Tuy nhiên anh phải mang theo giấy thông hành vàng, dấu hiệu cho thấy người mang nó từng phạm tội, vì vậy Jean bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ ngoài đường. May cho anh là Giám mục Myriel, một người nổi tiếng hay làm từ thiện đã cho Jean Valjean một chỗ nương náu. Khi mọi người đã ngủ, Jean lại ăn cắp mấy thứ đồ bạc của Giám mục và chạy trốn, anh bị bắt lại sau đó nhưng lại được ông Myriel cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Valjean.
Khi chia tay vị Giám mục già nói với Jean Valjean rằng anh nhất định phải trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người”. Rất dễ nhận thấy, 19 năm tù đã biến một người nông dân nhút nhát, run rẩy khi ăn cắp một mẩu bánh mì thành một con người đầy hận thù, sẵn sàng đánh cắp cả một bộ đồ ăn bằng bạc của chính người đã cưu mang mình khi mà những người khác từ chối và xua đuổi mình. Và cũng chính hành vi tha thứ cho tội ăn cắp của ông ta, mà Jean Valjean trở thành người lương thiện và thành đạt. Khi đọc mẩu tin về việc truy tố hai thanh niên cướp bánh mì và các đồ ăn khác trị giá 45.000 đồng, tôi liên tưởng ngay đến Jean Valjean. Xã hội sẽ nhận được gì sau khi hai thanh niên này bị xử tù và ra tù? Không khó để trả lời câu hỏi đó. Nói đi thì cũng phải nói lại. Theo thông tin từ một số bài báo, hai thanh niên này bị truy tố vì hành vi cướp có tính chất nguy hiểm. Tuy nhiên, không ai mô tả cụ thể nguy hiểm là như thế nào. Nếu thực sự hai thanh niên này có những hành vi nguy hiểm khi cướp đồ ăn mà chưa có hậu quả gì thì cũng phải có một hình phạt nào đấy thích hợp. Nhưng không biết hành vi nguy hiểm ở đây là gì?
Tôi còn nhớ, hồi tôi còn trẻ, có ai đó đã phân tích, rằng Ruồi Trâu mang tính chất tiểu tư sản, cần phải phê phán, và phải triệt để cách mạng như Pa-ven Coóc-sa-ghin mới là đáng khen. Theo tư tưởng đấy thì việc truy tố hai thanh niên cướp bánh mì này mới là triệt để cách mạng. Mặc dù chúng ta chưa biết hết tình tiết của câu chuyện cướp bánh mì của hai thanh niên đang đi xin việc này, nhưng với giá trị của món đồ mà họ cướp được, cùng với việc không có tài sản nào bị phá hủy, không có thương vong nào, có thể cho chúng ta cảm nghĩ, rằng truy tố là quá nặng. “Ai nên khôn chẳng lỡ dại đôi lần”. Đây nên được coi là một lần “lỡ dại”. Có người bảo, ăn cướp thì phải bị truy tố, bất kể là cướp bao nhiêu, có gây thiệt hại nhân mạng hay thiệt hại vật chất lớn hay không. Như vậy mới công bằng. Nếu trên đời này thực sự có công bằng, thì khi hai thanh niên này bị truy tố, những kẻ đã bằng cách này hay cách khác, đẩy họ, và bao nhiêu con người khác vào cảnh túng quẫn, để đến mức phải “bần cùng sinh đạo tặc” cũng cần phải bị truy tố. Những kẻ cướp trắng trợn hàng trăm triệu, hàng tỉ, hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân, phải đáng bị xử bắn, bắn đi bắn lại nhiều lần. Những kẻ nắm quyền lực trong tay mà vô cảm với số phận của người dân, vô cảm với vận mệnh của đất nước, chỉ chăm chăm vào lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm phải bị băm vằm.
Thật xui cho hai thanh niên này, họ không được gặp “Đức ông Myriel” mà lại gặp phải những ông cò Javert mẫn cán, chuyên chú vào việc bắt bớ, theo dõi những người cùng khổ, và “xếp càng” trước những kẻ thống trị, trước những hành vi cướp được khoác cái mĩ từ: tham nhũng.