Bác tôi được chẩn đoán bị sán lá phổi và đã điều trị, vừa được xuất viện. Xin hỏi bệnh này lây nhiễm như thế nào?
Nguyễn Thu Hà (Yên Bái )
Một trong các bệnh về sán hay gặp là sán lá phổi, nhiễm bệnh do ăn phải cua, ốc nấu chưa chín. Ở Việt Nam, vật chủ trung gian hay gặp nhất là các loại cua sống ở suối vùng miền núi phía Bắc. Do bà con vùng nông thôn, vùng sâu khi đi mò cua, bắt ốc về thường có thói quen mang lên nướng hoặc chế biến không đảm bảo vệ sinh nên dễ mắc các loại sán.
Sán lá phổi (Paragonimusringeri) ký sinh trong phổi và ở những phế quản nhưng lại là bệnh lây theo đường tiêu hóa và có liên quan mật thiết đến tập quán ăn cua, tôm nấu chưa chín và uống nước cua sống. Trứng sán từ bệnh nhân được bài xuất theo đờm xuống nước và hình thành ấu trùng. Ấu trùng này sau khi thoát ra ngoài vỏ trứng sẽ tìm đến một số loài ốc để sống ký sinh sau đó lại tìm sang loài cua và tôm sống nước ngọt để để ký sinh dưới dạng nang trùng. Gỏi cua, tôm hay nước cua sống chính là con đường thuận lợi để sán lá phổi nhanh chóng lọt vào cơ thể của người.
Khi mắc sán lá phổi, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là ho đờm có lẫn máu, thường ho nhiều vào sáng sớm. Đờm thường có màu rỉ sắt giống như viêm phổi. Nếu sán cư trú ở não thì thường có cơn động kinh, ở gan thì gây áp-xe gan.
Chính vì vậy bà con nên nấu chín cua, tôm, ốc để đảm bảo cho sự an toàn của bản thân, tránh căn bệnh nguy hiểm này. Khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để khám và được chẩn đoán.
Bác sĩ Nguyễn Vũ