An toàn cho phụ nữ cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số

28-11-2020 18:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cần xóa bỏ rào cản về tuổi tác cả về chính sách và thực tiễn để phụ nữ cao tuổi được tiếp cận vốn vay, đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp và có dịch vụ giới thiệu việc làm cho phụ nữ cao tuổi, giúp phụ nữ cao tuổi có thời gian tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tăng thu nhập.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo có chủ đề "An toàn cho phụ nữ cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội.

Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới đã đánh giá, ở Việt Nam, tuổi thọ bình quân của người cao tuổi (NCT) tuy tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước trên thế giới. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), hiện khoảng 67,2% NCT có tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu, chỉ có khoảng 5% sức khỏe tốt. Tỷ lệ NCT nữ yếu cao hơn nam… NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân, làm nông nghiệp, 72,3% sống với con cháu trong khi xu hướng cấu trúc gia đình đang thay đổi. Đời sống vật chất NCT còn nhiều khó khăn với 70% không có tích lũy vật chất, trong khi đó hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, chỉ có 30% NCT có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Trước những thách thức về già hóa dân số, TS Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công Đoàn cho rằng, phụ nữ cao tuổi dễ bị tổn thương hơn do phải đối mặt với sự phân biệt giới tính lớn hơn, có tỷ lệ biết chữ và trình độ học vấn thấp hơn, có tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật cao hơn đồng thời phụ thuộc nhiều hơn về tài chính.

Nữ hóa dân số cao tuổi đặt ra yêu cầu cần có sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ cao tuổi do họ dễ bị tổn thương hơn và khó có cơ hội tiếp cận thị trường lao động để tạo ra thu nhập hơn so với nam giới. Chính vì thế, tạo sinh kế cho người cao tuổi đã khó, tạo sinh kế cho người cao tuổi là phụ nữ còn khó hơn rất nhiều trong bối cảnh hiện nay. Nhiều người cao tuổi là nữ giới sẽ có khoảng thời gian sống cô đơn không có bạn đời để chia sẻ cuộc sống bên cạnh. Điều này dễ ảnh hưởng đến sức khỏe về tinh thần và kéo theo đó là những vấn đề sức khỏe về thể chất.

Theo bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một trong nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, gánh nặng gia đình, sức khỏe kém… là hiện vẫn còn nhiều người có quan niệm chưa đúng về vai trò của phụ nữ cao tuổi, các chính sách, chương trình của nhà nước còn bỏ qua sự tham gia của phụ nữ cao tuổi. Tình trạng bất bình đẳng giới, lạm dụng đối với phụ nữ cao tuổi vẫn còn tồn tại trong xã hội, trong nhiều gia đình và ngay cả trong phụ nữ cao tuổi.

Trong thời gian qua, để đẩy mạnh quan tâm tới người cao tuổi là nữ giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều hoạt động hướng về phụ nữ cao tuổi, người cao tuổi như đẩy mạnh tuyên truyền về thích ứng với già hóa dân số, dân số già; tăng cường chăm sóc, phát huy vai trò phụ nữ cao tuổi… Tại các cấp hội vận động, hỗ trợ phụ nữ cao tuổi phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh; phổ biến, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng thành công mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, Câu lạc bộ phụ nữ cao tuổi... thu hút sự tham gia tích cực của phụ nữ cao tuổi, được cộng đồng đánh giá cao.

Để chủ động với thực trạng già hóa dân số, các chuyên gia nhấn mạnh, phụ nữ hơn hết cần chuẩn bị những hành trang cần thiết ngay từ sớm để tránh bị động khi về già. Bản thân mỗi người cần có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của mình từ khi còn trẻ, cả về thu nhập, sức khỏe và đời sống xã hội, không nên trông chờ hoàn toàn vào các chính sách của Nhà nước để đảm bảo cuộc sống tuổi già mà trước tiên phải tự đảm bảo cho chính mình.

Đồng thời, người cao tuổi cũng cần ý thức lúc còn khỏe, nên tiết kiệm một khoản tiền để có thể làm những gì mình muốn, đi những nơi mình thích; khi về già vừa chủ động cho bản thân vừa giúp cho con cháu bớt đi một phần nỗi lo nuôi cha mẹ già. Chuẩn bị một nơi dưỡng già trước khi về già cũng là điều cần thiết. Nếu ở cùng con cháu mà không dung hòa được sự khác biệt giữa hai thế hệ có thể ở riêng.

Các chuyên gia nhận định, với tốc độ già hóa dân số nhanh, tình trạng nữ hóa người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng. Phụ nữ đối mặt với nhiều khó khăn hơn nam giới. Để chủ động với thực trạng già hóa dân số, phụ nữ hơn hết cần chuẩn bị những hành trang cần thiết ngay từ sớm để tránh bị động khi về già.


Thái Bình
Ý kiến của bạn