Ăn tiết canh, người đàn ông bị sán làm tổ trong não

04-07-2019 09:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vừa tiếp nhận nam bệnh nhân phát hiện có sán trong não do thói quen ăn tiết canh.

Bệnh nhân là anh  Lô Văn S. (38 tuổi, ngụ tại Qùy Hợp) bị đau đầu triền miên, liệt nửa người, khi nhập viện đã được bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phát hiện có sán trong não.

Theo lời kể của bệnh nhân trước khi nhập viện, một tháng, bệnh nhân S. xuất hiện những cơn đau đầu từ nhẹ đến nặng rồi đau liên tục, uống thuốc giảm đau không hiệu quả. Cách đây 1 tuần, bệnh nhân đau đầu nhiều, buồn nôn, sốt, tê yếu nửa người, tri giác chậm, nên được người nhà đưa vào viện cấp cứu.

Kết quả chụp CT não cho thấy có 5 ổ sán nằm rải rác trong não, trong đó có một ổ sán lớn trên đỉnh của bệnh nhân gây phù não. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp ngoại khoa để lấy được trọn vẹn ổ nang sán khỏi não.

Hình ảnh ổ sán trong não bệnh nhân.

Sau mổ, bệnh nhân hồi phục, tỉnh táo, không liệt, đi lại và sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị thuốc đặc trị sán.

Kén sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh do ấu trùng sán sống ký sinh ở người gây ra. Bệnh thường gặp ở người dân nơi có mức sống thấp, điều kiện vệ sinh môi trường kém, vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Để phòng bệnh, nên ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi sống... Khi xuất hiện các cơn đau đầu, co giật, cần đến viện kiểm tra xét nghiệm tầm soát bệnh liên quan đến ký sinh trùng.

Được biết, đây không phải trường hợp đầu tiên mắc sán não do ăn tiết canh, cách đây không lâu tại Bệnh viện K Trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân 35 tuổi (Lào Cai) bị nhiều nang sán lớn làm tổ trong não, gây hôn mê.  Người nhà của bệnh nhân  cho biết, trước đó 2 tuần bệnh nhân bị đau đầu, choáng váng, sốt, lên cơn co giật. Kết quả chụp cắt lớp vi tính phát hiện bệnh nhân có một khối u lớn trong não dạng nang, nghi ngờ trong não có nang sán hoặc khối u.

Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật ngay. Khi mổ ra bác sĩ phát hiện một tổ nang sán lớn như chùm nho, kích thước 5 cm x 6 cm trong não bệnh. Kíp bác sĩ tiến hành bóc toàn bộ nang sán.

Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại. Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Bệnh nhân thường xuyên ăn tiết canh từ nhiều năm nay, là nguyên nhân bị nhiễm sán dây.

Theo Bác sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng Khoa thần kinh, Bệnh viện K Trung ương, sán dây lợn là một dạng ký sinh trùng trên cơ thể lợn. Sán xâm nhập vào cơ thể người do ăn phải thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán, trứng sán hoặc ăn rau sống không được rửa sạch.

Trứng và ấu trùng sán dây lợn trong thịt lợn thường giống như hạt gạo. Sán khu trú ở trong các bắp thịt lợn (thịt nạc vai nhiều nhất), óc, đặc biệt phần nhiều gân và mỡ của lợn.

Sán lợn sang người sẽ di chuyển khắp nơi trong cơ thể, chủ yếu ở não và vùng dưới da. Đặc điểm là bệnh nhân có dấu hiệu đau đầu, co giật do sán gây viêm màng não hoặc làm tổ nang sán chèn lên não, nên bị nhầm lẫn với viêm màng não, u não.

Người bị nhiễm sán có thể có các nốt ở dưới da và cơ. Sán lợn lên não sẽ chèn ép não, gây những tổn thương vùng não gây giảm trí nhớ, mất trí nhớ. Một số bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã nặng, dẫn đến những triệu chứng như động kinh, co giật hoặc nổi u dưới da.

Bác sĩ Liên cảnh báo, nhiều người ăn tiết canh thường nghĩ uống rượu để diệt vi khuẩn, diệt giun sán, nhưng thực tế trứng giun sán không thể tiêu diệt bằng rượu bia. Do đó, để phòng bệnh cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn.

Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm, không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không bảo đảm, không rõ nguồn gốc. Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ...

Thủ phạm gây bệnh sán não

Ấu trùng sán lợn gây bệnh mạn tính cho người với các tổn thương ở da, cơ, não... Bệnh ở da và cơ gọi là bệnh “người gạo”, ảnh hưởng tới thẩm mỹ là chính. Bệnh ở não gọi là sán não, có thể gây động kinh, co giật, rối loạn tâm thần, đột tử...

Một con sán dây lợn trưởng thành dài từ 2-3m, đường kính khoảng 1mm, có nhiều đốt. Một đốt sán già có thể chứa tới 55 nghìn trứng, những đốt già ở cuối thường rụng thành từng đoạn 5, 6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài. Người là vật chủ chính của sán, còn lợn và các con vật nuôi khác như chó mèo là vật chủ phụ. Khi lợn ăn phải đốt sán hoặc trứng sán, trứng sán qua dạ dày đến ruột, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. Sau 2 tháng, ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài, kích thước 17-20 x 7-10mm, lúc này con lợn bệnh được gọi là lợn gạo (cysticereus cellulosae). Trong các nang này có dịch màu trắng, có mẩu đầu sán với 4 giác và 2 vòng móc.
Nếu người ăn phải trứng sán dây lợn theo thức ăn vào cơ thể, dưới tác dụng của dịch tiêu hoá, trứng từ các đốt sán già được giải phóng, hàng nghìn ấu trùng thoát ra khỏi trứng và chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, phát triển thành nang ấu trùng sán. Người có nang ấu trùng sán còn gọi là bệnh “người gạo”. Ấu trùng lên não làm ổ trong não gọi là bệnh sán não.

Lê Hồng
Ý kiến của bạn