Ðằng sau việc xử phạt “Căn hộ số 69”

10-09-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hành trên mạng Youtube, nhà sản xuất phim sitcom gắn mác “18+” Căn hộ số 69 mới đây đã bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL quyết định xử phạt

Sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hành trên mạng Youtube, nhà sản xuất phim sitcom gắn mác “18 ” Căn hộ số 69 mới đây đã bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL quyết định xử phạt 10 triệu đồng bởi có hành vi vi phạm Nghị định 158 của Chính phủ.

Vi phạm phát hành

Tháng 6 năm nay, Căn hộ số 69 được đưa lên Youtube, sau khi xem xong, cư dân mạng đã “bình loạn” và phản ánh bộ phim này có nội dung nhảm nhí, cảnh diễn viên lúc ăn mặc hở hang thiếu vải, khi lại có những hành động phản cảm, lời thoại thô tục... không đúng truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Xem Căn hộ số 69, ai cũng đều thấy có nhiều cảnh quay rất nhạy cảm như việc chàng trai “tự sướng” trên ghế sofa, thậm chí có hành động tương tự ngay ở khu vực công cộng là bến xe bus. Hoặc phim này còn có hình ảnh cô gái ăn chuối, song góc quay chủ ý miêu tả tính “gợi dục”, rồi cảnh cô gái vô tư khoe áo ngực sau khi thốt lên: “Nóng thế này thì làm sao mà con phát triển được, phải cởi ra”... Chỉ cần chừng đó chi tiết cũng đủ thấy Căn hộ số 69 “phản nhân văn” đến mức nào.

Một cảnh phản cảm trong phim Căn hộ số 69.

Một cảnh phản cảm trong phim Căn hộ số 69.

Và dĩ nhiên, một bộ phim có nội dung và hình ảnh thiếu tính nghệ thuật như Căn hộ số 69 khi đến tai cơ quan quản lý văn hóa, sẽ không thể ngang nhiên tồn tại hoặc phát triển. Cục Điện ảnh kết hợp Thanh tra Bộ VH-TT&DL lập tức vào cuộc và Căn hộ số 69 đã bị “tuýt còi”. Bước đầu, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu nhà sản xuất dừng phát hành các tập phim tiếp theo của Căn hộ số 69 (vì ê-kíp làm phim cho biết Căn hộ số 69 có 25 tập và sẽ “tung” dần các tập tiếp theo lên Youtube - PV).

Cuối cùng, sau hai tháng “cân - đo - đong - đếm”, ngày 4/9, ê-kíp làm phim Căn hộ số 69, cụ thể là ông Nguyễn Thành Nam (Nam Cito) - nhà sản xuất đã bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL xử phạt hành chính ở mức cao nhất là 10 triệu đồng do vi phạm quy định “chiếu phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng” tại Khoản 3 Điều 6 thuộc Nghị định 158/NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Nhưng điều này trái với suy nghĩ chủ quan của công chúng bởi Căn hộ số 69 bị “tuýt còi” vì phổ biến phim khi chưa được phép chứ không phải do nội dung phản cảm, nhảm nhí!?

Phảng phất dư âm

Việc Thanh tra Bộ VH-TT&DL có quyết định xử phạt đối với nhà sản xuất Căn hộ số 69 dù với điều khoản nào, miễn đúng luật đều đáng mừng. Vì đó sẽ là “đòn đánh phủ đầu” nhằm ngăn chặn mọi sự cố, tranh luận không đáng có tương tự như Căn hộ số 69 từng gây ra trên khắp mặt báo, diễn đàn mạng xã hội. Một mặt chúng ta ngăn chặn kịp thời việc “tự tung tự tác” của những cá nhân, tổ chức đã làm ra sản phẩm điện ảnh. Chúng ta sẽ đưa mọi thứ vào khuôn khổ, khi muốn phát hành, trình chiếu sản phẩm điện ảnh ở bất kỳ đâu cũng phải tuân theo quy định: qua kiểm duyệt và chỉ được cấp phép phát hành nếu đạt tiêu chí cơ quan quản lý văn hóa đặt ra.

Quan trọng hơn, việc xử phạt Căn hộ số 69 là lời cảnh tỉnh cho những ê-kíp làm phim đã, đang có ý định lợi dụng thị hiếu của đông đảo khán giả để xây dựng nội dung phim với những cảnh hở hang, câu nói tục tĩu... nhằm mục đích gây cười (đôi khi gượng ép) để câu khách. Một tác phẩm điện ảnh chỉ thật sự được người xem đón nhận khi truyền tải được thông điệp, tư tưởng, giá trị nhân văn, nhân rộng cái đẹp, lên án cái xấu, mang tính chất dự báo để đẩy lùi những hiểm họa hoặc tiếp thêm sức mạnh, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước... Ngược lại, Căn hộ số 69 vô tư phát hành trên mạng, thậm chí nhiều bộ phim tư nhân làm theo kiểu thị trường đã “lọt kiểm duyệt” từng được công chiếu ở các rạp lớn nhỏ ở nước ta, chỉ với mục đích giải trí thì khó được đón nhận mà chỉ được quan tâm. Quan tâm ở đây đâu phải vì cái hay mà toàn là... cái dở.

Tuy nhiên, từ những sự việc như Căn hộ số 69, lộ ra điều đáng tiếc, đó là Luật Điện ảnh hiện nay của chúng ta chưa có quy định rõ ràng về việc phát hành phim trên mạng, nên vô hình trung gây khó khăn trong việc “thổi còi”. Theo ông Đỗ Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, trong Luật Điện ảnh Việt Nam hiện tại, các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim phải thông qua hãng phim có tư cách pháp nhân, tức là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp. Trường hợp phim muốn phổ biến ở đâu (kể cả trên mạng internet) đều phải được Hội đồng thẩm định phim xét duyệt và tư vấn để Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến phim.

Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, nhà nhà, người người “lướt web” như hiện nay, vốn đa số “cư dân mạng” lướt web chỉ để giải trí (xem phim, ảnh và sử dụng mạng xã hội là chính) nhưng chúng ta “chưa có quy định rõ ràng” về việc phát hành phim trên mạng, e rằng còn nhiều điều để nói. Những bộ phim có nội dung nhạy cảm sẽ tìm mọi cách để “lách luật”, né tránh cơ quan kiểm duyệt để tung lên mạng. Trường hợp có “căn hộ số n” nào đó xuất hiện trên mạng ở tương lai, chúng ta lại phải mất khoảng thời gian khá dài để khống chế, xử phạt!

Quỳnh Phạm

 


Ý kiến của bạn