Dịp vừa qua, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có dịp trải nghiệm thực tế tại chùa Linh Ứng (TP.Đà Nẵng) và khu đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Trước nét đặc sắc văn hóa ở chùa Linh Ứng, vẻ đẹp thiên nhiên với bãi biển dài sóng vỗ nhịp nhàng, nước trong màu ngọc bích; sự lung linh của phố cổ Hội An về đêm đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng khó phai, qua đó thấy được tiềm năng phát triển du lịch ở những địa danh này rất lớn.
Dấu ấn chùa Linh Ứng
Chúng tôi đến TP.Đà Nẵng vào buổi sáng, khi ánh nắng của miền Trung đang dần lan tỏa khắp không gian. Dường như thời tiết nắng nóng càng làm tăng sự háo hức trong hành trình trải nghiệm và khám phá thành phố bên bờ sông Hàn của chúng tôi. Địa điểm đầu tiên chúng tôi thăm khi đặt chân đến Đà Nẵng là chùa Linh Ứng nằm trên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà). “Hưng đẹp trai” - hướng dẫn viên đi cùng chúng tôi trên chuyến xe cho biết: “Dù đứng bất cứ ở đâu trên đất Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy quần thể chùa Linh Ứng, vì ở đó có tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam đang nhìn ra biển Đông và thành phố Đà Nẵng”. Để có thể lên chùa Linh Ứng, xe của chúng tôi chạy men theo đường quốc lộ rồi qua cầu Rồng có chiều dài gần 700m bắt ngang sông Hàn - là một công trình kiến trúc tiêu biểu của Đà Nẵng thời hiện đại. Sau đó, qua bãi biển Mỹ Khê - một trong những bãi biển đẹp nhất của TP. Đà Nẵng.
Tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam tại chùa Linh Ứng.
Quả thật, có mặt tại chùa Linh Ứng mới thấy hết được sự uy nghi, đồ sộ cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa. “Hưng đẹp trai” tiếp tục chia sẻ: “Mọi du khách đến chùa Linh Ứng để hướng về cõi Phật, đồng thời thả tâm hồn về phía biển cả bao la và nhìn về thành phố Đà Nẵng đang ngày một phát triển”. Ở chùa Linh Ứng có pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam với chiều cao 67m (tương đương tòa nhà 30 tầng), đường kính tòa sen 35m. Ngoài ra, trên mũ của tượng Phật Bà Quan Thế Âm có pho tượng Phật Tổ cao 2m và trong lòng tượng mỗi tầng đều đặt bệ thờ 21 bức tượng Phật nhỏ hơn, mang hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, được gọi là “Phật trung hữu Phật”. Điều đặc biệt, trong lòng pho tượng này có 17 tầng và mọi người có thể đi lên tham quan. Ở 17 tầng của pho tượng, mọi người có thể nhìn được toàn bộ thành phố, núi rừng và biển đảo Sơn Trà.
Không gian kiến trúc của chùa Linh Ứng cũng rất đáng chú ý. Tại đây còn có pho tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Tam Tạng Phật. Chính điện của chùa được xây theo phong cách hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống vốn có của chùa Việt: mái ngói uốn cong, những trụ cột vững chắc được bao quanh bởi những con rồng uốn lượn, chạm trổ tinh xảo. Ngoài ra, bốn vị Thần Long Hộ Pháp và 18 vị La Hán là hiện thân của những cung bậc cảm xúc khác nhau “hỉ, nộ, ái, ố” được sắp xếp hai bên đường vào chính điện tạo thêm điểm nhấn cho toàn cảnh chùa Linh Ứng.
Một ấn tượng nữa khi ở chùa Linh Ứng, đó là không thấy cảnh người ăn xin, tình trạng bói toán, mê tín dị đoan, chèo kéo du khách, hàng quán kinh doanh lộn xộn... như ở nhiều địa điểm tâm linh khác của nước ta. Theo “Hưng đẹp trai”, chính quyền sở tại đã tuyên truyền tới người dân và có các quy định cấm đối với các hành vi gây mất mỹ quan tại khu vực linh thiêng như chùa Linh Ứng. Điều này cho thấy, chính quyền Đà Nẵng hướng đến một thành phố du lịch văn minh và có dấu ấn riêng. Vì thế, chùa Linh Ứng từ lâu đã trở thành một điểm tham quan, không chỉ để mọi người hướng về cõi Phật mà còn từ trên sân chùa (ở độ cao gần 700m), tất cả thả hồn ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, danh thắng Ngũ Hành Sơn, bãi biển Non Nước hoặc những ngư dân trên các con tàu đang miệt mài đánh bắt hải sản...
Khó quên phố cổ Hội An về đêm
Rời chùa Linh Ứng với những ấn tượng đậm sâu trong lòng, chúng tôi đến với phố cổ Hội An (Quảng Nam) khi đèn đường đã thắp sáng khắp ngõ phố. Có mặt tại Hội An buổi tối mới thấy được sự huyền ảo, lung linh, nhộn nhịp của một đô thị cổ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới bởi sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ, cũng như điển hình về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Phố cổ Hội An lung linh về đêm, những ánh sáng và cảnh vật in dưới mặt sông Hoài.
Phố đêm Hội An nói riêng có vẻ đẹp đặc trưng và mang đậm những trầm tích văn hóa. Về đêm, Hội An được thắp sáng bởi những chiếc đèn lồng truyền thống rất ấn tượng. Đó là một không gian của thế kỷ XVII và XVIII, tạo cảm giác cho tất cả mọi người được trở về một thời xưa cũ trên những mái cổ rêu phong. Hỏi một người dân nơi đây, chúng tôi được biết, sau 18 giờ phố cổ Hội An bắt đầu lên đèn và những cây nến hoa đăng sẽ lấp lánh khắp mọi nơi. Rảo bước dạo bờ sông Hoài, khi đến khu vực cầu Nhật Bản, cầu An Hội đã thấy hình ảnh các em nhỏ dễ thương đội nón ôm trên tay chiếc mẹt xếp đầy đèn hoa đăng bán cho khách, nhưng tất cả các em nhỏ bán hàng rất “có văn hóa”, tức là không theo kiểu chộp giật, kì kèo, đeo bám. Khi du khách mua hoa đăng, các em nói lời cảm ơn chân thành, ngược lại, nếu khách không mua thì các em nhỏ vẫn vui vẻ nở một nụ cười trên môi đầy thiện cảm.
Khi tới gần khu vực cầu An Hội - nơi có khoảng sân rộng, những thanh âm rộn ràng, vui tươi với trò “bài chòi” - một trò chơi dân gian ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam... Để tham gia trò chơi dân gian này, mọi người chỉ cần mua một quân bài và ngồi nghe những người chủ trò hát các bài hát dân gian. Bài hát kết thúc bằng tên một quân bài, nếu người có quân bài kết thúc trong bài hát của chủ trò sẽ giành chiến thắng và nhận được phần quà hấp dẫn. Chính không gian văn hóa này đã tạo nên sự kết nối và tương tác giữa mọi người, không phân biệt vùng miền hoặc màu da, tôn giáo.
Tuy nhiên, địa điểm thu hút nhất mọi người ở phố cổ Hội An về đêm chính là chùa Cầu. Đây là một kiến trúc đặc trưng và trở thành biểu tượng của Hội An, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Chùa Cầu ban đầu do người Nhật xây dựng, trải qua thời gian với nhiều lần trùng tu và sửa chữa, cây cầu hiện nay mang phong cách Việt Nam xưa. Chân cầu xây bằng gạch, phần thân cầu bằng gỗ được chạm trổ rất công phu, mái lợp ngói. Chùa Cầu buổi tối được chiếu sáng bởi những chiếc đèn đủ màu sắc, thay đổi màu liên tục, in bóng trên mặt sông Hoài đầy huyền ảo.
Dạo quanh khu phố cổ Hội An, qua phố Bạch Đằng là những ánh đèn vàng hắt ra từ dãy nhà cổ, tất cả lấp lánh dưới mặt sông Hoài. Có lẽ vì thế, nhiều du khách quốc tế đến Hội An đã so sánh khu phố Bạch Đằng là Venice của Việt Nam. Trong khi đó, khu chợ đêm Hội An bày bán rất nhiều sản phẩm thủ công làm từ gỗ, đá, kim loại... được làm rất tinh tế. Hoặc khu phố ẩm thực đêm với những gánh hàng rong được bày bình dị bên vài bộ bàn ghế, bên bờ sông Hoài. Ở phố ẩm thực, mọi người có thể thưởng thức những đặc sản tại Hội An như cao lầu, cơm gà, mì quảng...
Có thể nói, phố cổ Hội An về đêm có dáng vẻ cổ kính và lung linh, sự sôi động và náo nhiệt... Và chính yếu tố ấy là cơ hội để Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung phát triển ngành du lịch, qua đó quảng bá đô thị cổ của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa thế giới đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Bài, ảnh: Hoa Quỳnh