An toàn thực phẩm dịp Tết: Ðến hẹn lại... lo

05-01-2018 16:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát... của người dân tăng cao.

Đây cũng là cơ hội cho những “điểm đen” trong việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoành hành.

An toàn thực phẩm ở đâu cũng nóng

Nhằm đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018.

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm thành lập 6 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố (Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng). Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh

doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Mậu Tuất và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

An toàn thực phẩm dịp Tết: Ðến hẹn lại... loTăng cường thanh kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trên địa bàn Hà Nội vào những ngày gần Tết, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại từ bánh kẹo, rượu, các gói quà Tết của nhiều hãng khác nhau. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ… cũng có không ít các loại hàng hóa, bánh, mứt kẹo được nhập khẩu tràn lan, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn. Theo nhiều chủ hàng, đây là loại bánh kẹo được nhập từ nước ngoài và tính theo cân, cho nên không có bao bì và “hạn sử dụng thì vô tư vì hàng mới nhập”. Các loại mứt quả cũng vậy, bày ngồn ngộn trong các rổ to hoặc túi ni-lông, trọng lượng từ một kg trở lên nhưng không có nơi sản xuất hay hạn sử dụng. Điều này khiến cho người tiêu dùng cảm thấy lo lắng nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Chị Mai Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Hàng hóa thì đa dạng nhưng rất khó lựa chọn vì chủ yếu là hàng nhập ngoại như bánh kẹo, hạt dưa và nhiều loại thực phẩm khác. Tôi chỉ dám mua hàng ở những nơi quen biết, nhưng cũng không chắc mình mua được toàn bộ là hàng hóa bảo đảm chất lượng”.

Theo lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, càng về cuối năm tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tập trung chủ yếu là nhóm các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao và các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, trong đó tại khu vực biên giới phía bắc, trọng điểm là các tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Năm 2017, Hà Nội đã thành lập 817 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Tiến hành kiểm tra 110.930 cơ sở, phát hiện vi phạm và xử lý 22.562 cơ sở, trong đó phạt tiền 7.213 cơ sở với số tiền phạt hơn 37 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Số lượt cơ sở được kiểm tra tăng 8.286 cơ sở so với năm 2016, số tiền phạt vi phạm hành chính tăng hơn 9 tỷ đồng.

Nỗi lo từ rượu

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho bệnh nhân Trần Xuân Đ. (57 tuổi, trú tại Cẫu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) bị ngộ độc methanol cấp. Theo lời người nhà, ngày 17/12, bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc mua ở một quán gần nơi trọ. Một ngày sau uống rượu, bệnh nhân có biểu hiện kích thích, đau đầu, nhìn mờ. Bệnh nhân được Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội chuyển ngay lên Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Đây không phải trường hợp đầu tiên ngộ độc methanol và dù đã có rất nhiều cảnh báo từ trước đó nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra. “Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi. Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết.

Các bác sĩ lo ngại xu hướng gia tăng ngộ độc rượu trong những ngày cuối năm khi mà mọi người liên tục tụ họp, uống rượu mừng xuân. Nhất là những cuộc nhậu ngoài hàng quán nếu không kiểm soát được nguồn rượu, uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp nguy cơ ngộ độc rượu là rất lớn.


Ngọc Minh
Ý kiến của bạn