Ấn tượng Thầu Chín ở Xiêm

20-01-2017 09:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian trước, trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều tác phẩm điện ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được công chiếu khắp cả nước.

Thời gian trước, trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều tác phẩm điện ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được công chiếu khắp cả nước. Trong đó, Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) kể về quãng thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Thái Lan (1928 đến tháng 9/1929) đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào hầu hết các loại hình nghệ thuật như sân khấu, âm nhạc, hội họa, điện ảnh... và tất cả đều để lại dấu ấn khó phai với người thưởng thức. Bộ phim Thầu Chín ở Xiêm là một trong những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, góp phần tôn vinh và khẳng định tầm vóc của Người trong con đường hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước. Với những nỗ lực hết mình, ê-kíp làm phim Thầu Chín ở Xiêm đã đem đến cho công chúng trong và ngoài nước những thước phim xúc động, lắng đọng và chân thực nhất về Nguyễn Ái Quốc khi Người hoạt động tại Xiêm (Thái Lan) trong khoảng thời gian 1928 -1929.

Phim Thầu Chín ở Xiêm được xây dựng từ kịch bản cùng tên của nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc và kịch bản này đã đoạt giải thưởng Cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phim được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thực hiện theo thể loại phim tài liệu lịch sử hư cấu. Các chi tiết đều có thật, được chắp nối lại. Các nhân vật quan trọng trong phim đều theo nguyên mẫu ngoài đời, có lai lịch cụ thể, như nhà hoạt động cách mạng Đặng Thúc Hứa, vợ chồng bà Đặng Quỳnh Anh (o Nho)...Một cảnh trong phim Thầu Chín ở Xiêm.

Một cảnh trong phim Thầu Chín ở Xiêm.

Điểm nhấn tạo nên sự thành công của Thầu Chín ở Xiêm chính là tái hiện, khắc họa được hình ảnh Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Thái Lan. Vai chính Thầu Chín (biệt danh của Bác Hồ khi hoạt động ở Xiêm) trong phim được diễn viên trẻ Nguyễn Mạnh Trường đảm nhận. Với sự nhập vai, tìm hiểu kỹ những tư liệu lịch sử, Nguyễn Mạnh Trường đã làm nổi bật được hình ảnh về Bác trên màn ảnh với sự can trường, mạnh mẽ, nghị lực nhưng cũng đầy tình nhân ái, tình yêu thương. Bộn bề giữa những khó khăn của buổi đầu tuyên truyền, thành lập từ những tổ chức nhỏ lẻ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội - tạo tiền đề cơ sở cho ra đời tổ chức Đảng sau này, nhân vật Thầu Chín trên màn ảnh là một thanh niên với gương mặt sáng, ánh mắt mạnh mẽ, ngời sáng lý tưởng và những nỗi thương nhớ quê nhà khôn nguôi trong trái tim. Qua diễn xuất của Nguyễn Mạnh Trường, khán giả còn thấy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với những phẩm chất của một người hoạt động cách mạng chân chính. Người tham gia dựng chùa, làm ruộng, quét đường... như một dân làng bình dị; Người tuyên truyền về sự gắn kết của tình đồng bào, đồng chí không chỉ bằng lời nói mà bằng việc đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với anh em, đồng chí. Khoảng thời gian hoạt động cách mạng tại Xiêm, Người còn dạy dân chúng cách mưu sinh, trồng cây nuôi cá, mở mang dân trí cho bà con Việt kiều, qua đó truyền ngọn lửa cách mạng đến những người yêu nước.

Bên cạnh đó, bộ phim của đạo diễn Đinh Tuấn Dũng còn tái hiện được cộng đồng người Việt từ bậc trưởng làng đến các lão nông, thanh niên, phụ nữ có chung nét hồn hậu, chân chất với tấm lòng hướng về cố quốc. Trong khi đó, những tên mật thám, những kẻ truy lùng Nguyễn Ái Quốc là sự ngây ngô, tên thì nham hiểm làm cho mối xung đột, kịch tính của phim được đẩy cao. Bối cảnh chính của phim được quay chủ yếu ở Thái Lan và nhiều địa điểm khác tại Việt Nam như Trà Vinh, Nghệ An, Thái Bình... Điểm nổi bật nữa của Thầu Chín ở Xiêm còn là phục trang, đạo cụ... chân thực như trong khoảng thời gian lịch sử mà Người hoạt động ở Thái Lan. Khác với nhiều tác phẩm điện ảnh về đề tài cách mạng, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Thầu Chín ở Xiêm chọn một cách tiếp cận giản dị khi không có các đại cảnh hoành tráng hay hành động, phim chọn cách thể hiện thiên về cảm xúc, khai thác ở góc độ tính cách, con người của Bác với người dân, với quê hương để mang đến cảm nhận xúc động cho khán giả.

Dù khoảng thời gian ở Thái Lan không nhiều, nhưng Bác Hồ đã để lại những dấu ấn đậm nét với cộng đồng Việt kiều và người dân bản xứ, được người dân che chở trước sự truy lùng của mật thám Pháp... Quan trọng hơn cả, giai đoạn Người hoạt động ở Thái Lan là bước đệm quan trọng trước khi Người chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng - một dấu mốc trong lịch sử dân tộc.

Theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Thầu Chín ở Xiêm với nội dung và cách thể hiện khá chân thật, đã gây được thiện cảm cho người xem. Ê-kip làm phim bằng những sáng tạo và nỗ lực của mình đã thể hiện bộ phim khá sinh động, đủ sức gây được ấn tượng và có sự lôi cuốn nhất định. Trong khi đó, dịp công chiếu phục vụ kiều bào Việt ở Thái Lan khi Thầu Chín ở Xiêm mới ra mắt, nhiều khán giả ở Thái Lan đánh giá, bộ phim đã đáp ứng tâm tư, tình cảm, lòng kính yêu vô bờ của kiều bào dành cho Bác. Qua bộ phim này, bà con Việt Kiều tự nhủ phải đoàn kết hơn và luôn hướng về Tổ quốc mến yêu.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn