Hà Nội

Ăn tiết canh, mắc những bệnh gì?

11-03-2014 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong những ngày gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một số bệnh nhân mắc bệnh do ăn tiết canh lợn, thậm chí có trường hợp đã tử vong.

Trong những ngày gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một số bệnh nhân mắc bệnh do ăn tiết canh lợn, thậm chí có trường hợp đã tử vong. Ăn tiết canh là rước bệnh vào thân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng!

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Nguy cơ mắc bệnh rất cao từ tiết canh

Ở Việt Nam, nhiều người thường có thói quen dùng các món tiết canh chế biến từ tiết sống lấy từ các loại động vật (gà, vịt, lợn, bò, chó), thậm chí uống tiết sống lấy từ rắn, dê. Tiết canh là món ăn tươi sống, sử dụng nguyên liệu là tiết động vật tươi được pha với nước mắm hoặc nước muối nhạt để chống đông trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ. Cách chế biến tiết canh như vậy rất thịnh hành trong ẩm thực từ Bắc đến Nam của người Việt Nam. Như vậy, tiết canh bản chất là tiết sống, mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con vật (lợn, gà, vịt, chó...) đang bị nhiễm bệnh. Nếu lợn đang mắc bệnh thì nguồn tiết của nó sẽ chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng). Vì vậy, người ăn tiết canh từ các con vật này sẽ rất dễ mắc bệnh (liên cầu lợn, cúm gia cầm, nhiễm khuẩn huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, giun, sán). Tuy nhiên, không phải ăn tiết canh xong mà bị bệnh ngay mà thường có một thời gian ủ bệnh. Chẳng hạn:

Bệnh lợn gạo là do sán dây trưởng thành ở người. Sán dây trưởng thành ký chủ ở ruột người. Những đốt già rụng dần theo phân ra ngoài với trứng. Trứng vào cơ thể lợn trở thành ấu trùng giống như hạt gạo khu trú ở trong các bắp thịt lợn (thịt nạc vai nhiều nhất), cả cơ mí mắt, óc, đặc biệt các hạt gạo tập trung chủ yếu phần nhiều gân và mỡ thường dùng để chế biến tiết canh. Nếu người ăn tiết canh của lợn gạo thì sẽ mắc bệnh sau vài ba tháng. Đầu tiên, sau khi vào ruột, đầu ấu trùng ra ngoài, bám vào niêm mạc ruột, phát triển thành sán trưởng thành sau 2 tháng rưỡi. Ở người cũng sẽ hình thành nang sán như ở cơ thể lợn.

Bệnh liên cầu lợn hay gặp nhất là thể nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau (xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa). Người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng (sốc nhiễm khuẩn), biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, truỵ tim mạch, suy hô hấp và có thể bị tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu). Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn, biểu hiện như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được nếu không có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.

Nếu ăn tiết canh gà, vịt rất dễ nhiễm virut cúm gia cầm (A/H5N1, H1N1, H7N9, H10N8) và nguy cơ mắc bệnh rất cao, có thể tử vong. Ngoài ra, nếu ăn tiết canh chó có thể có nguy cơ mắc bệnh dại nếu máu và thịt của chó đó bị nhiễm virut dại. Vì vậy, thông điệp là: “Nên bỏ thói quen ăn tiết canh càng sớm càng tốt”.

Hình ảnh liên cầu khuẩn lợn dưới kính hiển vi.

Hình ảnh liên cầu khuẩn lợn dưới kính hiển vi.

Phòng bệnh hiệu quả thế nào?

Cần tăng cường tuyên truyền một cách rộng rãi trong cộng đồng dân cư biết cách phát hiện và phòng bệnh là một việc làm hết sức quan trọng. Việc làm này nhằm để người dân biết cách phát hiện động vật bị bệnh sớm và đồng thời cũng biết cách phòng bệnh lây sang cho người, tránh gây hoang mang, hiểu biết không cặn kẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Làm thế nào để người dân thấm nhuần được rằng khi có nghi ngờ lợn bị mắc bệnh do liên cầu lợn hoặc gia cầm, thủy cầm ốm, chết thì cần khai báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương và y tế cơ sở để nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Không vận chuyển lợn hoặc thịt lợn, gia cầm, thủy cầm từ địa phương có dịch bệnh lợn tai xanh, cúm gia cầm sang địa phương khác. Tuyệt đối không mua bán lợn, thịt lợn, gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không thịt lợn, gia cầm, thủy cầm đã chết hoặc đang ốm với bất kỳ lý do gì. Khi động vật chết phải chôn ngay, chôn thật sâu, chôn xa nguồn nước, xa khu dân cư, chợ, những nơi tập trung đông người và cần phải có chất sát khuẩn mạnh kèm theo như vôi bột, cloramin B.

Thịt lợn, gà, vịt mua về cần nấu chín kỹ. Những người giết mổ, phân phối, chế biến thịt lợn, gia cầm, thủy cầm cần phải đi găng tay đảm bảo chất lượng. Cần dùng riêng dao, thớt, dụng cụ chế biến thịt, phủ tạng sống và phủ tạng, thịt đã nấu chín. Các nhà chức trách cần quản lý chặt chẽ việc giết mổ lợn cũng như quản lý chặt các tiểu thương buôn bán thịt, phủ tạng lợn một cách thật nghiêm ngặt. Cần có biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát thẩm lậu gia cầm, thủy cầm qua biên giới.

BS. Bùi Việt

 

 


Ý kiến của bạn