Khi khối lượng thông tin liên quan đến sức khỏe trên internet tăng lên, vấn đề đặt ra là làm thế nào các thông điệp từ các cơ quan quản lý - ví dụ, cảnh báo về an toàn thuốc có thể tiếp cận được với người tra cứu một cách chính xác nhất? Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và kết quả đã được công bố trên tạp chí y học Anh mới đây.
Nên tìm kiếm thông tin thuốc từ các nguồn tin đáng tin cậy.
Mặc dù còn có nhiều tranh luận về độ tin cậy nhưng Wikipedia hiện vẫn được cho là tài nguyên chăm sóc sức khỏe trực tuyến lớn và thường xuyên nhất toàn cầu. Các trang Wikipedia thường xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm hàng đầu của Google và nằm trong số các tài liệu tham khảo được người dùng internet kiểm tra nhiều nhất. Do đó, các nhà nghiên cứu đã đánh giá các tìm kiếm của Google và lượt xem truy cập trang Wikipedia cho từng loại thuốc trong mẫu.
Các nhà nghiên cứu đã xác định cảnh báo an toàn cho 22 loại thuốc theo toa được chỉ định cho các tình trạng lâm sàng, bao gồm tăng huyết áp nguyên phát, bệnh bạch cầu mạn tính và viêm gan C. Kết quả, các loại thuốc này đã kích hoạt 13 triệu lượt tìm kiếm trên Google và 5 triệu lượt xem trên trang Wikipedia mỗi năm trong suốt thời gian nghiên cứu. Các cảnh báo an toàn của Cơ quan Quản lý an toàn Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) có mức tăng trung bình 82%, trong các tìm kiếm của Google về các loại thuốc trong 1 tuần sau khi công bố và tăng 175% lượt xem các trang Wikipedia cho các loại thuốc vào ngày công bố. Vậy người dùng có thực sự tìm thấy thông tin chính xác về an toàn thuốc?
Kết quả cho thấy rằng 41% trang Wikipedia liên quan đến các loại thuốc có cảnh báo an toàn mới đã được cập nhật trong vòng 2 tuần sau khi FDA đưa ra các thông báo. Các trang Wikipedia về thuốc dùng để điều trị các bệnh phổ biến (ảnh hưởng đến hơn 1 triệu người ở Hoa Kỳ) có nhiều khả năng được cập nhật nhanh chóng (58% được cập nhật trong vòng 2 tuần) so với các thuốc được thiết kế để điều trị các loại bệnh ít phổ biến hơn. Nhìn chung, 23% trang Wikipedia đã được cập nhật sau 2 tuần khi cảnh báo của FDA được ban hành (trung bình 42 ngày), thế nhưng vẫn có khoảng 36% trang của Wikipedia vẫn không thay đổi hơn 1 năm sau.
Những phát hiện này có ý nghĩa thực tế bởi khi các bác sĩ lâm sàng tìm cách thúc đẩy chăm sóc bệnh nhân làm trung tâm, bệnh nhân có thể lựa chọn các phương án điều trị sau khi cân nhắc các thông tin liên quan, bao gồm thông tin về các rủi ro tiềm ẩn. Họ cũng có thể hiểu biết nhiều hơn về thời điểm tìm kiếm sự chăm sóc y tế cho các triệu chứng có thể là một phản ứng bất lợi của thuốc. Các bác sĩ cũng có thể cung cấp một số thông tin quan trọng khi họ kê đơn thuốc. Và kết quả của khảo sát cũng cho thấy nhiều bệnh nhân vẫn độc lập tham khảo các nguồn lực bổ sung.
Một cách tiếp cận khác để thúc đẩy việc phổ biến chính xác thông tin an toàn thuốc là tích cực quản lý thông tin y tế trực tuyến. Trong một nỗ lực của mình, FDA đã hợp tác với WebMD để đưa các thông báo về sức khỏe cộng đồng tới tất cả người dùng đã đăng ký và nhanh chóng tích hợp thông tin này vào bộ trang Web của WebMD. Một chiến lược kỹ thuật số về an toàn thuốc có thể mở rộng mô hình này bao gồm các trang web khác được công chúng thường xuyên sử dụng, các trang web dành cho các tổ chức hỗ trợ y tế... Phát hiện của nghiên cứu cũng cho thấy rằng có thể có lợi ích khi cho phép FDA cập nhật hoặc tự động cung cấp thông tin liên lạc an toàn mới tới các trang Wikipedia giống như với WebMD.
Các bác sĩ lâm sàng và các nhà nghiên cứu có thể đóng góp cho nỗ lực này. Đại học California đã trở thành trường y khoa đầu tiên của Mỹ cung cấp các tài khoản học thuật có thể chỉnh sửa nội dung y tế trên Wikipedia. Việc khuyến khích các học viên tham gia chỉnh sửa trang Wikipedia có thể đảm bảo rằng các trang quan trọng được cập nhật nhanh chóng và có thể thu hút các bác sĩ trong quá trình phát triển tin học y tế. Sự tham gia như vậy có thể được thúc đẩy hơn nữa bằng cách cấp các tài khoản giáo dục y tế cho việc cập nhật các trang Wikipedia có liên quan đến chuyên môn của bác sĩ.
Phương tiện truyền thông mới cung cấp cơ hội mới cho FDA cùng các tổ chức y tế và người tiêu dùng để có thể truyền đạt các thông điệp sức khỏe cho cộng đồng. Với tần suất bệnh nhân tìm kiếm thông tin bên ngoài phòng khám và đặc biệt là trên internet, việc tận dụng các phương tiện đó dường như là một công cụ đầy hứa hẹn để FDA đảm bảo rằng bệnh nhân đã sẵn sàng truy cập thông tin chính xác và toàn diện, bao gồm các cập nhật kịp thời liên quan đến vấn đề an toàn thuốc. Tích hợp truyền thông y tế công cộng trực tuyến vào đào tạo y tế và các trang web hướng tới người tiêu dùng có thể là một bước quan trọng để nhận thức đầy đủ hơn về tiềm năng của internet trong việc thúc đẩy sức khỏe cộng đồng.