Hà Nội

Ăn uống thế nào khi bị mề đay?

26-02-2020 06:03 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Tại nước ta, vào những thời điểm từ tháng 5 - 8 hằng năm là một trong những thời điểm mà các bệnh ngoài da bùng phát nhiều nhất.

Thời tiết oi bức kéo theo nhiều bệnh ngoài da, trong đó có nổi mề đay vào mùa hè. Tình trạng này có thể gặp phải ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp tình trạng mề đay không tiến triển nặng hơn, giảm thiểu nguy cơ bùng phát mề đay do dị ứng thực phẩm.

Khi thời tiết thay đổi thường kéo theo một loạt các vấn đề về miễn dịch, nhất là ở trẻ nhỏ, phụ nữ, người cao tuổi. Khi bước vào mùa hè, nắng nóng và nền nhiệt cao sẽ khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, hoạt động trao đổi chất kém đi, hệ miễn dịch cũng suy yếu, không còn khỏe mạnh như trước; đặc biệt hệ miễn dịch và hàng rào bảo vệ da, vốn tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố ngoài môi trường. Đây là thời điểm làn da của bạn rất dễ bị tấn công từ các yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, nấm và các yếu tố có hại khác.

Dinh dưỡng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra mề đay vào mùa hè, tuy nhiên có thể kết hợp cùng yếu tố thời tiết tạo ra những đợt bùng phát mề đay. Đặc biệt là khi sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm cay nóng, các chất béo, chất đạm, các thực phẩm quá ngọt, nhiều năng lượng.

Đây là những thực phẩm có thể khiến cho cơ thể tăng sinh nhiệt, tăng các chất dư thừa, khiến cho cơ thể cũng phải tăng cường giải độc từ gan, thận. Việc này có thể khiến cho gan hoặc thận trở nên quá tải, ảnh hưởng đến việc chuyển hóa các chất, từ đó gây nóng trong người, kéo theo các bệnh ngoài da như mụn nhọt, mẩn ngứa, mề đay.

Dị ứng thức ăn: hải sản, nhộng, lạc, trứng, sữa... là nhóm dị ứng thường gặp nhất có thể gặp ở bất cứ ai.

Dị ứng thức ăn: hải sản, nhộng, lạc, trứng, sữa... là nhóm dị ứng thường gặp nhất có thể gặp ở bất cứ ai.

Những thực phẩm cần kiêng kỵ

Khi đang nổi mề đay, cần giảm ăn đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn (dị ứng). Còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên.

Kiêng những thức ăn gây kích thích như rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu, ớt.

Kiêng những thức ăn có nhiều đạm như tôm, cua, cá, ghẹ, mực, bò, gà, đồ hộp, lạp xưởng, sô cô la, trứng, sữa... Hải sản là nhóm thực phẩm dễ khiến nhiều người gặp phải tình trạng dị ứng mẫn cảm nhất, do trong nhóm thực phẩm này có thành phần chủ yếu là các loại protein parvalbumin có thể gây phản ứng với những người nhạy cảm gây nên tình trạng dị ứng nổi mẩn ngứa. Khi bị dị ứng hải sản không chỉ biểu hiện nổi mề đay ngứa ra bên ngoài cơ thể mà chúng còn gây dị ứng bên trong đường tiêu hóa, gây phản ứng toàn thân có thể gây sốc phản vệ và vô cùng nguy hiểm.

Với trẻ em, cần ăn giảm đường, sữa bò đặc, lòng trắng trứng...

Nguyên tắc dinh dưỡng khi bị mề đay

Đối với bệnh mề đay, đặc biệt là mề đay mạn tính, các phản ứng bất lợi liên quan đến thức ăn và chế độ dinh dưỡng chiếm một vai trò đáng kể. Mỗi trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mề đay đều có sự mẫn cảm với các loại thức ăn khác nhau. Để có thể biết chính xác bệnh nhân đó mẫn cảm với thực phẩm nào cần dựa vào tiền sử dị ứng và một số xét nghiệm tìm dị ứng nguyên. Nếu bạn không chắc chắn mình có dị ứng, nổi mề đay với các loại thực phẩm này hay không thì tốt nhất nên hạn chế ăn chúng.

Nguyên tắc dinh dưỡng đối với người bị mề đay, nhất là mề đay mạn tính cần chú ý:

- Tránh các thực phẩm mà cơ thể có tiền sử dị ứng.

- Tránh các thực phẩm có thể thúc đẩy dị ứng IgE.

- Tránh các thực phẩm mà cơ thể không có khả năng dung nạp hoặc dung nạp kém (điển hình như dung nạp kém lactose do thiếu enzym phân giải trong sữa).

Đi tìm giải pháp

Nếu biết mình bị dị ứng thực phẩm, mỗi khi ăn phải coi kỹ trong thực phẩm có chất nào làm cho mình bị dị ứng không.

Nhớ lại những món ăn mình sử dụng trong thời gian gần nhất để tìm xem nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ đâu để loại bỏ thức ăn này là khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày của mình. Sau khi điều trị khỏi, nếu bạn vẫn chưa rõ dị ứng với loại thức ăn nào, cần ăn thử từng món để xem có dị ứng hay không. Ví dụ, một ngày ăn toàn thịt gà (không ăn món nào khác), nếu bị dị ứng thì xác định nguyên nhân do thịt gà gây nên.

Người bị dị ứng thực phẩm, nổi mề đay thường xuyên nên lập bảng theo dõi các thực phẩm sử dụng trong vòng 7 ngày gần nhất, đặc biệt là người bị mề đay dị ứng nặng, có tiền sử sốc phản vệ khi phát mề đay dị ứng. Cách theo dõi này giúp bác sĩ có thể xác định nhanh dị ứng nguyên và can thiệp sớm nếu bạn không may bùng phát dị ứng mề đay trở lại.

Đối với các loại thức ăn lạ, tốt nhất nên cẩn thận. Đặc biệt là các món thập cẩm, các loại sốt, nước chấm hỗn hợp. Các loại thực phẩm này do được chế biến từ rất nhiều thành phần nên dễ gây dị ứng nếu người sử dụng không biết chúng có các thành phần thực phẩm gây dị ứng với mình.

Không nên gãi khi bị mề đay: Khi bị mề đay mẩn ngứa, gãi có thể giúp bạn giảm ngứa tạm thời nhưng lại ảnh hưởng xấu đến làn da vì khiến cho vùng da bị mề đay dễ lan rộng, kèm theo tình trạng tổn thương, xây xát da, dễ dẫn đến viêm nhiễm nặng hơn.

Nên thường xuyên rèn luyện, cân bằng chế độ dinh dưỡng, làm việc và nghỉ ngơi một cách khoa học để hệ miễn dịch của bạn được cải thiện tốt hơn. Nói không với thuốc lá và các chất kích thích để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hệ miễn dịch của bạn.


BS. Lê Thùy Phương
Ý kiến của bạn