Ấn tượng Ðiện Biên Phủ trong phim quốc tế

06-05-2016 16:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Việt Nam từ lâu cũng trở thành đề tài cho các nghệ sĩ quốc tế thể hiện, trong đó tiêu biểu là lĩnh vực điện ảnh.

Kinh điển Việt Nam của R. Karmen

Nhắc tới các bộ phim do quốc tế thực hiện về chiến thắng Điện Biên Phủ, công chúng nhớ ngay đến bộ phim tài liệu màu Việt Nam của cố đạo diễn Ronan Karmen (Liên Xô cũ) làm trong hai năm 1954-1955. Được phát hành năm 1955, bộ phim của R.Karmen đã kịp thời đưa hình ảnh về cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam đến đông đảo người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Cảnh trong phim Việt Nam của đạo diễn R. Karmen.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền bộ phim này và lần đầu tiên phát sóng phục vụ nhân dân cả nước. Tại nước ta, bộ phim tài liệu này được biết tới qua bản đen trắng với tên gọi Việt Nam trên đường thắng lợi cùng lời bình của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Tuy nhiên, Việt Nam là những thước phim màu sống động, bộ phim được xem như một hồ sơ kinh điển bằng hình ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.

Việt Nam có độ dài 69 phút, thuật lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Quá trình thực hiện bộ phim này, trong các hồi ký của đạo diễn R.Karmen, ông cho biết đoàn làm phim gặp không ít khó khăn, nhưng dưới sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp, nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, R.Karmen đã có được một Việt Nam giàu ý nghĩa và thông điệp nghệ thuật nhất. Trong phim, khán giả nhìn thấy cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hầm chỉ huy, cảnh bộ đội xông lên tấn công hầm De Castries, đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân Hà Nội...

Do đoàn làm phim của R.Karmen sang Việt Nam khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã vào giai đoạn cuối, nên một số cảnh quay phải dựng lại nhưng đạo diễn phim đều dựa trên sự thật lịch sử. Đó là cảnh bắt sống tướng De Castries dựng lại ở núi rừng Tuyên Quang nhưng đi kèm đó là cảnh quân Pháp kéo cờ hàng ở Điện Biên Phủ là phim tư liệu thật. Hình ảnh hàng ngàn tù binh Pháp được đạo diễn bố trí quay ở khu vực Trại giam Lý Bá Sơ (Tuyên Quang) và cảnh quay đã khắc họa rõ nét biểu tượng thất bại của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Quý giá hơn nữa, phim Việt Nam là tác phẩm duy nhất ghi lại được hình ảnh quân đội Pháp rút khỏi Thủ đô ở cầu Long Biên, nơi có một đoàn quốc tế giám sát. Cho đến nay, Việt Nam của R. Karmen là bộ phim kinh điển nhất của quốc tế khi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Và vẹn nguyên nhiều thước phim quý

Không chỉ có bộ phim Việt Nam kể trên, chiến thắng Điện Biên Phủ còn được nhiều nhà làm phim quốc tế thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh thành công. Trong đó, được biết đến rộng rãi là bộ phim tài liệu Cuộc chiến giữa hổ và voi (tựa tiếng Anh The Battle between a Tiger and an Elephant) của đạo diễn Daniel Roussel (Pháp). Đạo diễn phim là phóng viên báo L’Humanite (Nhân đạo) tại Việt Nam từ năm 1980-1986 nên rất thấu hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Cuộc chiến giữa hổ và voi được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát sóng năm 2009, phim tái hiện những diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ - quân và dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm giành thắng lợi trước quân đội Pháp hùng mạnh. Nhân vật trung tâm của bộ phim tài liệu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được khắc họa là người có nhãn quan quân sự tuyệt vời, đồng thời còn là người bình dị, gần gũi và nhân hậu. Phim cũng đã ghi lại được rất nhiều lời kể của các chứng nhân lịch sử về sự kiện Pháp thua trận ở lòng chảo Điện Biên rất có giá trị.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua phim tài liệu Điện Biên Phủ của đạo diễn nổi tiếng người Pháp Pierre Schoendoerffer (1928-2012) - cựu binh quay lại Việt Nam năm 1992 để làm bộ phim. Điện Biên Phủ tập trung tái hiện cuộc giằng co 55 ngày đêm giữa lính Pháp với quân đội Việt Nam tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Điểm độc đáo của bộ phim này chính là cách dựng chuyện: các sự kiện được kể theo trình tự thời gian xảy ra cùng lúc trên hai địa điểm khác nhau là cứ điểm Điện Biên và Hà Nội. Chính cách kể chuyện song song này đã tạo nên tính chất dồn dập, vừa đối lập vừa bổ sung, khiến người xem có cái nhìn toàn cảnh hơn về trận chiến. Và làm Điện Biên Phủ, đạo diễn Pierre Schoendoerffer muốn nhắc nhở người Pháp đừng sai lầm, đừng bao giờ quên bài học ở chiến trường Điện Biên Phủ.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn