Hà Nội

An toàn điện trong mùa mưa bão:Hiểm họa lơ lửng

08-06-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Mùa mưa bão đang đến, kèm theo đó là những nỗi lo về tai nạn điện. Mặc dù năm 2014, các đơn vị trong ngành điện đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết, xử lý các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Mùa mưa bão đang đến, kèm theo đó là những nỗi lo về tai nạn điện. Mặc dù năm 2014, các đơn vị trong ngành điện đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết, xử lý các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Tuy nhiên, số vụ vi phạm vẫn còn rất lớn (5.499 vụ), gây ra những hậu quả đau lòng.

Nhiều vi phạm, bất chấp hiểm họa treo trên đầu

Những hiểm họa về mất an toàn lưới điện vào mùa mưa bão năm nào cũng được cảnh báo nhưng tai nạn thương tâm vẫn xảy ra. Do nhận thức còn hạn chế nên nhiều người dân vẫn thờ ơ trong việc bảo đảm an toàn khi sử dụng điện. Theo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 60 sự cố trên lưới điện mà nguyên nhân là do vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp gây nên, cũng như những bất cẩn hoặc sai phạm khi tiếp xúc với điện.

Mới đây, khoảng 16h30 ngày 6/5, hai nam công nhân sửa chữa cánh cửa trên tầng 3 của trụ sở công an phường Cầu Dền, Hai Bà Trưng, Hà Nội khi di chuyển khung cửa nhôm, do thiếu quan sát đã chạm vào dây điện làm một người đã tử vong tại chỗ, một người bị thương nặng. Nguyên nhân, trụ sở công an có trạm biến áp quá gần với lan can tầng 3 bị va chạm chập nổ. Đó chỉ là vụ điển hình, còn nhiều vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện thương tâm khác vẫn diễn ra trên địa bàn Hà Nội.

Những nỗ lực của ngành điện hy vọng làm giảm tai nạn liên quan đến an toàn lưới điện.

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó ban An toàn - Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết: Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hơn 1.000 điểm vi phạm HLATLĐ. Vấn đề này đang là thực trạng nhức nhối đe dọa an toàn tính mạng của người dân trong mùa mưa bão. Các đơn vị chức năng của Hà Nội đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, việc ngăn chặn, giảm thiểu vi phạm HLATLĐ chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hệ thống truyền tải, lưới phân phối điện của Hà Nội còn nhiều điểm có nguy cơ gây mất an toàn cao. Một số nhà dân nằm trong khu vực vi phạm an toàn hành lang đường điện cao áp, dễ bị phóng điện gây hư hỏng tài sản, chết người khi thời tiết xấu, mưa bão, sấm sét. Nhiều trạm biến áp, tủ điện đặt ở vị trí thấp gần mặt đất, khi mưa to, ngập nước, điện rò rỉ gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người. Tình trạng đường dây điện như mớ mạng nhện trên các con phố, ngõ ngách cũng dễ gây nguy hiểm khi không được kiểm tra, phát hiện, xử lý những hư hỏng, cũ nát, nguy cơ hở điện, chập cháy... Tại khu vực ngoại thành, một số nơi, chất lượng lưới phân phối điện không bảo đảm an toàn, công tác quản lý còn lỏng lẻo, ý thức chấp hành quy trình, quy phạm chưa nghiêm, còn chủ quan, tùy tiện, dễ gây nguy hiểm khi có mưa bão. Thậm chí một số gia đình còn cơi nới nhà ở, treo các biển quảng cáo vi phạm về khoảng cách an toàn của đường dây này, bất chấp những hiểm họa lơ lửng trên đầu.

Nguy hiểm treo lơ lửng

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2015, các phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm hệ thống điện an toàn đã được Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) TP. Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thực hiện tiến hành duy tu bảo dưỡng, sửa chữa toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh việc tiến hành chặt tỉa cây xanh, chỉnh trang, sắp xếp, thanh thải đường dây, cáp đi nổi để ngầm hóa đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão cũng như phòng chống cháy nổ cũng được tiến hành song song. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, còn có chỗ này, chỗ khác chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phối hợp tổ chức thực hiện còn chưa được đồng bộ.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa, bão, lũ năm nay, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ diễn biến phức tạp. Dự báo sẽ có khoảng 9-10 cơn bão, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta. Với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, việc tiến hành chặt tỉa cây xanh, chỉnh trang, sắp xếp, ngầm hóa dây cáp điện đang được triển khai có đảm bảo hoàn thành như kế hoạch, liệu những tai nạn thương tâm vì điện trong mùa mưa bão có còn xảy ra? Đây là những vấn đề bức thiết cần đặt ra nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng người dân trong thời gian tới.

Trần Lâm

 

 


Ý kiến của bạn