Hà Nội

Ăn tiết canh, người chết, người lê lết...

19-02-2014 23:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Vừa qua, BVĐK tỉnh Hòa Bình dồn dập tiếp nhận 3 ca bệnh mắc liên cầu khuẩn lợn với các triệu chứng: đau đầu, sốt cao, đại - tiểu tiện không tự chủ, xuất hiện các ban hoại tử trên da, ù tai, hôn mê sâu...

Vừa qua, BVĐK tỉnh Hòa Bình dồn dập tiếp nhận 3 ca bệnh mắc liên cầu khuẩn lợn với các triệu chứng: đau đầu, sốt cao, đại - tiểu tiện không tự chủ, xuất hiện các ban hoại tử trên da, ù tai, hôn mê sâu... Đó là các bệnh nhân Bùi Văn Tứa, 54 tuổi ở xóm Bái; Bùi Văn Tiên, 23 tuổi ở xóm Vó và Đinh Công Phong, 32 tuổi ở xóm Bái, xã Phú Cường (huyện Tân Lạc). Bệnh nhân Bùi Văn Tứa do bệnh quá nặng nên đã tử vong sau khi đưa về nhà; anh Bùi Văn Tiên đến nay sau 1 tháng điều trị vẫn biểu hiện di chứng cứng cổ, ù tai, nghe kém.

Qua điều tra bệnh sử, trước khi nhập viện cấp cứu 4 ngày, ông Bùi Văn Tứa có mua lòng lợn, tiết canh về liên hoan với gia đình, bạn bè. Cả 3 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn đều tham dự bữa ăn này. Sau khi có kết quả chẩn đoán, xác định nguyên nhân của tuyến bệnh viện điều trị, Trung tâm YTDP tỉnh Hoà Bình, Trung tâm YTDP huyện Tân Lạc đã tiến hành giám sát dịch tễ, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về ATVSTP và bệnh liên cầu khuẩn lợn.

Có một thực tế rất đáng lo ngại là nhiều người dân còn có thói quen ăn tiết canh sống, các loại thực phẩm chế biến từ lợn, thịt lợn không đảm bảo ATVSTP như thịt chua, thịt tái, nem chạo nhiều trong nhân dân. Vào các dịp lễ, Tết, mùa lễ hội hay nhà có việc, các gia đình thường mua thực phẩm ở chợ không rõ nguồn gốc hoặc mổ lợn tại nhà trong điều kiện dụng cụ sơ sài, môi trường giết mổ không sạch sẽ nhưng vẫn thoải mái đánh tiết canh mà không hề biết rằng trong tiết canh sống tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm gây nên bệnh tiêu chảy, lị, liên cầu khuẩn. Bên cạnh đó, quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông gia súc, gia cầm cũng dễ dàng xâm nhập vào máu.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục ATVSTP Hoà Bình đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan và y tế xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người và một số bệnh nguy hiểm lây truyền qua thực phẩm khác, tổ chức các hoạt động giám sát các nhà hàng, quán ăn và các cơ sở chế biến thực phẩm từ thịt lợn đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng chống bệnh. Bên cạnh đó, phối hợp với đơn vị thú y tổ chức quản lý hoạt động giết mổ lợn an toàn trên địa bàn. Trung tâm YTDP tỉnh, các huyện, thành phố chủ động giám sát, phát hiện những trường hợp nghi mắc liên cầu lợn trên người tại cộng đồng, điều tra và tổ chức các biện pháp điều trị, phòng - chống bệnh.

BS. Mai Đức Sỡi - Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Hòa Bình khuyến cáo: Bệnh có thể tử vong nếu điều trị muộn, do vậy, người dân khi thấy các biểu hiện sốt cao, xuất huyết dưới da, nổi ban hoại tử trên người... cần đến ngay cơ sở y tế để khám, xác định, điều trị sớm. Thời gian điều trị ca mắc bệnh liên cầu lợn kéo dài vài tuần, thậm chí là 2 - 3 tháng, chi phí tốn kém lên tới hàng triệu đồng/ngày.           

    Bùi Minh

Ý kiến của bạn