Ăn trứng cung cấp chất gì?
Trứng là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong trứng có đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Thành phần của trứng có lòng đỏ và lòng trắng. Trong đó, lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất, tập trung chủ yếu của các chất dinh dưỡng. Lòng đỏ trứng gà có 13,6% đạm, 29,8% béo và 1,6% chất khoáng.
Chất đạm trong lòng đỏ trứng có thành phần các acid amin tốt nhất. Lòng trắng chiếm phần lớn là nước, có 10,3% chất đạm, béo và chất khoáng rất thấp.Theo bảng phân tích dinh dưỡng, một quả trứng chứa khoảng 75 calo và trứng cũng là một nguồn tuyệt vời của vitamin A, D và B12, cũng như choline, là một chất dinh dưỡng cần thiết trong nhiều bước trao đổi chất. Ngoại trừ hàm lượng cholesterol, một quả trứng là một lựa chọn lành mạnh cho bữa sáng trưa hoặc tối.
Trứng cũng là nguồn vitamin và khoáng chất tốt. Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iốt... tập trung hầu hết trong lòng đỏ. Lòng đỏ có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, K).
Trong lòng trắng trứng chỉ có một ít vitamin tan trong nước (B2, B6). Cả trong lòng đỏ, lòng trắng có chất Biotin. Biotin là vitamin B8, tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng để sản xuất năng lượng của cơ thể.
Vì sao ăn trứng lại dễ bị ngộ độc?
Trứng sống có thể chứa vi khuẩn Salmonella. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều trên vỏ trứng và cả bên trong trứng. Vì vậy, bên trong những quả trứng có vẻ bình thường, sạch sẽ và tươi ngon có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt nếu bạn ăn trứng sống hoặc chế biến không đúng cách rất dễ bị ngộ độc.
Biểu hiện khi bị ngộ độc do vi khuẩn Salmonella
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella thường xuất hiện nhanh chóng, trong vòng 8 -72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm Salmonella.
Các triệu chứng điển hình trong giai đoạn cấp tính bao gồm: đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, có dấu hiệu mất nước (như nước tiểu sẫm màu, khô miệng, khát nước); phân có máu…
Các chủng vi khuẩn Salmonella đôi khi gây nhiễm trùng trong nước tiểu, máu, xương, khớp hoặc hệ thần kinh (dịch tủy sống và não), và có thể gây ra bệnh nặng.
Những trường hợp ngộ độc nặng nhất thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu. Trẻ nhỏ có thể bị mất nước nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ăn trứng thế nào để phòng ngừa ngộ độc?
Để phòng ngừa ngộ độc do vi khuẩn Salmonella, các bà nội trợ cần lưu ý bảo quản và chế biến trứng đúng cách:
- Lựa chọn trứng có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo an toàn và bảo quản trứng trong tủ lạnh ở 4°C hoặc lạnh hơn.
- Bỏ trứng bị nứt hoặc trứng bẩn.
- Nấu chín kỹ trứng và thức ăn có chứa trứng.
- Không nên ăn trứng sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng để phòng nhiễm khuẩn.
- Đối với các món ăn sử dụng trứng nấu chín nhẹ như các loại sốt cần được làm từ trứng đã được tiệt trùng.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến trứng.
- Cho vào tủ lạnh các món trứng nấu chín còn thừa và sử dụng trong vòng 3 ngày.
- Sử dụng trứng đã nấu chín (còn nguyên vỏ hoặc đã bóc vỏ) trong vòng 1 tuần sau khi nấu.
- Sử dụng trứng đông lạnh trong vòng 1 năm. Không nên để trứng đông lạnh trong vỏ. Để đông lạnh toàn bộ trứng, đánh lòng đỏ và lòng trắng với nhau. Lòng trắng trứng cũng có thể tự đông.
Xem thêm video đang được quan tâm
Kiến nghị khẩn: F0 không có triệu chứng, giảm thời gian cách ly xuống 7 ngày