Nguyên nhân nào dẫn đến ăn uống vô độ, không kiểm soát hoặc chán ăn
Ăn uống vô độ, không kiểm soát hoặc thấy chán ăn là rối loạn ăn uống. Đây là tình trạng nghiêm trọng có liên quan hành vi ăn uống, cùng với việc lo lắng quá mức về trọng lượng cơ thể, làm suy giảm sức khỏe thể chất hoặc chức năng tâm lý xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có yếu tố gene. Theo nghiên cứu, có khoảng 50% nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống. Yếu tố sinh học đóng một vai trò đáng kể trong sự thèm ăn và điều chỉnh tâm trạng.
Thông thường chúng ta thấy rối loạn ăn uống có yếu tố tâm lý. Trong đó cầu toàn, bốc đồng, thích sự mới lạ, ám ảnh cưỡng chế, tránh tác hại và loạn thần kinh... là những đặc điểm tính cách phổ biến liên quan đến chứng rối loạn ăn uống.
Người ta còn ghi nhận sự xáo trộn sớm trong quá trình phát triển thời thơ ấu như bị lạm dụng tình dục, gây nguy cơ đáng kể trong việc phát triển chứng rối loạn ăn uống. Ngoài ra, các yếu tố văn hóa xã hội, văn hóa ưa thích gầy, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, coi trọng thân hình mảnh mai của phụ nữ cũng ảnh hưởng tới chứng rối loạn ăn uống.
Các biểu hiện của rối loạn ăn uống
Ai cũng có thể mắc rối loạn ăn uống, ở mọi lứa tuổi và cả nam lẫn nữ đều có thể mắc. Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống khoảng 1/8 thanh niên ở độ tuổi 20. Tại Mỹ có khoảng 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn ăn uống mỗi năm. Nhiều báo cáo cho thấy ở thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ là những đối tượng hay gặp phải chứng bệnh này. Có nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó người ta phân chia ra rối loạn thức ăn như sau:
- Chứng chán ăn tâm thần
Đây là một rối loạn dễ gặp hiện nay, các biểu hiện thường gặp là người bệnh cực kỳ nhẹ cân; sợ tăng cân; cảm thấy cơ thể bị bóp méo. Tuy nhiên, nhiều người lại phủ nhận rằng mình đang thiếu cân và không ăn để tránh tăng cân, mặc dù nhẹ cân. Và một điều dễ nhận thấy là người bệnh lại cực kỳ bận tâm về thức ăn và cân nặng.
- Chứng háu ăn tâm thần
Khi mắc chứng bệnh này, người bệnh ăn một lượng thực phẩm đáng kể trong một thời gian ngắn và mất kiểm soát khi ăn uống vô độ. Hành vi bù đắp để ngăn ngừa tăng cân như ép buộc nôn mửa, sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, hạn chế ăn uống hoặc tập thể dục quá mức; sợ tăng cân mặc dù cân nặng ở mức bình thường.
- Chứng ăn uống vô độ
Ở thể này người bệnh ăn một lượng thực phẩm đáng kể trong một thời gian ngắn và mất kiểm soát khi ăn uống vô độ. Người bệnh cảm thấy tội lỗi khi ăn uống vô độ, nhưng không có hành vi bù đắp để ngăn ngừa tăng cân.
Ngoài các loại rối loạn trên còn có một số rối loạn ăn uống khác như: Rối loạn hấp thu thực phẩm do hạn chế; Hội chứng ăn bậy; Rối loạn nhai lại…
Nếu mắc hội chứng rối loạn ăn uống không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể đối mặt với các nguy cơ biến chứng như: Biến chứng nhịp tim chậm, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, tràn dịch màng ngoài tim, suy tim, xơ hóa cơ tim và phù phổi. Người bệnh có thể sẽ bị thiếu máu, suy giảm khả năng miễn dịch, suy giảm nhận thức với trí nhớ và suy giảm khả năng tập trung.
Về lâu dài sẽ đối mặt với tăng trưởng và phát triển có thể bị chậm lại ở người trẻ tuổi. Nếu phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống mà mang thai, tỷ lệ tai biến sản khoa sẽ càng cao. Và rất có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm với ý nghĩ tự tử…
Chẩn đoán rối loạn ăn uống và điều trị
Sau khi khám lâm sàng, ngoài những biểu hiện thói quen ăn uống, nhận thức về hình ảnh cơ thể, trọng lượng cơ thể thực tế, trọng lượng cơ thể mà người bệnh mong muốn, sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc ăn kiêng, thuốc lợi tiểu hoặc thuốc gây nôn, tiền sử kinh nguyệt… bác sĩ sẽ đưa ra những nhận định ban đầu. Ngoài ra, bác sĩ còn khai thác tiền sử dùng thuốc, tiền sử gia đình… bác sĩ sẽ khám toàn diện, kiểm tra tâm thần, trạng thái tâm thần… Bên cạnh đó, có thể có chỉ định làm một số xét nhiệm như: Xét nghiệm công thức máu, điện giải đồ, xét nghiệm chức năng thận và gan, canxi, magie, photphat, cholesterol, lipid, amylase, chức năng tuyến giáp, phân tích nước tiểu, điện tâm đồ, X quang ngực… để xem xét đánh giá tổng thể hiện trạng sức khỏe.
Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp. Trong đó thường thấy điều trị tâm lý, được áp dụng cho tất cả các chứng rối loạn ăn uống.
Ở một số trường hợp có thể được chỉ định dùng thuốc (loại thuốc duy nhất được FDA chấp thuận) hoặc thuốc chống trầm cảm nếu là trường hợp có chứng trầm cảm nặng cùng tồn tại.
Lời khuyên thầy thuốc
Ở mỗi trường hợp khác nhau thì tiên lượng khi bị rối loạn ăn uống rất khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào việc phát hiện sớm hay muộn khi bị rối loạn ăn uống.
Điều cần lưu ý, sau khi bệnh nhân khỏi chứng rối loạn ăn uống, nếu người bệnh tăng cân, có thể sẽ gặp phải tình trạng lo âu, các triệu chứng trầm cảm sẽ quay trở lại và bỏ chương trình điều trị. Chính vì vậy, rất cần sự động viên của người thân, sự hỗ trợ từ liệu pháp tâm lý, giúp duy trì sự thuyên giảm của bệnh.
Khi một người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống, điều quan trọng là phải gần gũi người bệnh, nhất là gia đình, người thân, bạn bè. Gia đình cần giúp người bệnh trong quá trình điều trị, quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch bữa ăn hoặc thiết lập giới hạn, việc này đặc biệt hữu ích trong quản lý trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-