Nếu dinh dưỡng tốt thì sẽ giúp cho việc điều trị mang lại hiệu quả và người bệnh mau chóng hồi phục, rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí điều trị. Vai trò to lớn của dinh dưỡng trong việc điều trị bệnh đã được danh y Hippocrates kết luận rằng để phòng ngừa và điều trị một số bệnh ta chỉ cần áp dụng những chế độ ăn uống cân bằng hợp lý và sống hài hòa với thiên nhiên. Như vậy, trong việc điều trị bệnh thì ngoài các phương tiện điều trị như: thuốc, vật lý liệu pháp, tâm lý liệu pháp thì rất cần phải có sự phối hợp với ăn uống dinh dưỡng mới mang lại hiệu quả cao.
1. Ăn uống để phát triển cơ thể
Chúng ta rất cần nhiều năng lượng, các chất khoáng, các vitamin… để phát triển tế bào và phát triển cơ thể. Nhất là ở cơ thể trẻ em, nếu chế độ dinh dưỡng tốt phù hợp thì cơ thể sẽ phát triển nhanh cả về thể chất lẫn tinh thần còn nếu chế độ dinh dưỡng không tốt, không phù hợp thì trẻ sẽ bị chậm phát triển. Đối với phụ nữ có thai thì vai trò dinh dưỡng càng trở nên bức thiết hơn vì ngoài mục đích đảm bảo sức khỏe, người mẹ còn rất cần các chất dinh dưỡng để phát triển bào thai.
2. Ăn uống tốt nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật
Cơ thể chỉ thật sự khỏe mạnh khi có được hàng rào bảo vệ tốt, tức là có được hệ thống phòng chống các loại tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể mà muốn có được hệ thống phòng vệ tốt thì không gì khác ngoài chế độ dinh dưỡng thật tốt và phù hợp. Điều đó đã được thể hiện rất rõ nét trên những trẻ em bị suy dinh dưỡng thì nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp và bệnh tiêu chảy cao hơn rất nhiều so với những trẻ bình thường.
3. Vai trò của ăn uống với lao động
Khi có được chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý thì chẳng những giúp chúng ta giữ gìn sức khỏe mà còn giúp cho chúng ta nâng cao năng suất lao động, cả trong lao động trí óc lẫn lao động chân tay. Do đó, trong lao động sản xuất nếu khẩu phần ăn không đầy đủ, không phù hợp thì sức lao động của con người sẽ bị giảm và dẫn đến giảm hiệu suất, hiệu quả, giảm năng suất.
4. Chế độ dinh dưỡng với vai trò trong việc phòng và điều trị bệnh
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày nếu hợp lý sẽ góp phần rất lớn trong việc phòng ngừa một số bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, mạch vành hay chế độ ăn hạn chế muối, giảm năng lượng và rượu có thể làm giảm huyết áp ở phần lớn đối tượng có tăng huyết áp nhẹ.
Gần đây, các nhà khoa học đã xác định được mối liên quan giữa bệnh mạch vành với số lượng cholesterol toàn phần trong máu mà thành phần chính là các axít béo no mà loại axít béo này có nhiều trong chất béo động vật. Do đó, một chế độ ăn giảm chất béo động vật, tăng dầu thực vật, bớt ăn thịt, tăng ăn cá là có lợi cho người có rối loạn chuyển hóa cholesterol.
Và càng ngày càng khẳng định được vai trò của dinh dưỡng đối với các bệnh về dinh dưỡng như: suy dinh dưỡng, bướu cổ do thiếu iốt, thiếu máu do thiếu sắt...
5. Chế độ dinh dưỡng giúp hồi phục cơ thể
Trong những trường hợp như: chấn thương phần mềm, gãy xương, cơ thể suy nhược sau sốt rét, sau mổ… nếu có chế độ ăn hợp lý thì sẽ giúp cho việc lành bệnh và phục hồi cơ thể xảy ra nhanh hơn.
Chế độ ăn không chỉ làm tăng sức chống đỡ của cơ thể đối với bệnh tật mà còn có tác động ngược lại, tức là nó làm cho sức chống đỡ cửa cơ thể bị suy giảm từ đó dẫn đến rất dễ bị bệnh. Ngoài ra, việc phải thường xuyên chuyển chế độ ăn này sang chế độ ăn khác sẽ gây ra sự xáo trộn cơ thể và làm giảm phản ứng của cơ thể đối với bệnh tật.
Nếu quá chú trọng đến việc tăng cường chất dinh dưỡng hàng ngày sẽ dễ dẫn đến sử dụng chất dinh dưỡng không đúng như: quá dư, quá thiếu cân đối. Khi sử dụng chế độ dinh dưỡng không đúng rất dễ có nguy cơ đưa tới một số bệnh tật như:
- Khi thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ chậm phát triển, trí nhớ kém, sức đề kháng với bệnh tật giảm, cơ thể suy nhược và đưa tới giảm tuổi thọ.
- Nếu dư thừa chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến các bệnh như: bệnh tim, ung thư, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, xơ gan.
- Chế độ dinh dưỡng thừa mà lại thiếu vận động thể lực thì rất dễ dẫn đến nhiều ảnh hưởng không tốt khác cho sức khỏe trong đó nhiều nhất và thường gặp nhất là các bệnh về chuyển hóa và tim mạch.
Dinh dưỡng không đúng cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển thể chất và tinh thần của các thế hệ con cháu mai sau.
BS. HỒ VĂN CƯNG