Ấn tượng về Khoa Tiêu hóa BV Hữu nghị

20-05-2016 10:10 | Y tế
google news

SKĐS - Mới đây, sau khi ăn rau bắp cải luộc còn tồn dư hóa chất bảo quản thực vật, tôi bị ngộ độc. Dù đã nôn khá nhiều cho hết, nhưng chứng rối loạn tiêu hóa vẫn hoành hành làm cho tôi cảm thấy rất mệt, huyết áp kẹt...

Mới đây, sau khi ăn rau bắp cải luộc còn tồn dư hóa chất bảo quản thực vật, tôi bị ngộ độc. Dù đã nôn khá nhiều cho hết, nhưng chứng rối loạn tiêu hóa vẫn hoành hành làm cho tôi cảm thấy rất mệt, huyết áp kẹt... Gia đình phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị. Tại đây, tôi được các BS và điều dưỡng khẩn trương khám và kiểm tra cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp Xquang, siêu âm ổ bụng... và truyền dịch để bù phụ nước, điện giải, rồi đưa tới Khoa Tiêu hóa để điều trị nội trú.

BS. Sự trực tiếp điều trị cùng chị Thủy - Điều dưỡng trưởng của Khoa Tiêu hóa đã có mặt, thu xếp giường và thăm khám, chỉ định chế độ theo dõi sát sao, dù khi đó đã gần 6 giờ chiều (sau hỏi lại, được biết các anh, chị vừa tiếp đoàn kiểm tra, dù hết giờ làm việc từ lâu, nhưng vẫn ở lại vì có bệnh nhân vào cấp cứu). Với phong cách cởi mở ân cần, các anh chị hỏi han về hoàn cảnh ngộ độc, diễn biến trước khi đến bệnh viện với sự chia sẻ, động viên thật chân tình làm cho tôi rất cảm động và yên tâm.

Chăm sóc bệnh nhân nặng. Ảnh: Trần Minh

Từ đó, từ sáng trước giờ giao ban hàng ngày của khoa, BS. Sự luôn dành thời gian để thăm các bệnh nhân. Gặp tôi, với gương mặt và nụ cười dễ gần, anh hỏi cặn kẽ về sức khỏe của tôi, giải thích tỉ mỉ về tác dụng các loại thuốc mà tôi được dùng... Các điều dưỡng viên đều đặn hằng sáng vào đo huyết áp, ghi theo dõi giấc ngủ, ăn uống và tình hình sức khỏe của bệnh nhân, rồi chỉ định người phụ trách từng công việc. Tất cả những điều đó được ghi lại trên các bảng biểu và lồng trong tấm bảng được treo ở đầu mỗi giường bệnh nhân để bất kì ai muốn biết đều được đáp ứng, rất minh bạch, theo đúng quy chế của ngành y. Trước khi truyền dịch, sau nụ cười thân thiện và thăm hỏi, các nữ điều dưỡng viên làn nào cũng nhẹ nhàng đưa ra những lời nhắn nhủ thân tình: “Bác cố gắng chịu đau một chút để chúng cháu truyền dịch nhé”.  Các chị hộ lý khi vào làm vệ sinh hoặc đưa quần áo cho bệnh nhân thay đổi, lần nào cũng cất lời chào và hỏi thăm như người trong gia đình, làm cho bênh  nhân cảm thấy nhẹ bớt cảm giác nằm viện, thiếu vắng tình cảm của những người thân. BSCKII Trưởng khoa Đinh Quý Minh đã đến khám và chỉ định làm thủ thuật soi dạ dày và đại tràng cho tôi với lời giải thích để việc chẩn đoán và điều trị toàn diện, là dịp tổng kiểm tra cơ quan tiêu hóa của tôi, có hướng chăm sóc sức khỏe lâu dài. Để chuẩn bị cho việc soi dạ dày và đại tràng, các anh chị đã đưa cho tôi các gói thuốc xổ kèm theo một bảng hướng dẫn cụ thể cách dùng. Theo hướng dẫn đó, tôi đã uống 3 lít nước lọc pha thuốc xổ trong 48 giờ để làm thật sạch đường ruột. Thú thật trong lòng vẫn lo lắng, không biết việc soi đó có đau quá sức chịu đựng của mình hay không. Liệu có xảy ra sự cố gì khi soi hay không. Nhưng vào buổi sáng hôm soi dạ dày và đại tràng, những điều âu lo của tôi đã được giải tỏa, bởi BS. Minh Trưởng khoa và cộng sự của anh đã thao tác thật nhẹ nhàng, chuẩn xác, cảm giác đau của bệnh nhân khi soi chỉ thoáng qua và mọi sự đã diễn ra êm đẹp. Trở lại buồng bệnh, tôi cảm thấy thật sự an lòng. Một buổi chiều, tôi được báo chuyển buồng vì có một chị mới vào viện cần chỗ nằm, tôi nảy ra ý nghĩ xin về nhà, bèn bước ra, rất may trên hành lang của khoa gặp BS. Minh và BS. Sự đang đi buồng thăm bệnh nhân, sau khi nghe nguyện vọng của tôi, hai anh bảo tôi cứ về buồng, sau sẽ trả lời. Ít phút sau, BS. Sự quay lại gặp tôi và nói là “bác cứ yên tâm nằm ở đây, vì khoa đã thu xếp có giường cho bệnh nhân nữ mới vào rồi. Bác cần ít nhất một tuần nữa mới kết thúc đợt điều trị rồi mới tính đến chuyện xuất viện”. Hàng ngày, sau khi truyền dịch xong, nằm nghỉ một lúc, tôi tập đi lại dọc theo hành lang của khoa nhiều lần, phần tránh sự trì trệ để lưu thông tuần hoàn, phần để có dịp giao lưu hỏi chuyện với các bệnh nhân. Ngày nào cũng như ngày nào, các chị y công luôn chân luôn tay lau chùi từng căn phòng bệnh nhân lẫn hành lang của khoa và các nơi làm việc, nên nền nhà lúc nào cũng sạch bóng như thể soi gương được. Khung cảnh Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị đã tạo nên hình ảnh gần gũi, ấm áp tình người đối với người bệnh, một guồng máy được vận hành nhịp nhàng và hiệu quả, luôn được người bệnh ghi nhận và ghi lại những dòng cảm tưởng tốt đẹp trên cuốn sổ ghi nhận xét của bệnh nhân dành cho Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị.

Buổi sáng ra viện còn in lại trong tâm trí tôi những ấn tượng khó quên về BS Trưởng khoa Đinh Quý Minh – người có đôi bàn tay vàng – theo cảm nhận của nhiều người bệnh đối với anh, về BS. Sự và các thầy thuốc khác của khoa dầy tâm huyết với công việc, với đội ngũ điều dưỡng thành thạo trong các thao tác và sự ân cần khi chăm sóc bệnh nhân dưới sự điều hành của chị Thủy - Điều dưỡng trưởng của khoa, các chị y công có trách nhiệm cao trong công tác và lịch duyệt trong giao tiếp.

Khoa Tiêu hóa là một nét son, góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp rực rỡ của Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới - Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội.


BS. Lâm Đức Hùng
Ý kiến của bạn