An toàn thực phẩm trước cổng trường học: Phụ huynh lo lắng, trẻ hồn nhiên ăn

20-09-2023 17:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Những gói kẹo nhiều màu sắc, đồ viên chiên... là đồ ăn yêu thích của trẻ nhỏ khi tan học. Tuy nhiên, thực phẩm bày bán trước cổng trường đang là mối nguy hiểm về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vì không được kiểm soát.

Năm học mới vừa khai giảng được 2 tuần, nỗi lo mất an toàn thực phẩm lại dấy lên khi mới đây 25 học sinh Trường tiểu học Việt Chu (xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) phải nhập viện sau khi ăn kẹo mua ở cổng trường. 

Được biết, trong giờ giải lao, các em học sinh từ lớp 1 tới lớp 5 đã ra cổng trường mua kẹo ngậm hương vị sữa và thạch sirô dừa về ăn. Một giờ sau, các học sinh này có triệu chứng ngộ độc.

PV Báo Sức khỏe và Đời sống ghi nhận thực tế tại Hà Nội, cho thấy tại cổng trường dễ dàng nhận thấy các hàng quán hàng, xe đẩy bày bán la liệt nhiều đồ ăn vặt đa dạng mẫu mã khác nhau mời chào học sinh sau mỗi giờ tan học.

Tại cổng Trường Tiểu học Mai Dịch (quận Cầu Giấy), Trường THCS Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm)... có rất nhiều quán bán đồ ăn vặt cho học sinh.

Trước mỗi cổng trường thường có 4 đến 5 hàng rong bán các món quà mà trẻ nhỏ yêu thích như nem chua rán, xúc xích, chả viên, cóc dầm, xoài dầm, các loại đồ uống và bánh kẹo...

Nỗi lo mất vệ sinh ATTP vừa vào đầu năm học mới tại các quán bán đồ ăn vặt - Ảnh 1.

Học sinh thường vào các quán bán đồ ăn vặt sau khi tan học.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi que xiên được người bán hàng rán ngay tại cổng trường có giá từ 2.500 đồng đến 5.000 đồng/ que tùy loại. Những thực phẩm này chỉ được đựng trong túi nilong không nhãn mác, đồng thời được che đậy sơ sài hoặc không che đậy. 

Nỗi lo mất vệ sinh ATTP vừa vào đầu năm học mới tại các quán bán đồ ăn vặt - Ảnh 2.

Những que xiên chỉ từ 2.500 đồng/que hút học sinh.

Khi được hỏi về nguồn gốc của những que xiên này, người bán hàng cho hay, đồ này không rõ từ đâu do nhập hàng về bán nhiều nên được các xưởng chế biến giao hàng tận nơi.

Nỗi lo mất vệ sinh ATTP vừa vào đầu năm học mới tại các quán bán đồ ăn vặt - Ảnh 3.

Người bán hàng không đeo bao tay khi chế biến thực phẩm gây nguy cơ mất vệ sinh ATTP.

Các loại kẹo, bim bim chỉ ghi nhãn mác nước ngoài, giá của mỗi loại từ 5.000 đồng/gói. Đặc điểm chung của các đồ ăn này hoặc là không có nhãn mác, hoặc là có nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, bày bán lộ thiên và được che đậy sơ sài.

Nỗi lo mất vệ sinh ATTP vừa vào đầu năm học mới tại các quán bán đồ ăn vặt - Ảnh 4.

Những gói đồ ăn vặt màu sắc rực rỡ, bao bì đóng gói đơn giản, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chỉ với 6.000 đồng, phóng viên đã mua được 3 gói ăn vặt tại một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội. Không tem mác phụ tiếng Việt, chỉ xuất hiện những dòng chữ nước ngoài, bao bì đóng gói đơn giản thậm chí hạn sử dụng còn không có ở một số sản phẩm. 

Nỗi lo mất vệ sinh ATTP vừa vào đầu năm học mới tại các quán bán đồ ăn vặt - Ảnh 5.

Mỗi gói đồ ăn vặt này chỉ có giá 2.000 đồng.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ về ATTP, đồ ăn vặt cổng trường còn tạo thói quen xấu cho nhiều học sinh. 

Chị Lưu Thị Minh, một phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Mai Dịch (quận Cầu Giấy) chia sẻ, việc các con ăn vặt tại những hàng quán không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng đến rất nhiều về vấn đề sức khỏe của các con. Đặc biệt đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn quà vặt trước cổng trường.

Nỗi lo mất vệ sinh ATTP vừa vào đầu năm học mới tại các quán bán đồ ăn vặt - Ảnh 6.

Chị Lưu Thị Minh lo lắng về thực trạng bày bán đồ ăn vặt trước cổng trường.

Theo chị Minh, nhiều lần con gái thấy những gói tẩm ướp gia vị liền đòi mua, tuy nhiên sau khi mở thấy mùi nồng, hắc của gia vị đồng thời chỉ có chữ nước ngoài nên đã không cho con ăn.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Thức ăn đường phố rất dễ nhiễm các vi sinh vật do môi trường khói, bụi. Đối với thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không được bảo quản, chế biến cẩn thận theo quy định dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, vi khuẩn E.coli có thể xâm nhập vào thức ăn, gây ngộ độc, tiêu chảy cho người dùng.

Nỗi lo mất vệ sinh ATTP vừa vào đầu năm học mới tại các quán bán đồ ăn vặt - Ảnh 7.

Nhiều quán bán đồ ăn vặt còn để luôn xuống đất, không che chắn, bảo quản.

Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng, Chuyên gia công nghệ thực phẩm khuyến cáo, thực phẩm càng có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao. Đồng thời mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng và nhà trường liên tục cảnh báo, nhiều trường còn cấm học sinh ăn quà vặt và trừ vào điểm thành tích thi đua của từng lớp. Tuy nhiên việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề nan giải.

Nhiều hàng quán đồ ăn vặt trước cổng trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất vệ sinh ATTP.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Chủ cơ sở Bánh mì Phượng 2 cần liên hệ cơ sở y tế để trả chi phí điều trị cho người ngộ độcChủ cơ sở Bánh mì Phượng 2 cần liên hệ cơ sở y tế để trả chi phí điều trị cho người ngộ độc

SKĐS - TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đề nghị UBND TP Hội An giám sát chặt việc dừng hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng 2 cho đến khi có kết luận vụ ngộ độc của cơ quan có thẩm quyền.




Đan Tâm
Ý kiến của bạn