Dưới đây là lời khuyên của PGS. TS. Nguyễn Xuân Ninh – nguyên Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam.
Nhiều người tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 sẽ gặp phản ứng mạnh hơn khi tiêm mũi 1 do cơ thể đã có kháng thể.
Những phản ứng này chủ yếu là đau mỏi người, có thể có sốt. Vì vậy, không cần quá lo lắng khi gặp những phản ứng này.
Chú ý nghỉ ngơi, uống nhiều nước hoa quả, Oresol (2-3 lít/ngày), ăn đồ mềm lỏng, sữa cháo tùy thích. Nếu sốt cao 39 độ hoặc đau đầu thì uống hạ sốt.
Dinh dưỡng trước và sau khi tiêm vaccine mũi 2 cũng không có gì khác biệt so với tiêm vaccine mũi 1. Bạn cần chú ý thực hiện một số điều sau:
Ăn uống trước khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 2
Không cần phải chuẩn bị thực phẩm quá cầu kỳ, bạn vẫn ăn uống như ngày thường nhưng chỉ cần lưu ý thêm một số điểm:
- Không nhịn đói khi đi tiêm vaccine. Khi đói cộng thêm việc lo lắng có thể khiến cho bạn cảm thấy cồn cào, buồn nôn, tăng nhịp tim... Vì vậy, nên ăn nhẹ trước khi tiêm như hoa quả, bánh ngọt...
- Không để khát nước, khô miệng trước khi tiêm vaccine. Nên mang theo 1 chai nước (500-700ml), có thể là nước hoa quả pha loãng, uống ít một trong khi chờ đợi tiêm, hoặc trong 30 phút chờ khi theo dõi.
- Không nên uống đồ uống có chất kích thích như: rượu bia, trà đặc, cà phê trước và sau khi tiêm. Các đồ uống này có thể tác động tới thần kinh, làm tăng nhịp tim, huyết áp, tăng mức độ căng thẳng và có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch của vaccine.
Ăn uống sau khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 2
- Nếu sau khi tiêm không gặp các dấu hiệu bất thường, chúng ta vẫn duy trì chế độ ăn như hằng ngày.
- Đối với những người có dấu hiệu đau đầu, đau cơ bắp, sốt, mệt mỏi... sau tiêm, cần chú ý thêm uống nhiều nước, uống 2-3 lít/ngày gồm nước oresol, nước hoa quả, nước canh... Không cần uống hết 1 lúc mà uống lượng nước đều trong ngày.
- Nếu sốt cao 39 độ hoặc đau đầu thì uống hạ sốt.
- Ăn các món nhiều nước, dễ tiêu như: cháo, súp, mỳ, phở... Hoa quả chín rất tốt cho việc bù nước, hạ sốt.
- Nên ăn hoa quả tăng quả chín nhiều hơn ngày thường tùy theo sở thích như: cam, xoài, chuối, đu đủ...
- Bạn cũng có thể dùng nước gừng, nước sả, chanh, tỏi... do tinh dầu của chúng có tính kháng khuẩn, để súc họng hoặc xông mũi họng vài lần trong ngày, nhưng chúng cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ.
- Bạn có thể dùng thêm một số loại thuốc bổ nhưng lưu ý, dùng đúng liều hướng dẫn, không phải uống càng nhiều càng tốt. Một só loại thuốc bổ: viên đa vitamin/ vitamin C; viên khoáng chất canxi, vitamin D, kẽm, magiê; viên omega 3-6, giúp tăng cường miễn dịch và chuyển hóa.
Một chế độ ăn cân đối, đủ các chất dinh dưỡng (đạm, béo, bột đường, vitamin và chất khoáng) là cơ sở cho một cơ thể, một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Không có 1 loại thức ăn, một loại thực phẩm nào có thể thay thế được.