Đây là nội dung được các đại biểu tham dự cuộc họp về “Đảm bảo an toàn truyền máu và xây dựng lực lượng hiến máu dự bị cho vùng biển, đảo” xác định là một trong những vấn đề trọng tâm trong phát triển y tế biển đảo. Cuộc họp được Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vừa tổ chức tại Hà Nội.
Thiếu nguồn máu có chất lượng trong khi nhu cầu máu rất cao
Các cơ sở y tế trên vùng biển, đảo nước ta đang đối mặt với thực trạng thiếu nguồn máu có chất lượng, an toàn và được cung cấp không ổn định, nhất là ở các cơ sở y tế thuộc đảo nhỏ, đảo xa bờ.
Khám, lấy máu xét nghiệm cho người hiến máu dự bị tại huyện đảo Phú Quốc.
Về vấn đề này, ông Đặng Chanh - Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn cũng chia sẻ thực tế rằng: Qua cấp cứu nạn nhân trên biển đã có nhiều trường hợp nạn nhân mất máu, thậm chí tử vong do không kịp truyền máu. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng trên 1 triệu lao động làm việc trên hơn 119.000 tàu cá, trong đó có 28.000 tàu đánh bắt xa bờ đang ngày đêm bám biển và đối mặt thường xuyên với sóng gió, với những tai nạn tiềm ẩn nhưng khó được cứu chữa kịp thời do ở xa đất liền.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi ở 8 huyện đảo trên cả nước, hoạt động truyền máu trên cả nước vừa thiếu trang thiết bị, vừa chưa đảm bảo về nguồn nhân lực, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị nói chung. Đây đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho nhu cầu truyền máu nói riêng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung của người dân, cán bộ, chiến sĩ, người lao động và khách du lịch...”.
Quyết tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Trong thời gian tới, hoạt động an toàn truyền máu tại vùng biển, đảo được thực hiện theo hướng: các đảo gần bờ, có truyền máu thường xuyên cần thực hiện lưu trữ máu (được cung cấp từ cơ sở truyền máu trong đất liền), các đảo xa bờ chỉ thực hiện lưu trữ máu nếu đủ trang bị. Đồng thời, tất cả các đảo đều cần chú trọng xây dựng lực lượng hiến máu dự bị. Trước mắt trong năm 2015, các biện pháp này đang được xây dựng kế hoạch để thực hiện thí điểm tại một số đảo xa bờ như: Thổ Chu, Trường Sa...
Theo GS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, việc đề xuất mô hình, cách làm nhằm đảm bảo an toàn truyền máu cho biển, đảo cần phải thể hiện đặc thù với đảo gần bờ, xa bờ, giàn khoan hay tàu hải quân; trong đó nhất thiết phải kết hợp quân - dân y.
“Cần có cơ chế trao đổi máu giữa cơ sở y tế ở đất liền và trên đảo, đồng thời trong những trường hợp khẩn cấp, cần phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và 4 trung tâm cấp cứu trên biển để kịp thời cung cấp máu”, ông Nguyễn Công Sinh - Trưởng phòng Y tế quốc phòng - Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế nhận định. Ông Sinh cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng công tác tuyên truyền lực lượng dân quân tự vệ, công an, quân đội ở các huyện đảo, xã đảo tham gia vào lực lượng hiến máu dự bị bởi họ là nhóm đối tượng luôn tiên phong, thể hiện tinh thần sẵn sàng cao nhất trong những tình huống khẩn cấp.
TS. Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết quan điểm của Bộ Y tế: Đó là cần gắn các hoạt động đảm bảo an toàn truyền máu với các hoạt động của đề án y tế biển, đảo và công tác tìm kiếm, cứu nạn. Việc đảm bảo an toàn truyền máu cho nhân dân vùng biển, đảo là rất quan trọng và cấp thiết, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ vì quyền lợi và sức khỏe của người dân, mà là điều kiện cơ bản cho phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh biển, đảo, củng cố sức mạnh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Ðề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/2/2013 tại Quyết định số 317/QÐ-TTg với mục tiêu bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.
Thảo Nguyên