Hà Nội

Ăn tiết canh, thịt tái sống - Sán não “hỏi thăm”

16-07-2021 16:27 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Tin từ BVĐK tỉnh Cao Bằng cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị mắc kén sán não. Nguyên nhân chẩn đoán ban đầu do sở thích ăn tiết canh và thịt tái sống của bệnh nhân.

Ông B.I.C (46 tuổi, trú tại Quảng Hoà, Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt nhiều. Người nhà cho biết, bệnh nhân có sở thích hay ăn tiết canh sống và thức ăn tái chín; có tiền sử xơ gan và suy tim.

Qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng, chụp CT có hình ảnh nang ấu trùng sán trong não. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được chuyển lên Viện sốt rét côn trùng và ký sinh trùng Trung ương điều trị.

Bệnh sán não là gì?

Bác sĩ CKI Lương Thị Tuyết Anh, Khoa Truyền Nhiễm, BVĐK tỉnh Cao Bằng cho biết: Bệnh sán não do ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh trong não gây ra. Bệnh thường hay gặp ở khu vực có mức kén sán não sống thấp, vệ sinh kém, đặc biệt là ở những vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn, trâu, bò chưa được nấu chín, ăn tiết canh, nem thính, nem chua, gỏi sống.

Bệnh sán não thường gặp ở vùng có tập quán nuôi gia súc thả rông hoặc ăn thịt lợn, trâu bò chưa được nấu chín.

Biểu hiện nhiễm trùng sán não

Bệnh sán não xảy ra khi kén sán có ở não từ một đến nhiều ổ. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ phụ thuộc vào số lượng kén sán có trong não.

Biểu hiện thường gặp là: bệnh nhân bị nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ; mờ mắt, tăng áp lực sọ não, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, bệnh nhân có thể bị đột tử.

Hầu hết bệnh nhân nhiễm sán não biểu hiện đau đầu kéo dài hoặc bị co giật, điều trị tại tuyến cơ sở nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không đỡ với chẩn đoán đau đầu, động kinh. Nhưng khi đi chụp cắt lớp, hình ảnh nang sán não dễ dàng được phát hiện, có những nang lớn từ 0,5-1cm. Nếu bị nang sán quá lâu, có thể để lại các nốt vôi hóa trong não.

Ngoài ra, ấu trùng sán còn gây bệnh ở nhiều cơ quan khác.

- Ở mắt: Nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng, làm giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.

Nang ấu trùng sán não có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt... làm giảm thị lực hoặc bị mù.

- Ở tim: Nang ấu trùng ở cơ tim làm cho tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, bệnh nhân dễ bị ngất...

Xét nghiệm phân tìm thấy đốt sán và trứng sán; sinh thiết u nang ở da tìm thấy ấu trùng sán lợn. Chụp phim Xquang, chụp não thất hoặc soi đáy mắt phát hiện thấy u nang sán hoặc ấu trùng sán.

Phòng bệnh sán não thế nào?

Sán não là bệnh rất nguy hiểm, nhưng có thể phòng tránh được bằng cách:

- Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn, lòng lợn, gỏi, thịt lợn tái... không ăn thịt lợn gạo, không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần... mà phải nấu chín kỹ mới ăn;

- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

- Vệ sinh môi trường sạch sẽ; xây hố xí hợp vệ sinh, không đại tiện bừa bãi;

- Không nuôi lợn thả rông...;

Dùng thuốc tẩy sán dây lợn khi đã bị nhiễm sán. Khi có dấu hiệu đau đầu hoa mắt, chóng mặt thường xuyên. Nên đến cơ sở y tế được khám và phát hiện điều trị bệnh kịp thời.


N. Anh
Ý kiến của bạn