1. Vai trò của carbohydrate trong chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là một tình trạng chuyển hóa ảnh hưởng đến cách cơ thể sản xuất hoặc sử dụng insulin, gây khó khăn cho việc duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Điều này rất quan trọng đối với sức khỏe của những người mắc bệnh đái tháo đường.
Ăn thực phẩm giàu chất xơ và chất dinh dưỡng nhưng ít chất béo không lành mạnh và đường có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định, cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Khi kiểm soát lượng đường trong máu, điều quan trọng là phải kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào, vì carbohydrate ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu.
Một trong những mục đích chính của carbohydrate là cung cấp nhiên liệu cho cơ thể. Các loại carbohydrate chính là đường, tinh bột và chất xơ.
Hầu hết carbohydrate bị phân hủy hoặc chuyển hóa thành glucose, có thể được sử dụng làm năng lượng. Carbohydrate cũng có thể được chuyển thành chất béo (năng lượng dự trữ) để sử dụng sau này.
Tất cả các loại carbohydrate đều ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, vì vậy điều quan trọng là bạn phải biết loại thực phẩm nào chứa carbohydrate, loại thực phẩm nào có chứa carbohydrate lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ.
- Carbohydrate lành mạnh (carbs toàn phần) được chế biến tối thiểu và chứa chất xơ tự nhiên, trong khi carbohydrate tinh chế đã được chế biến nhiều hơn và đã loại bỏ hoặc thay đổi chất xơ tự nhiên.
- Carbohydrate toàn phần bao gồm: rau, trái cây, lúa mạch, cây họ đậu, khoai tây, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch…
- Carbohydrate tinh chế bao gồm: đồ uống có đường, bánh mì trắng, gạo trắng, bánh ngọt, nước ngọt, đồ ăn nhẹ, mì ống, đồ ngọt, ngũ cốc ăn sáng và đường bổ sung…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ carbohydrate tinh chế có liên quan đến các tình trạng sức khỏe như béo phì và đái tháo đường loại 2. Carbohydrate tinh chế có xu hướng gây tăng đột biến lượng đường trong máu. Chúng cũng thường thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết hay nói cách khác, chúng là calo "rỗng".
Yến mạch là loại carbohydrate lành mạnh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và là một thực phẩm tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường, miễn là ăn đúng cách.
2. Ưu điểm của yến mạch đối với bệnh đái tháo đường
Theo BS. Vũ Ngọc Hà, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và làm việc.
Người bệnh nên dùng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nhiều chất xơ. Chỉ số đường huyết của thực phẩm là khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn của thực phẩm đó. Không ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết cao đơn độc mà cần phối hợp với thực phẩm chỉ số đường huyết thấp hoặc rất thấp. GI thấp là < 55%. Rất thấp là < 40%.
Nghiên cứu cho thấy, ăn yến mạch có thể giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường vì nó có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, nhờ hàm lượng chất xơ cao và chỉ số đường huyết thấp (< 55).
Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp giúp giữ lượng đường trong máu ổn định. Những thực phẩm này thường sẽ không làm tăng lượng đường trong máu quá nhanh như thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
Yến mạch có lợi cho tim do hàm lượng chất xơ hòa tan và thực tế là nó có thể làm giảm cholesterol. Do đó có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch, điều này rất quan trọng vì những người mắc bệnh đái tháo đường dễ mắc bệnh tim.
Ăn yến mạch thay cho các món ăn sáng giàu carbohydrate khác có thể làm giảm nhu cầu tiêm insulin. Hàm lượng chất xơ cao trong yến mạch cũng giúp người bệnh cảm thấy no lâu hơn và giúp kiểm soát cân nặng.
3. Người bệnh đái tháo đường nên ăn yến mạch như thế nào?
Yến mạch là thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường nhất là khi sử dụng nó để thay thế các bữa sáng giàu carbohydrate, nhiều đường khác.
Tuy nhiên, nếu người bệnh chọn bột yến mạch đóng gói sẵn hoặc bột yến mạch ăn liền có thêm đường và muối hoặc ăn quá nhiều cùng một lúc lại có thể làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, cần lưu ý:
- Chọn yến mạch loại già hoặc đã được cắt thép, đây là dạng hạt yến mạch ít được chế biến nhất. Những loại này chứa một lượng chất xơ hòa tan cao hơn, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn và được chế biến tối thiểu để làm chậm quá trình tiêu hóa.
- Dùng yến mạch với sữa hoặc nước ít béo.
- Thêm các loại hạt, trứng, bơ hoặc quả mọng để bổ sung chất béo lành mạnh và chất chống oxy hóa.
- Trộn với sữa chua Hy Lạp hoặc sữa chua không đường để tăng protein, canxi và vitamin D.
Lưu ý:
- Không sử dụng bột yến mạch đóng gói sẵn hoặc bột yến mạch ăn liền có thêm chất làm ngọt, bột yến mạch ăn liền có thêm đường và muối.
- Không sử dụng kem.
- Không thêm quá nhiều trái cây khô hoặc chất tạo ngọt, kể cả chất ngọt tự nhiên như mật ong.
Xem thêm video đang được quan tâm
WHO cảnh báo các nước không nên xem nhẹ Covid-19