùng phải buông xuôi số phận để cứu thầy đàn Ba Đợi… Lớp kịch tưởng chừng như ít kịch, nhưng các nghệ sĩ ưu tú Quế Trân (vai Ái Hoa) và nghệ sĩ Võ Minh Lâm (vai công tử Hiến) diễn tốt và hát hay nên cuốn hút người xem dù thời lượng gần nửa tiếng đồng hồ.

Cuộc chia ly đầy nước mắt của Ba Đợi và Ái Hoa cũng được các nghệ sĩ thể hiện thật xúc động bằng lối diễn xuất dung dị có chiều sâu và hát hay. Góp phần thành công vở tuồng này là NSND Vương Hà trong vai vợ Tổng đốc Phong thể hiện rõ nét phong cách một phụ nữ quý tộc gốc Huế. Ở lớp tuồng này sân khấu như trùm trong “cung oán” gây xúc động mạnh trong người xem. Tiếp theo là cảnh Ba Đợi ở làng quê cùng với người vợ hiền Sáu Loan tiếp tục mở lớp dạy đàn, học trò ngày càng đông, nhưng cuộc sống vẫn không buông tha người thầy đàn nghèo khổ, nợ nần chồng chất. Chủ nợ là mụ Chín Hảo đến gặp Ba Đợi không chỉ đòi nợ mà còn đại náo đòi tình… Lớp hài kịch hấp dẫn, bởi tài nghệ của NSƯT Quỳnh Hương, cô diễn gần giống như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo trong tuồng cổ, vừa múa, vừa hát, vừa nói, vừa lăn lộn trong cơn điên ái tình…  Có thể nói ấn tượng mạnh nhất ở lớp tuồng này là cảnh phục hiện công tử Hiến làm nhục Ái Hoa và Ái Hoa đâm công tử Hiến rồi tự sát. Hàng loạt, chuỗi hành động bằng hát, bằng múa, tạo nên một lớp tuồng vừa bi, vừa hài, bộc lộ tài nghệ của hai nghệ sĩ đầy tiềm năng là Quế Trân và Võ Minh Lâm. Khán giả vỗ tay tán thưởng liên tục. Thế mới biết, đã là cải lương “thứ thiệt” thì bao giờ cũng được người xem nhiệt liệt đón chào. Góp phần thành công của vở diễn là họa sĩ Doãn Bằng đã thiết kế sân khấu theo phong cách ước lệ, cách điệu truyền thống lấy cảm hứng từ cây đàn Nguyệt. Trong khi đó, nhạc sĩ Trọng Đài khéo kết hợp giữa âm nhạc cải lương và sáng tác mới. Xúc động nhất là NSƯT Mai Hoa đã hát rất hay bài thơ Gập ghềnh ngũ cung (ca khúc chủ đề của vở diễn). Câu dân ca hoa xoan tím ngõ/ Những màn xướng hương khói ẩn hiện chốn cung đình vọng tiếng nhạc ngân Đinh - Lý - Trần - Lê - Nguyễn những say mê/ Điệu ngũ cung máu nhuộm trời chiều/ Đường thiên lý hoa tàn trăng khuyết/ Nước non ngàn dặm ra đi/ Đất phương Nam biển rộng sông dài/Triệu triệu phù sa châu thổ bồi đắp/ Những đêm trăng câu ca lay động/ Trương Định, Đốc binh kiều ngạo nghễ/ Kinh hồn nghịch tặc, máu đỏ tướng quân/ Chấn hưng văn hiến, vun nhạc lễ/ Hồn cốt cha ông mãi lưu truyền.

Để tả cho hết cảnh bão tố cuộc đời và nỗi đau của Ái Hoa, ở chỗ này đạo diễn đã sử dụng tới yếu tố điện ảnh và kỹ thuật 3D với tiếng đàn violon da diết như nói hộ tâm trạng của nhân vật Ba Đợi. Dù liên tiếp xảy ra những cảnh bão tố đau thương, nhưng thầy Ba Đợi vẫn cố duy trì việc truyền dạy âm nhạc của cha ông cho thế hệ trẻ. Cảnh rất đông học trò say sưa học nhạc đã nói lên điều đó và cũng là điểm nhấn chủ đề vở diễn.

Để thể hiện tầm tư tưởng yêu nước, yêu nhạc dân tộc của nhạc sư Nguyễn Quang Đợi, tác giả đã viết tiếp một lớp kịch tại Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn. Một cuộc họp kín, do ông Gibert Chiếu chủ trì, gồm nhiều nhân vật có tư tưởng tiến bộ bảo vệ văn hóa dân tộc, có mời ông Ba Đợi tới dự. Ở lớp này, đạo diễn đã cho một cuộc hòa tấu nhạc bài Bình bán ở góc sân khấu để quán xuyến chủ đề âm nhạc tài tử cải lương.

Một hình tượng mang ý nghĩa biểu trưng “Âm nhạc còn thì dân tộc còn” là cảnh phục hiện Ái Hoa trên màn hình cùng tiếng violon da diết đã có hiệu ứng tốt, không làm mất đi phong cách cải lương truyền thống mà còn đem tới khán giả một nét mới mà cải lương được phép thực nghiệm theo tiêu chí “cải cách cả theo chế độ lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Tiếp theo là tiếng hát Ru con của một thiếu phụ diễn tả tâm trạng nhân vật Ba Đợi trong những giờ phút tàn tạ của cuộc đời. Tay ông ôm chiếc đàn thân thương, miệng ông lớn tiếng kêu gọi: “Âm nhạc là hồn cốt của cha ông không vì tiền mà làm sao mua được...”. Vợ chồng ông cùng hát bài Tứ đại oán bày tỏ tư tưởng với ước nguyện của mình tới thế hệ mai sau bao quanh ông là các học trò trung thành với vị tổ sư của mình. Thật là xúc động!

Ông Ba Đợi không thể sống thêm được nữa! Cuối cùng ông đã ngồi yên tắt thở, nhưng trên tay vẫn ôm chặt cây đàn như một biểu tượng về sức sống của âm nhạc dân tộc... Sân khấu trở lại cảnh ở nghĩa trang hoang vắng, chỉ có ông Tư và một người dân kể chuyện về nhạc sư Nguyễn Quang Đợi… Hồn ma ông Ba Đợi xuất hiện NSƯT Xuân Vinh đóng cùng nói chuyện với ông Ba Đợi là Tư và người học trò, nhưng họ không thể đến gần nhau được vì đây là cõi tâm linh. Đây cũng là thông điệp cuối cùng về sự bất tử, của quốc nhạc Việt Nam. Ở chỗ này nếu diễn tĩnh như kịch nói thì không hay lắm, dễ chùn kịch. Theo tôi, lớp này, nếu tiếp thu vận dụng cách diễn “chụp hồn ma” trong lớp tuồng “Hoàng Phi Hổ nằm miếu” của Đào Tấn thì hay hơn, gây hiệu ứng cao hơn trong kết thúc vở diễn. Đây chỉ là gợi ý của người làm nghệ thuật Tuồng.

Trong thời điểm nghệ thuật cải lương đang khủng hoảng khán giả, gần như hầu hết các rạp biểu diễn cải lương đều tối đèn, như quan sát của chúng tôi, cũng như các nhà nghiên cứu đều có nhận định gần giống nhau tại hội thảo: Nhìn lại một thế kỷ phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) - vấn đề và giải pháp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28/4/2018 thì ngay tối hôm đó tại Nhà hát Bến Thành công diễn vở cải lương Anh Ba Đợi được hàng ngàn người hưởng ứng, hoan nghênh. Điều đó phần nào đã chứng minh ý kiến không phải cải lương chết, mà cải lương không có kịch bản hay, không có đạo diễn giỏi và không có diễn viên thực tài như ngày xưa. Nhớ lại thời hoàng kim của cải lương, hầu hết các đoàn hát đều có kịch bản hay và diễn viên giỏi, mà người xem gọi là “ngôi sao cải lương”.

Vở cải lương Anh Ba Đợi đã nói lên được một vấn đề lớn là Bảo tồn Di sản Âm nhạc Quốc gia dân tộc. Đó là Bản anh hùng ca về một con người, về di sản nghệ thuật dân tộc, thông qua một nhạc sư yêu nước Nguyễn Quang Đợi (Anh Ba Đợi), vị hậu tổ của nghệ thuật cải lương. Một công trình nghệ thuật được đầu tư lớn như vậy, dĩ nhiên sẽ được đông đảo cán bộ và nhân dân nồng nhiệt đón chào và nó sẽ không phải là tác phẩm nghệ thuật cúng cụ, nhân Kỷ niệm 100 năm Nghệ thuật cải lương ra đời, mà nó sẽ sống mãi với thời gian và nghệ thật cải lương là mãi mãi.

Hà Nội, 1/5/2018


GS. Hoàng Chương (TGĐ Trung tâm NCBT & PHVHDTVN)
Ý kiến của bạn